Những thanh sắt cong vênh, đồ đạc cháy đen, kính vỡ nằm ngổn ngang khi một đơn vị trinh sát Ukraine ập vào sở chỉ huy của quân đội Nga ở ngoại ô thành phố Kherson vừa được giải phóng.
"Hãy đến đây nhanh lên", một binh sĩ Ukraine bất ngờ hét to. "Mang cáng và bộ sơ cứu tới đây".
Không lâu sau, một lính Nga xuất hiện từ boong-ke với vết thương ở chân. Anh ta được các binh sĩ Ukraine hỗ trợ, đặt nằm úp mặt xuống sàn và bắt đầu sơ cứu.
"Chúng tôi bị cầm chân ở đây, còn những người khác đều đã rút lui", người lính Nga nói với các binh sĩ Ukraine. "Họ bảo sẽ quay lại đón tôi, nhưng không ai tới cả".
Cuộc đối thoại với tù binh Nga được đội trinh sát Ukraine ghi hình và chia sẻ với CNN. Nó cung cấp góc nhìn sâu hơn về cuộc chiến khốc liệt ở thành phố miền nam Kherson, nơi quân đội Nga hồi đầu tháng phải rút lui trước áp lực từ chiến dịch phản công của Ukraine.
Đơn vị trinh sát Ukraine cho biết họ sau đó chuyển người lính Nga đến nơi an toàn và vết thương của anh đã hồi phục. Nhưng nhiều binh sĩ Nga khác đang chiến đấu trên chiến trường Ukraine không có được kết cục như thế.
"Họ đã chịu tổn thất lớn ở đây", chỉ huy đơn vị trinh sát Ukraine Andrii Pidlisnyi, 28 tuổi, nói, chứng minh cho tuyên bố của mình bằng những video mà anh cùng đồng đội đã ghi lại trong vài tháng qua.
Lực lượng của Pidlisnyi hoạt động gần chiến tuyến đối phương đến nỗi họ nói rằng có thể nghe thấy những người lính Nga trò chuyện, nấu ăn hay đốn củi. Đơn vị xác định mục tiêu bằng cả mắt thường lẫn máy bay không người lái (UAV), sau đó chuyển tọa độ cho pháo binh Ukraine để ngắm bắn.
Đơn vị này còn có cả một số lính tình nguyện quốc tế đã tới Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra hồi cuối tháng hai. Họ đến từ Mỹ, Anh, New Zealand, Đức cùng một số quốc gia châu Âu khác, nhiều người đã có kinh nghiệm chiến đấu chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.
Trong một video quay bằng UAV được đơn vị chia sẻ với CNN, các binh sĩ Nga vội vã chạy vào chiến hào khi đạn pháo dội xuống. Loạt đạn pháo đầu tiên rơi khá xa so với mục tiêu, nhưng lính trinh sát sử dụng UAV đã gửi thông tin để các xạ thủ hiệu chỉnh tọa độ. Vài giây sau, khói bụi bốc lên từ các boong-ke và chiến hào, khiến binh sĩ Nga phải tháo chạy.
Từ mùa hè cho đến mùa thu, những cuộc đấu pháo giữa quân đội Nga và Ukraine là cảnh tượng thường thấy trên mặt trận Kherson. Các lính trinh sát Ukraine cho biết quân đội Nga có lợi thế áp đảo về hỏa lực.
"Họ bắn 80 phát thì chúng tôi mới bắn được 20", Pidlisnyi nói. Nhưng vũ khí hiện đại được NATO và các đồng minh phương Tây gửi đến Ukraine sau đó đã mang lại lợi thế cho họ về độ chính xác. Cuối cùng, sau khi chịu thương vong khoảng "50%" như suy đoán của Pidlisnyi, lực lượng Nga buộc phải rút lui.
"Họ mất rất nhiều người bởi tình báo của chúng tôi, pháo binh, tên lửa của chúng tôi, đặc biệt là hệ thống pháo phản lực HIMARS cùng nhiều tổ hợp khác", anh cho biết thêm. "Trước khi rút lui, chỉ riêng trong tháng trước, họ đã mất đến 90 xe tăng. Đó là một tổn thất lớn đối với họ, nhất là khi họ không có nhiều vũ khí mới để đưa ra chiến trường".
Niềm hân hoan với thắng lợi ở thành phố Kherson là cảm xúc hoàn toàn mới mẻ đối với Pidlisnyi cũng như các đồng đội của anh.
"Trước đó, chúng tôi đã trải qua những tháng ngày chìm trong thất vọng, hoang mang", Jordan O'Brien, 29 tuổi, lính tình nguyện đến từ New Zealand tham gia chiến dịch Kherson, nói. Anh chiến đấu ở miền nam Ukraine từ tháng 6, trong một đơn vị chống tăng.
"Chúng tôi từng gặp không ít khó khăn trên chiến trường, không thể tiếp cận những vị trí mà chúng tôi có thể nhìn thấy người Nga", O'Brien nói. "Họ cố thủ rất chắc".
Macer Gifford, lính tình nguyện đến từ Anh, cũng có suy nghĩ giống như O'Brien.
"Vài tháng qua thực sự rất cam go", cựu binh 35 tuổi từng chiến đấu ở Syria cho hay. "Người Nga áp dụng đủ loại chiến thuật, trong đó có oanh tạc hỏa lực với mật độ cao, khiến nỗ lực tiến công của chúng tôi cực kỳ nguy hiểm và mệt mỏi".
Lực lượng Nga đã chiếm Kherson và các khu vực xung quanh thành phố trong tháng đầu tiên phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Họ đã có thời gian để bố trí lực lượng và củng cố phòng tuyến, vài tháng trước khi Kiev tuyên bố phản công vào mùa hè. Nga đã sử dụng pháo hạng nặng để duy trì khoảng cách với quân đội Ukraine, tăng cường pháo kích ngay trước thời điểm rút quân.
"Vài tuần qua đặc biệt căng thẳng bởi chúng tôi bị pháo kích với cường độ rất lớn", Gifford nói. "Đạn pháo là thứ có thể nghiền nát tinh thần bạn. Nhưng may mắn thay, tất cả chúng tôi đều mạnh mẽ".
Pidlisnyi và đồng đội của anh cảm thấy nhẹ nhõm khi họ lần đầu tiên nghe tin về việc quân đội Nga có thể đã rút khỏi bờ tây sông Dnieper.
Anh cho biết các tuyến phòng thủ thứ hai và thứ ba của quân đội Nga từ đêm 8/11 bắt đầu rút khỏi Kherson. Tuyến phòng thủ đầu tiên là những người cuối cùng rời đi vào buổi sáng 9/11, để lại vô số bãi mìn nhằm làm chậm đà tiến của quân đội Ukraine.
Theo Pidlisnyi, đến ngày 10/11, toàn bộ lực lượng Nga ở bờ tây sông Dnieper đã lùi về khu vực gần sông và bắt đầu băng qua bờ đông. Đến ngày 11/11, quá trình rút quân hoàn tất và được Bộ Quốc phòng Nga xác nhận trên Telegram.
Damien Rodriguez, lính tình nguyện đến từ Mỹ, chuyên gia về chất nổ trong đơn vị của Pidlisnyi, cho hay anh ban đầu không dám tin Nga thực sự đã rút quân khỏi Kherson.
"Chúng tôi nghe được một số tin đồn, nhưng không cảm thấy chắc chắn lắm", Rodriguez, 41 tuổi, nói. "Tôi chỉ thực sự tin khi đi vào thành phố và nhìn thấy tất cả các vị trí họ bỏ lại".
"Những tháng ngày vất vả đã được đền đáp xứng đáng", anh nói. "Bạn nhìn thấy người dân, thấy mọi người khóc và cảm ơn chúng tôi vì đã giúp họ".
"Mọi người tung hoa và nhiều món quà về phía chúng tôi. Thật sự tuyệt vời", Gifford nhớ lại.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đợt rút quân khỏi Kherson là quyết định có tính toán, được thực hiện một cách chuyên nghiệp. "Không một thiết bị quân sự hay vũ khí nào bị bỏ lại ở phía bờ tây sông Dnieper", Bộ Quốc phòng Nga cho hay.
Nhưng Pidlisnyi cho biết diễn biến thực tế không như những gì phía Nga công bố. Dù các binh sĩ Nga đã có khoảng một tuần để chuẩn bị rút quân, họ vẫn rời đi trong vội vã.
"Chúng tôi cùng với một đơn vị tình báo khác đến để kiểm tra vị trí của họ và nhận thấy họ rút lui rất vội từ tuyến phòng thủ đầu tiên và để lại rất nhiều đồ đạc, tài liệu", anh nói.
Video do đơn vị này chia sẻ với CNN cho thấy hàng chục hộp đạn, quân trang cũng như tài liệu cá nhân bị bỏ lại. "Họ đã để lại một lượng vũ khí khổng lồ, từ súng phòng không đến lựu đạn và vũ khí cá nhân", Gifford cho hay.
"Tôi có thể lấy một số thứ thực sự tốt bởi chúng tôi khá thiếu trang bị", Rodriguez giải thích. "Chúng tôi gọi đó là tái phân bổ nguồn lực".
Vũ Hoàng (Theo CNN)