![chien-dich-don-ep-cong-to-vien-dac-biet-mueller-cua-trump](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2017/12/19/170803135336-restricted-0803-t-4414-6664-1513670602.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7khAukanFt3ejH5L_flIGw)
Tổng thống Donald Trump và các đồng minh được cho là đang nỗ lực hạ thấp uy tín của cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ do công tố viên đặc biệt Robert Mueller dẫn dắt. Ảnh: CNN.
Cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đang đứng trước hàng loạt đòn tấn công chính trị. Tổng thống Mỹ Donald Trump và các đồng minh được cho là đang nỗ lực một cách có hệ thống nhằm hạ thấp uy tín của cuộc điều tra trong mắt công chúng. Không nhận được ủng hộ điều tra từ quốc hội, Mueller dường như nhận thấy rằng ông ngày càng bị cô lập và lẻ loi, theo CNN.
Trong tuyên bố gần đây, Nhà Trắng nói không có ý định sa thải Mueller nhưng không vì thế mà nỗ lực nhằm cô lập Mueller bị giảm sút. Lúc này, nước cờ tiếp theo trong chiến lược mà Trump theo đuổi có lẽ là ông sẽ hành động quyết liệt để gieo nghi ngờ về uy tín của đối thủ, bình luận viên Julian Zelizer nhận định.
Trump và các đồng minh còn đang cố vùi dập cuộc điều tra nghi án ban vận động tranh cử cho ông thông đồng với Nga bằng cách ám chỉ rằng ban vận động tranh cử của ứng viên Hillary Clinton có thể mới là bên có mối thông đồng như vậy.
Kích động dư luận chính trị
Bình luận viên Julian Zelizer từ CNN cho rằng không nên xem nhẹ các đòn công kích từ Trump bởi ông và bộ máy của mình đã cho thấy họ rất thành thạo trong chiến thuật kích động dư luận chính trị thông qua truyền thông bằng cách tung ra nhiều cáo buộc nhắm vào cuộc điều tra, quy kết rằng các nhân viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang quyết tâm hạ bệ ông và rằng FBI đang bệ rạc bởi hàng loạt vấn đề xung đột lợi ích hay Mueller đã thu thập trái phép thông tin về quá trình chuyển giao quyền lực.
Những cáo buộc trên đang dần trở thành tâm điểm của các cuộc tranh cãi trên toàn nước Mỹ dù tính xác thực của chúng vẫn chưa rõ ràng.
Peter Carr, người phát ngôn cho Mueller, đã ra tuyên bố ngay lập tức sau khi những cáo buộc xuất hiện. "Khi thu thập nội dung những email trong tiến trình điều tra, chúng tôi đã nhận được sự đồng ý từ các chủ tài khoản email, đồng thời bảo đảm quy trình tố tụng hình sự thích đáng", Carr nhấn mạnh.
Những cáo buộc cũng len lỏi lên các mặt báo. Sáng 17/12, tờ Washington Post chạy nổi bật dòng tít: "Ban chuyển giao quyền lực của Trump cáo buộc Mueller thu thập bất hợp pháp nội dung các email".
Thực tế, tính hiệu quả trong các đòn công kích của ông Trump đã được minh chứng khi công tố viên đặc biệt Mueller buộc phải sa thải Peter Strzok, một nhân viên FBI cấp cao đang tham gia cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ, vì ông này bày tỏ quan điểm chống Tổng thống Trump thông qua các cuộc trao đổi email trước đây về cuộc vận động tranh cử.
Quyết định sa thải mà Mueller đưa ra đã phần nào làm ông mất uy tín . Đây rõ ràng không phải dấu hiệu cho thấy sự thận trọng của ông trong quá trình điều tra, giới chuyên gia nhận xét.
Thế trói tay của Mueller
![chien-dich-don-ep-cong-to-vien-dac-biet-mueller-cua-trump-1](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2017/12/19/Don-triet-ha-1-9173-1513670602.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=T3MFPCO0Azcgq29HivDfqA)
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang ngày càng bị cô lập và lẻ loi. Ảnh: New York Times
Mueller đang ở thế bị trói tay, khó có thể phản ứng. Nếu đáp trả quá quyết liệt để đẩy lùi những đòn công kích chính trị, ông sẽ bị coi là quá "thành kiến chính trị". Nếu im lặng, đội ngũ bên cạnh Tổng thống Trump có lẽ sẽ không bỏ qua cơ hội hạ thấp uy tín của ông vào dịp Giáng sinh sắp tới, theo CNN.
Trái lại, Trump và đội ngũ của ông có thể dùng mọi biện pháp trong khả năng để chống lại Mueller mà không cần kiềm chế. Trump nắm trong tay nhiều công cụ, nguồn lực hỗ trợ đắc lực để ông thực hiện mục tiêu này như Twitter, truyền thông bảo thủ hay các đồng minh tại quốc hội.
Với vụ Watergate thập niên 1970, khi các công tố viên Archibald Cox và Leon Jaworski tiến hành cuộc điều tra cáo buộc nghe lén đối thủ nhằm vào tổng thống Richard Nixon, họ không cô độc.
Lúc bấy giờ, quốc hội do đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát cũng tổ chức những cuộc điều trần riêng rẽ nhắm vào Nixon. Các cuộc điều trần này diễn ra quyết liệt và công khai, cho phép công chúng lần đầu tiên chứng kiến những gì xảy ra bên trong chính quyền Nixon.
Các cuộc điều trần đã tạo dư luận ủng hộ đối với những luận điểm chống Nixon và tạo nên bức tường ngăn các nỗ lực cản trở cuộc điều tra.
Tuy nhiên, bộ máy nhà nước của Mỹ ngày nay không giống như xưa. Nước Mỹ đang có một quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát, chịu trách nhiệm điều tra một tổng thống thuộc đảng Cộng hòa. Ngoài ra, bộ máy truyền thông bảo thủ đồ sộ cũng đang ủng hộ các quan điểm của Trump.
Dù là một công tố viên lão luyện và đã quen với lề lối hoạt động ở Washington, Mueller vẫn phải làm việc trong tình thế tương đối cô lập.
Khi đối diện với thách thức hiện nay và chuẩn bị gặp mặt cố vấn pháp lý Nhà Trắng trong tuần này, Mueller có rất ít đồng minh ở Washington ngoài các nghị sĩ đảng Dân chủ ở quốc hội thiếu thực quyền và không thể làm gì nhiều để ủng hộ ông.
Thái độ kiềm chế của quốc hội Mỹ
Ít nhất cho đến nay, công chúng vẫn ủng hộ những gì công tố viên đặc biệt Mueller đang làm. Tuy nhiên, có những giới hạn đối với ông, đặc biệt khi Tổng thống Trump và các đồng minh quyết liệt ra đòn tấn công.
Bất chấp việc Mueller được công chúng ủng hộ và mức tín nhiệm của Tổng thống Trump xuống thấp, điều quan trọng cần lưu ý là quốc hội Mỹ đang tỏ ra khá kiềm chế trong cách xử lý nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ và các vấn đề bất lợi khác liên quan đến chính quyền Trump, theo bình luận viên Zelizer.
Thực tế, hồi tháng 10, tờ New York Times cho biết hai ủy ban điều tra của hạ viện và thượng viện Mỹ đã gặp phải nhiều vấn đề gây cản trở công việc, từ tình trạng thiếu nhân viên cho đến việc họ bị trì hoãn hay vấp phải những tranh cãi liên quan đến phạm vi cuộc điều tra.
Những tuần tới sẽ là thời điểm sống còn đối với số phận cuộc điều tra do Mueller đảm trách. Các câu hỏi đang được đặt ra là Tổng thống Trump sẽ đi xa đến mức nào để chấm dứt cuộc điều tra? Và điều gì sẽ xảy ra nếu Trump đưa ra những động thái quyết liệt nhất, ví dụ như sa thải Mueller, khép lại cuộc điều tra?
Hồng Vân