Các công ty thuộc đế chế của tỷ phú Jack Ma không còn lẻ loi trong tầm ngắm của các nhà quản lý Trung Quốc. Từ việc siết chặt hành vi cạnh tranh không lành mạnh của những gã khổng lồ Internet, chính quyền nay mở rộng thành chiến dịch "thanh lọc" ngành công nghệ đang phát triển nhanh chóng và tự do quá mức của họ.
Gần đây, có vẻ như không tuần nào mà các nhà quản lý không nhắc nhở các công ty công nghệ về những vi phạm, từ việc định giá không nhất quán, xâm phạm quyền riêng tư của người dùng đến điều kiện làm việc khắc nghiệt.
Vào tháng 5, cơ quan quản lý mạng của Trung Quốc đã cáo buộc 105 ứng dụng, bao gồm các ứng dụng video ngắn và tuyển dụng, đã thu thập và sử dụng trái phép dữ liệu cá nhân. Họ ra lệnh các công ty phải khắc phục trong vòng 3 tuần hoặc có nguy cơ bị khởi kiện.
Trước đó, đã có 117 ứng dụng khác cũng được yêu cầu khắc phục sự cố dữ liệu người dùng. Các cơ quan quản lý cũng đã họp với các dịch vụ gọi xe về dấu hiệu ngược đãi tài xế, trong khi các công ty Internet đã được lệnh phải cải cách dữ liệu và cách thức cho vay. Nhà chức trách cũng chỉ trích các nền tảng về những gì họ xem là chiến thuật định giá lừa đảo.
Với các công ty công nghệ, việc được triệu tập để gặp gỡ các cơ quan quản lý báo hiệu cho công chúng và các nhà đầu tư rằng chính quyền đang cho họ cơ hội để khắc phục sự cố thay vì tiến hành các cuộc điều tra chính thức. Vì vậy, họ sẵn sàng được ngồi "ghế nóng" để nhận lỗi và khắc phục.
Mục đích của Trung Quốc "là thúc đẩy các công ty tuân thủ yêu cầu quy định mà không có sự can thiệp chính thức", Angela Zhang, Phó giáo sư luật tại Đại học Hong Kong, nhận định.
Trước đây, quy định của Trung Quốc về ứng dụng di động tập trung vào việc kiểm soát nội dung gây tranh cãi hoặc không phù hợp. Nhưng giờ, họ nhắm đến việc quản lý nhiều loại vi phạm hơn mà vốn được xem như chuyện bình thường trong một ngành công nghiệp bùng nổ và được giám sát dễ dãi.
Ví dụ, Trung Quốc có ít quy định về chống độc quyền nhất trong các nền kinh tế lớn và thường chỉ dùng các quy tắc chống độc quyền để hạn chế ảnh hưởng của các công ty nước ngoài. Trong khi, phần lớn các công ty Internet trong nước được bỏ qua để thuận lợi phát triển.
Điều đó bắt đầu thay đổi vào cuối năm ngoái, khi Ant Group bị hoãn IPO vài ngày sau bài phát biểu chỉ trích ngành tài chính truyền thống của Jack Ma. Vào tháng 12, Trung Quốc điều tra Alibaba Group, nơi cũng do Jack Ma là người đồng sáng lập. Đến tháng 4, nhà quản lý ra án phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD với Alibaba, vì hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường trong kinh doanh.
Sau đó, đến lượt gã khổng lồ giao đồ ăn Meituan bị điều tra chống độc quyền với cùng một công thức đã áp dụng với Alibaba. Công ty này cho biết họ sẽ hợp tác với cuộc điều tra và hoạt động kinh doanh tiếp tục diễn ra bình thường.
"Chính phủ muốn gửi một thông điệp rất rõ ràng đến tất cả tập đoàn công nghệ này rằng họ là người chủ quản. Bất kỳ ý niệm nào sai khác sẽ không được dung thứ", Mark Natkin, CEO Marbridge Consulting tại Bắc Kinh, bình luận.
Cho đến nay, ngoại trừ Ant thì các công ty công nghệ khác chưa trải qua cuộc đại tu nào. Một số thì điều chỉnh tính năng trong ứng dụng để xoa dịu cơ quan quản lý. Số khác thì có thể bị thiệt hại nhiều hơn nếu phần lớn lợi nhuận dựa vào việc thu thập và chia sẻ dữ liệu, theo nhân viên của 5 trong số các công ty có ứng dụng bị gọi tên vào tháng trước.
Một số nhân viên cho biết họ ngày càng thận trọng hơn về bất cứ điều gì có thể bị coi là đi ngược lại quy định. ByteDance, công ty mẹ của ứng dụng video ngắn Douyin nằm trong số những đối tượng bị điểm danh là thu thập dữ liệu không phù hợp. Vì thế, họ đã thuê đội ngũ chuyên gia pháp chế xem xét các điều khoản người dùng và các tính năng trên ứng dụng có vi phạm quy tắc không.
Cơ quan quản lý thị trường Thượng Hải gần đây đã phạt 500.000 nhân dân tệ, tương đương khoảng 78.000 USD với ứng dụng giao hàng Ele.me thuộc sở hữu của Alibaba vì vi phạm luật an toàn thực phẩm và giá cả của Trung Quốc.
Ủy ban Bảo vệ Người tiêu dùng Thượng Hải cho biết đã làm việc với Meituan và Pinduoduo vào tháng trước về các cáo buộc thông tin gây hiểu lầm, chất lượng sản phẩm và việc không giao hàng.
Các nhà quản lý Trung Quốc cũng đã kêu gọi người dân tham gia giám sát hành vi của các công ty công nghệ. Nhiều cảnh báo gần đây dựa trên các khiếu nại của người dùng, theo thông báo của các cơ quan quản lý.
"Những lời phàn nàn đã xuất hiện trong một thời gian dài và chắc chắn sẽ lên đến đỉnh điểm để có động thái bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều khá ấn tượng là mọi thứ đến cùng một lúc", François Renard, Người đứng đầu bộ phận chống độc quyền của Allen & Overy tại Trung Quốc đại lục, nói.
Tháng trước, 8 cơ quan chính phủ bao gồm Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an đã triệu tập 8 công ty vận tải, bao gồm cả công ty gọi xe khổng lồ Didi Chuxing và Meituan, với lý do công chúng ngày càng lo ngại về quyền lợi của tài xế. Didi Chuxing đã trình bày chi tiết các cơ chế định giá của mình trong một bài đăng trên WeChat vào tháng 5 và cảm ơn sự giám sát và phê bình của công chúng.
Các công ty công nghệ hiện đáp lại những lời khiển trách với cam kết trở thành những doanh nghiệp tốt hơn. CEO Meituan Wang Xing cho biết đã thành lập một nhóm phụ trách hợp tác với cuộc điều tra của cơ quan quản lý và cam kết thực hiện trách nhiệm xã hội. Ông Wang đã quyên góp số cổ phiếu trị giá 2,3 tỷ USD cho quỹ cá nhân của mình. Meituan cho biết khoản quyên góp này sẽ tài trợ cho các dự án liên quan đến giáo dục và nghiên cứu khoa học.
Vào tháng 4, CEO Pony Ma của Tencent cho biết công ty sẽ dành 7,7 tỷ USD để tài trợ cho các dự án liên quan đến phúc lợi cộng đồng, phục hồi nông thôn, bảo vệ môi trường, cùng các sáng kiến khác. Gã khổng lồ này đã bị các cơ quan quản lý chỉ mặt vì rủi ro dịch vụ tài chính và không báo cáo chính xác các vụ thâu tóm.
"Nếu chúng tôi tận dụng công nghệ và sản phẩm của mình để mang lại lợi ích xã hội lớn hơn, tôi nghĩ về tổng thể, sẽ được người dùng, khách hàng, chính phủ và nhân viên đón nhận tốt hơn", Martin Lau, Chủ tịch Tencent, cho biết.
Phiên An (theo WSJ)