Gần như mọi nguồn lực an ninh ở Washington, New York và Philadelphia, những địa điểm Giáo hoàng Francis dự kiến đi qua, đều được huy động tối đa, theo Washington Post. Dù chiến dịch lần này có sự tham gia của hàng nghìn cảnh sát liên bang nhưng chuyên gia nhận định những mối nguy hiểm tiềm ẩn vẫn rất lớn.
Trong chuyến công du đầu tiên tới Mỹ, Giáo hoàng đến thăm Nhà Trắng và Quốc hội, diễu hành qua Đại lộ Hiến pháp ở Washington, gặp gỡ giáo dân tại cung thể thao Madison Square Garden, diễu hành qua Công viên Trung tâm ở New York và trò chuyện cùng 1,5 triệu tín đồ ở Philadelphia.
Vào thời điểm Giáo hoàng tới New York, tại đây cũng diễn ra kỳ họp lần thứ 70 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Các phái đoàn từ khoảng 150 quốc gia khác nhau sẽ tề tựu về thành phố. Chính vì thế, khu trung tâm New York được dự báo sẽ bị phong tỏa.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Jeh Johnson nêu rõ mỗi địa điểm dừng chân của Giáo hoàng Francis sẽ được bảo vệ như một Sự kiện An ninh Đặc biệt cấp Quốc gia, tương đương các dịp có ý nghĩa trọng đại như lễ nhậm chức tổng thống, hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay Thế vận hội mùa Đông 2002.
Xem video nhân viên an ninh vây quanh xe diễu hành của Giáo hoàng
Cơ quan Mật vụ Mỹ là đơn vị đóng vai trò chủ chốt, có nhiệm vụ điều phối mọi hoạt động liên chính phủ về chống khủng bố, kiểm soát đám đông, đối phó khủng hoảng, cũng như điều chỉnh lưu lượng giao thông trên bộ và trên không. Cục Điều tra Liên bang (FBI), lực lượng bảo vệ bờ biển, Cơ quan Quản lý các Tình huống Khẩn cấp và cảnh sát địa phương được yêu cầu hỗ trợ.
Nhiều cơ quan chính phủ ở Washington khuyến khích nhân viên làm việc ở nhà từ ngày 22 đến 24/9 để giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn trong nội đô. Song, việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tới thăm Nhà Trắng vào ngày mai đang chất chồng thêm thách thức an ninh đặt ra cho nhà chức trách Mỹ.
"Họ xây dựng một chương trình bảo vệ lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ tại cả ba thành phố", Jonathan Wackrow, cựu nhân viên mật vụ từng tham gia chuẩn bị an ninh cho lễ nhậm chức của Tổng thống Barack Obama vào năm 2013, nhận xét. "Giáo hoàng Francis được bảo vệ nghiêm ngặt ngang bằng, thậm chí còn hơn cả tổng thống Mỹ".
Ông Johnson cho hay để đảm bảo mọi việc diễn ra suôn sẻ và an toàn, nhiều ban ngành, cơ quan liên quan tại Mỹ phải lên phương án từ trước đó hàng tháng. Tại Trung tâm Kết nối Đa Cơ quan, khoảng 90 nhân viên từ 50 đơn vị chuyên trách đang tập trung để giám sát mọi hình ảnh, âm thanh phát đi trên nhiều kênh truyền thông khác nhau.
Thực tế, các mối đe dọa có thể xảy đến với Giáo hoàng không phải chỉ là lý thuyết. Giáo hoàng John Paul II hồi tháng 5/1981 từng bị bắn trong khi đang tiến vào Quảng trường Vatican. Vì thế, đằng sau hậu trường, Cơ quan Mật vụ Mỹ cần vạch ra một chiến lược an ninh tỉ mỉ và chính xác đến từng chi tiết cho chuyến thăm của Giáo hoàng.
Giám đốc Cơ quan Mật vụ Mỹ Joseph Clancy cùng đội ngũ nhân viên, những người luôn túc trực bên cạnh, chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác bảo vệ Giáo hoàng, mùa hè vừa qua tới Vatican để họp bàn với bộ phận an ninh của Giáo hội. Họ phải đi theo xe của Giáo hoàng tới khắp các ngõ ngách của Tòa Thánh, nghiên cứu từng thói quen, cử chỉ nhỏ của Giáo hoàng.
"Chúng tôi cần xem mọi thứ ở đó vận hành như thế nào" Clancy nói trong một cuộc phỏng vấn. "Điều này rất có ích".
Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ trực thuộc Cơ quan Mật vụ, một đội ngũ tập hợp các đặc nhiệm chống bắn tỉa và chống tấn công áp sát giàu kinh nghiệm, cũng phải tấp huấn tại những trại huấn luyện đặc biệt trước chuyến thăm vài tuần. Họ còn thuê hẳn một chiếc xe mô phỏng chính xác phương tiện di chuyển trong lúc diễu hành của Giáo hoàng để xây dựng phương án tác chiến.
Xem thêm: Thông điệp từ chiếc xe giản dị của Giáo hoàng ở Mỹ
Cơ quan Tình báo Mỹ thì đảm nhận trọng trách giám sát mọi nguy cơ khủng bố cả trong và ngoài nước. Ông Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện, tuần trước cho hay các mật vụ đã phá vỡ một âm mưu phá hoại chuyến thăm của Giáo hoàng. Tuy nhiên, một số cơ quan có thẩm quyền khác lại nói không biết gì về sự việc trên.
Chuyên gia an ninh nhấn mạnh việc bảo vệ Giáo hoàng là một thử thách vô cùng khó khăn. Điều này xuất phát từ việc Giáo hoàng thường xuyên có xu hướng hòa nhập vào đám đông chào đón, ủng hộ mình.
Hồi năm 2013, chiếc xe chở Giáo hoàng bị một nhóm người cuồng nhiệt vây kín ở Rio de Janeiro. Giáo hoàng Francis khi đó kéo tấm kính cửa sổ xuống, bắt tay những người đứng cạnh ông, thậm chí còn ôm hôn một em bé.
Giới quan sát cho rằng các biện pháp ngăn chặn đặc biệt sẽ khiến sinh hoạt của người dân trở nên bất tiện, về mặt nào đó, chúng còn có thể phản tác dụng.
Ông Scott White, giáo sư an ninh quốc gia tại Đại học Drexel, Philadelphia, nhận định kế hoạch cấm đường cao tốc và chặn cầu trong thời gian Giáo hoàng tới thăm thành phố là chưa từng có tiền lệ. Ngay cả đối với những chuyến công du của các nguyên thủ quốc gia, yêu cầu giao thông ngừng hoạt động cũng chỉ là tạm thời.
Vấn đề chi phí an ninh quá lớn cũng làm dấy lên nhiều mối nghi ngại. Chính quyền liên bang dự trù 4,5 triệu USD ngân sách một năm cho các Sự kiện An ninh Đặc biệt cấp Quốc gia, song nhà chức trách từ chối tiết lộ liệu số tiền trên có đủ để phục vụ cho chuyến thăm lần này của Giáo hoàng hay không.
Xem thêm: Bé gái vượt rào an ninh để ôm Giáo hoàng
Vũ Hoàng