Người VETC nhớ những tháng, ngày nhịn tắm, ăn mì tôm sống để hoàn thiện hệ thống thu phí không dừng kịp thời hạn 50 ngày.

Ban lãnh đạo Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (thuộc Tập đoàn Tasco) nhận lệnh có 50 ngày triển khai đồng bộ hóa và đưa vào vận hành hệ thống thu phí không dừng trong một cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ vào một ngày đầu tháng 6/2022.

50 ngày "nhuộm da" với 1.700 đầu việc

Ngay khi lãnh đạo VETC nhận lệnh có 50 ngày triển khai đồng bộ hóa và đưa vào vận hành hệ thống thu phí không dừng, thông điệp đó lập tức được truyền tải tới toàn bộ hệ thống với hơn 5.000 nhân sự và 90 nhà thầu phụ. Hơn 1.700 đầu việc cũng được triển khai cho 4 tuyến với gần 200 người trực chiến, bà Nguyệt kể lại.

Lý giải về con số 1.700 đầu việc, bà cho biết, trước thời điểm vận hành ETC tại mỗi tuyến cao tốc, đội ngũ đều phải chuẩn bị và kiểm tra 21 kịch bản mô phỏng cùng 90 lượt kiểm tra tự do nhằm ứng phó với mọi sự cố có thể xảy ra. Trong khoảng thời gian đó, số lượng nhân sự dịch vụ, văn phòng... của doanh nghiệp đều phải bổ sung gấp 3 lần để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh khi triển khai hệ thống.

Số đầu việc khổng lồ, thời gian gấp rút, trong khi phần lớn công việc phải xử lý vào ban đêm và rạng sáng - thời điểm để không ảnh hưởng đến việc lưu thông của phương tiện. Bởi vậy, những "chiến sĩ áo xanh" (màu đồng phục của VETC) đều phải tận dụng từng phút ăn mì tôm sống hay nhịn tắm do trạm mất nước để vừa thi công, vừa đảm bảo việc thu phí không bị ảnh hưởng.

"Trong chiến dịch 50 ngày đêm, có những 'chiến sĩ áo xanh' đã tận dụng từng phút, ăn mì tôm sống thay vì ra ngoài ăn cơm để đảm bảo hệ thống hoạt động chuẩn, ổn định. Có những trạm bị mất nước, téc nước mua về dùng để ưu tiên rửa đường, các anh chị em nhịn tắm. Hay như kỷ niệm cả tập thể dồn sức xử lý sự cố hy hữu nghẽn đường truyền cáp Internet và thở phào sau một đêm đầy 'kịch tính' trước giờ thông tuyến", bà Nguyệt kể về những tháng ngày không thể quên.

Trước thời hạn áp dụng đồng bộ thu phí không dừng trên cả nước, số lượng đăng ký dán thẻ định danh ôtô cũng tăng vọt, thúc đẩy VETC đẩy mạnh chiến dịch “phủ xanh” với nhiều ưu đãi. Tính riêng giai đoạn cao điểm tháng 7-8, đội ngũ VETC đã dán thẻ eTag (thẻ thu phí không dừng do đơn vị này phát hành) cho hơn 550.000 phương tiện. Để đáp ứng nhu cầu dán thẻ tăng mạnh đồng thời không gây ùn tắc tại các điểm, gần 8.000 người gồm cả nhân viên và cộng tác viên được huy động trong dịp cao điểm của chiến dịch.

Bà Nguyệt chia sẻ, sau chiến dịch, người VETC thường đùa với nhau rằng, trong khi phủ xanh những làn đường, các "chiến sĩ" cũng đồng thời phủ nâu mọi làn da.

Dù có nhiều năm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, chuẩn bị nhưng với những người VETC, thời hạn này cũng là một “chiến dịch” đầy thách thức. Bởi trước đó, ở nhiều nơi việc triển khai thu phí không dừng đã mất thời gian dài chuẩn bị nhưng vẫn gặp không ít rủi ro.

Từ bài học của thị trường Đài Loan

Theo Tổng giám đốc VETC, để triển khai hệ thống trạm thu phí không dừng, VETC đã có thời gian rất dài để tìm hiểu và nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Đài Loan – một thị trường được triển khai khá sớm. Theo bà, từ đầu thế kỷ 21, Đài Loan đã xây dựng chiến lược nâng cao hiệu quả quản lý và thu phí đường bộ bằng việc kêu gọi đơn vị tư nhân tham gia triển khai hệ thống thu phí không dừng (ETC). Theo tờ South China Morning Post, vào năm 2004, Công ty TNHH Thu phí điện tử Viễn Đông (FETC) thuộc Tập đoàn Far Eastern (FEG) được giao xây dựng và vận hành hệ thống ETC.

"Công nghệ thu phí mới trên đường cao tốc đã gây ra nhiều tranh cãi tại chính thị trường này và thu hút sự quan tâm trên khắp châu Á. Tuy nhiên hệ thống này có thể tạo ra dấu ấn mới cho ngành sau khi triển khai", theo đánh giá của tờ SCMP trong một bài viết cuối năm 2005.

Hệ thống thu phí không dừng tại Đài Loan được triển khai trong hơn một thập kỷ trải qua ba giai đoạn. Ở giai đoạn 1, chính quyền chuyển đổi một số làn thu phí truyền thống sang làn ETC có barrier. Vào giai đoạn 2, mục tiêu là triển khai đơn làn tự do ETC và giai đoạn 3 là đa làn tự do ETC.

Hệ thống thu phí đa làn ETC tại Đài Loan. Ảnh: Philip Liu.

Ra mắt vào đầu năm 2004, hệ thống ETC chưa hoàn toàn được người dân tin tưởng vì gặp nhiều lỗi kỹ thuật về tính phí. Từ đầu năm 2006, FETC đã chuyển đổi một số làn thu phí truyền thống sang làn ETC sử dụng công nghệ giao tiếp tầm ngắn chuyên dụng DSRC. Theo Quỹ chính sách Đài Loan, các phương tiện đi qua trạm sử dụng công nghệ DSRC nhanh hơn 10% mỗi giờ so với trước đó.

Tuy nhiên công nghệ này không đạt được kỳ vọng. Tính đến tháng 6/2012, tỷ lệ sử dụng ETC tại Đài Loan chỉ đạt 43%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 65% theo cam kết trong hợp đồng của FETC. Tỷ lệ tài xế sử dụng ETC thấp đến từ nhiều nguyên nhân như quy trình đấu thầu chưa hợp lý, vấn đề kỹ thuật của hệ thống đọc thẻ, làn ETC quá ít, đặc biệt bảng tính phí không rõ ràng, thiếu dịch vụ 24/7... khiến người dùng không tin tưởng vào hệ thống. FETC đã đối diện với nguy cơ bị cắt hợp đồng và phá sản vì nhiều người dùng phàn nàn chi phí lắp đặt thiết bị OBU đắt.

Từ năm 2012, công ty này đã dần chuyển sang công nghệ định danh bằng tần số sóng vô tuyến RFID. Tài xế sẽ dán eTag lên kính xe và hệ thống tự động trừ phí cầu đường vào tài khoản của chủ xe. Đầu năm 2014, Đài Loan áp dụng chính sách thu phí dựa trên khoảng cách di chuyển trên quốc lộ, một dấu mốc quan trọng trong phát triển hệ thống ETC. Tuy nhiên sự cố 121 trường hợp thu phí sai sau vài ngày đầu triển khai đã gây ra làn sóng phản đối trong công chúng. Nguyên nhân sự cố được FETC công bố là ứng dụng ETC trên điện thoại di động liên tục bị tin tặc tấn công.

Sau đó, FETC đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi táo bạo như khuyến mại, miễn phí dán thẻ... cho người dùng. Theo dữ liệu của Phòng Thương mại Mỹ tại Đài Loan, nhờ những chính sách trên, tỷ lệ tài xế đăng ký sử dụng công nghệ ETC đã tăng nhanh từ 43% lên 94% trong giai đoạn 2012-2014. Mức tăng trưởng này vượt xa Nhật Bản khi nước này mất 11 năm để đạt được tỷ lệ tương đương. Trong vòng 8 tháng, FETC đã lắp đặt 319 giàn thu phí ETC, trải dài gần 1.000 km cao tốc. Nhờ cảm biến tần số cao có thể đọc thẻ RFID trong 2 mili giây và chụp ảnh từng biển số, tài xế có thể giữ nguyên tốc độ 100 km mỗi giờ khi di chuyển trên cao tốc.

Giai đoạn 3 triển khai hệ thống thu phí không dừng tại Đài Loan kéo dài từ năm 2014 đến nay với việc loại bỏ hoàn toàn trạm thu phí và triển khai đa làn tự do ETC. Theo CommonWealth, tạp chí chuyên về kinh doanh và tài chính của Đài Loan, hệ thống ETC của thị trường này hiện ghi nhận lưu lượng xe hàng đến 3,2 triệu lượt phương tiện và gần 16 triệu lượt giao dịch mỗi ngày.

"Trong khi nhiều thị trường khác vẫn đang sử dụng trạm thu phí truyền thống hoặc áp dụng một phần làn ETC thì hệ thống thu phí đa làn không dừng đã được áp dụng 100% ở Đài Loan", ông Richard Wu, Phó chủ tịch công nghệ của FETC chia sẻ với truyền thông Đài Loan. Ông Wu cho biết hệ thống ETC ước tính tiết kiệm được 80 triệu USD mỗi năm nhờ việc giảm ô nhiễm không khí, tiết kiệm nhiên liệu và loại bỏ vé giấy.

Thành công trong hơn một thập kỷ triển khai hệ thống ETC tại Đài Loan là kinh nghiệm cho nhiều quốc gia khác như Malaysia, Italy, Nga, Thái Lan... Trong đó, công nghệ RFID áp dụng thành công ở thị trường này cũng được Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đánh giá phù hợp với văn hóa, môi trường giao thông trong nước. Tuy nhiên, theo bà Nguyệt, thị trường Việt Nam cũng gặp một số bài toán tương tự Đài Loan.

"Hệ thống thu phí phức tạp nhất thế giới"

Giai đoạn đầu triển khai công nghệ mới cho hệ thống thu phí không dừng luôn là bài toán "đau đầu" tại nhiều thị trường. Và VETC đã có nhiều chiến dịch để "phủ sóng" trạm thu phí không dừng.

Ngay sát thời điểm các tuyến đường cao tốc trên cả nước sẽ chấm dứt làn thu phí thủ công để chuyển sang thu phí điện tử tự động không dừng, các cán bộ kỹ thuật và vận hành VETC đã ngày đêm xử lý khối công việc lớn, ăn ngủ tại trạm với mục tiêu triển khai ETC tại 4 tuyến cao tốc trong gần 2 tháng. Đó là các tuyến Cầu Giẽ – Ninh Bình, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Nội Bài – Lào Cai và TP HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Trong giai đoạn một, các nhà cung cấp dịch vụ bắt buộc thu phí trước và sử dụng barrier tại trạm thu phí do thời điểm này chưa có cơ chế phù hợp. Để đảm bảo lưu thông, toàn bộ giao dịch thu phí (nhận diện xe, kiểm tra số dư, trừ tiền, mở barrier) phải diễn ra trong thời gian cho phép là 1 phần 10 giây.

Trong khi đó, đặc thù của ETC tại Việt Nam là liên thông các trạm của nhiều nhà đầu tư BOT khác nhau, nhiều biểu giá với các hình thức tính phí đa dạng. Do vậy bài toán triển khai đồng bộ ETC trên cả nước gặp nhiều khó khăn bởi tỷ lệ dùng chưa đạt 100%, xe không chính chủ và quy định thu phí khác nhau.

Bà Nguyệt lấy ví dụ nếu tài xế không phải chủ xe thì sẽ không kiểm tra được số dư trong tài khoản giao thông, hay trường hợp tài xế không rành về công nghệ dẫn đến việc qua làn ETC mất nhiều thời gian.

3 giai đoạn thu phí không dừng tại Việt Nam

Để giải quyết được thách thức này, các đơn vị cung cấp dịch vụ như VETC đã tăng tốc triển khai công nghệ và tìm giải pháp. Đại diện VETC chia sẻ công nghệ lõi mà đơn vị sở hữu có thể xử lý được các bài toán phức tạp của thu phí không dừng đặc thù ở Việt Nam như nhiều mức phí, phí cho từng địa phương, phí vùng... Đơn vị không chỉ sử dụng RFID mà thực tế kết hợp cả 4 loại công nghệ nhận diện khác nhau bao gồm công nghệ nhận diện laser, công nghệ nhận diện vòng cảm ứng, công nghệ nhận diện biển số và RFID.

Sau 6 năm triển khai giai đoạn một, tính đến cuối tháng 9, tỷ lệ sử dụng ETC tại Việt Nam đã đạt 84%. Tính đến tháng 7/2022, hệ thống ETC đã phủ sóng 113 trong tổng số 141 trạm (đạt 80,14%) với tổng cộng 603 trên 817 làn (đạt 73,8%). Riêng VETC đã vận hành 70% trạm thu phí không dừng trên toàn quốc, xử lý khoảng 1,1 triệu giao dịch mỗi ngày. Số lượng xe dán thẻ ETC cũng tăng nhanh đạt gần 4 triệu trong tổng số gần 5 triệu xe trên cả nước, theo dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

“Hệ thống ETC không chỉ giảm thời gian phương tiện lưu thông qua trạm thu phí, giảm ô nhiễm môi trường mà còn góp phần tăng cường sự minh bạch trong công tác thu phí dịch vụ đường bộ”, ông Tô Nam Toàn - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Hợp tác quốc tế, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay.

Bản đồ ghi dấu VETC trên hệ thống ETC toàn quốc

Trong 3 giai đoạn phát triển hệ thống ETC, Việt Nam đang ở giai đoạn một - thu phí có barrier, thanh toán trả trước. Ở giai đoạn cao hơn, barrier sẽ dần loại bỏ và áp dụng quy định trả sau. Đến giai đoạn 3 dự kiến từ năm 2026, dịch vụ sẽ được triển khai đa làn, chỉ duy trì giá long môn và thiết bị thu phí gắn trên giá long môn.

Ông Nguyễn Danh Hiếu, Chủ tịch Hội đồng thành viên VETC cho biết bước sang giai đoạn 2, hoạt động tính phí trả sau sẽ được áp dụng. VETC đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực từ công nghệ, nhân lực... cho giai đoạn 2 cũng như các giai đoạn tiếp theo của dự án. Cụ thể, trong thời gian tới đơn vị sẽ làm thủ tục xin cấp phép để chuyển đổi tài khoản giao thông thành tài khoản ví điện tử nhằm mục đích để khách hàng sử dụng thuận tiện và hiệu quả hơn số tiền trong tài khoản giao thông.

Chiến dịch 50 ngày đêm của 'ông lớn' thu phí không dừng
 
 

Nội dung: Ngọc Diễm

Thiết kế: Thái Hưng

Kỹ thuật: Quốc Tuấn