Với vẻ mặt lầm lỳ, Harris vào khu bán đồ golf và dùng khẩu súng lục cỡ nòng 38 li có ổ đạn xoay tước vũ khí của các nhân viên mật vụ rồi bắt bảy người làm con tin. Yêu cầu của Harris là "muốn nói chuyện với Tổng thống Ronald Reagan"
Trong các tổng thống Mỹ là golfer trước thời Barack Obama, Bill Clinton chưa chơi ở sân Augusta National, còn George Bush đã đánh hồi làm cấp phó cho Reagan. Dwight D. Eisenhower thì đến quá nhiều, từ lúc trước khi làm chủ Nhà Trắng sang thời đương nhiệm đến lúc mãn nhiệm. Đến mức, sân đã cấp cho ông chỗ ở riêng và đặt tên là Eisenhower Cabin.
Reagan, ngược lại, hiếm khi chơi golf, và hai ngày ở Augusta National vào tháng 10/1983 là trải nghiệm sân lần đầu của vị Tổng thống Mỹ này. Ông được vào sân theo suất "khách của hội viên" đang là Bộ trưởng Ngoại giao George Schultz, chứ không phải với tư cách tổng thống Mỹ. Đó là quy định riêng của sân chơi chỉ phục vụ hội viên vốn khét tiếng kín kẽ và kén chọn.
Hồ sơ Nhà Trắng cho thấy, nhóm chơi golf cùng Reagan lần ấy còn có Bộ trưởng Tài chính Donald T. Regan và cựu Thượng nghị sĩ Nicholas F. Baker của bang New Jersey. Khi Harris đứng cạnh chiếc Ol’ Blue bên ngoài cổng số 3 và chuẩn bị đâm vào, nhóm của Reagan ở gần green hố 16.
Từ sáng sớm hôm đó, Harris biết Tổng thống ở trên sân qua những thông tin tình cờ. Khi thấy các nhân viên công vụ đứng dọc hàng rào, Harris bèn hỏi viên phó quận: "Này Mitch, có ai trong đấy thế?".
"Tổng thống tới chơi golf", Mitch đáp.
Reagan thoát chết trong vụ ám sát ngày 30/3/1981. Vì vì thế, khi đến sân Augusta National, ông được cả một đạo quân bảo vệ, từ mật vụ, tuần tra liên bang, xe bọc thép, trực thăng... Ấn tượng trước lực lượng hùng hậu như thế, Mitch nói "đến con kiến còn không lọt vào".
Augusta National là chỗ quen với Harris. Thời trung học, hắn thuộc đội ngũ phục vụ giải Masters. Ngoài ra, hắn còn lẻn vào sân để lặn tìm bóng trong hồ nước đầy ếch độc. Bản thân Harris cũng từng chơi golf trên khoảnh đất khô cằn có tên "đất trồng bắp cải". Rồi một ngày xấu trời, hắn đưa bộ gậy cho một cậu bé và bỏ hẳn golf.
Sau cuộc tán chuyện với viên phó quận, Harris về nhà. Trong lúc nhấp ly rượu đầu, hắn nghe truyền hình phát bản tin Tập đoàn thép Mỹ có thể cắt giảm hàng ngàn công nhân vì thất thế kinh doanh trước các đối thủ nước ngoài. Harris nốc thêm một ly rồi dừng cuộc độc ẩm.
Và động cơ để thực hiện cuộc đột kích không phải do thần men sai khiến mà là vì nước Mỹ. Harris yêu tổ quốc, nhưng hắn không đồng tình với "sự quanh co của các chính trị gia" theo góc nhìn riêng về thực trạng tồi tệ của lao động ngành thép. "Sao không lái xe đến gặp Tổng thống nhỉ", ý nghĩ loé lên trong đầu Harris.
Bản thân Harris cũng đã mất việc, lần đầu trong 30 năm qua. Hắn đồng cảm với công nhân thép, nhớ lại câu chuyện buổi sáng với Mitch rồi nghĩ về gia cảnh.
Bố hắn - H.R. Harris - vừa mất. Sau 21 năm làm lính Hải quân, ông giải ngũ rồi về làm cảnh sát điều tra ở thành phố Augusta đến tuổi 65. Hai bố con giống bạn bè của nhau, cùng đi săn, cùng bù khú và kể nhau nghe những chuyện mà vợ họ không biết.
Bố qua đời, Harris khoả lấp khoảng trống kinh khủng bằng những cơn say. Khi nỗi đau chưa nguôi, những hoạ khác ập đến. Cuộc hôn nhân của hắn tan vỡ rồi việc làm ở nhà máy giấy cũng mất sau 23 năm gắn bó.
Thế là Harris nhét khẩu 38 li vào dưới thắt lưng phía sau rồi ra chiếc Ol’ Blue.
"Tôi không hề có ý định bắn tổng thống. Nếu muốn thế, tôi đã lái xe ra sân tìm ông ấy và siết cò. Tôi chỉ muốn nói chuyện với ông ấy và phản đối chính phủ đã mang việc của chúng tôi cho người nước ngoài", Harris trần tình sau khi mãn hạn tù. "Tôi tin Chúa, nhưng không sống theo Mười điều răn. Nếu có Ngài trong tim trong cuộc sống hiện tại, tôi đã không làm việc đó", hắn nói.
Tông sập cửa sân không người canh giữ, Harris lái xe đến hội quán – club house. Hắn dí súng và đẩy người phục vụ hành lý Roy Sullivan về khu bán đồ golf. Đến nơi, hắn thả Sullivan đi rồi bắt sáu người làm con tin gồm bốn nhân viên sân và hai người của Nhà Trắng.
"Tôi thất nghiệp, mất gia đình, bố tôi đã ra đi vĩnh viễn và tôi muốn nói chuyện với tổng thống", nhân chứng Kris Hardy kể về lời của Harris. Lúc đó, Hardy làm ở khu bán đồ golf. Gặp cảnh nguy hiểm, anh này run như cầy sấy và khiến Harris chú ý.
"Cậu bao nhiêu tuổi?", Harris hỏi.
"Tôi 19 ạ", Hardy đáp, dù có tiếng thì thầm bảo cậu nên nói 12 tuổi.
"Cậu còn quá trẻ để ở đây", Harris kết luận rồi thả Hardy.
Rồi một số người lần lượt được Harris phóng thích. Hắn đã thấy một số trực thăng thả lính biệt kích xuống khuôn viên sân. Các xạ thủ đã vào vị trí ở gần khu tập putt.
Harris kể hắn đã tước một bó súng từ các vệ sĩ. Nhưng hồ sơ Nhà Trắng không đề cập chi tiết này.
Tổng thống Reagan đã thực hiện ít nhất hai cuộc gọi vào hiện trường giữ con tin. Trong đó, một cuộc, được ghi nhận của giới truyền thông, có nội dung rằng: "Đây là Tổng thống Mỹ. Ronald Reagan đây. Tôi hiểu cậu muốn nói chuyện. Nếu đang nghe, sao cậu không nói điều mình muốn".
Harris nghĩ việc Reagan ở đầu dây bên kia là trò bịp. Hắn yên lặng dập máy và nói với các mật vụ rằng "Tôi sẽ trao súng khi tổng thống lộ diện sau cánh cửa kia. Ở đây, tôi đưa đời mình vào rủi ro và không làm ai bị thương. Tôi chỉ muốn nói chuyện với ông ấy". Trong cuộc bầu cử, Harris đã bỏ phiếu cho Reagan. Hắn cũng thích phim do Reagan thủ vai hồi thời còn làm diễn viên.
Lúc 16h20, Harris "hết cửa". Tổng thống đã rời đi trên đoàn xe hộ tống tốc độ cao.
"Reagan rời sân, còn tôi thì buông súng và chấp nhận hình phạt", Harris nói về thời khắc biết hắn không toại nguyện.
Về việc thoát thân của các con tin, ghi chép của Augusta National nói Harris đã chĩa súng vào đầu của huấn luyện viên golf David Spencer và có lúc doạ bắn rụng các ngón tay người này nếu Tổng thống không đến đối thoại. "Spencer ở dưới họng súng trong hai giờ căng thẳng và là người cuối cùng thoát nhân lúc lộn xộn khi thức ăn được chuyển vào cho Harris", hồ sơ của sân ghi. Nhưng "đó là lời dối trá lớn nhất", Harris nói.
Các nhân viên mật vụ cư xử nhã nhặn với Harris. Họ nhặt khẩu 38 li và nói nó không thể nhả đạn. "Tôi đã đánh nhiều người bằng phần bao cò súng. Nó móp vào trong. Nhưng nghe nói thế, tôi nhặt lên và nổ một phát xuyên cửa sổ để họ thấy", Harris thuật lại. Đó cũng là phát súng duy nhất trong ngày ở Augusta National.
Bảy giờ sau, tin kinh khủng hơn xuất hiện. Một kẻ đánh bom tự sát lọt qua hàng rào doanh trại quân đội Mỹ ở thủ đô Beirut của Lebanon rồi kích hoạt khối chất nổ hơn 5,4 tấn khiến 241 người thiệt mạng. Vì thế, Harris không xuất hiện trên trang nhất của các báo Mỹ.
Harris cũng không bị truy tố cấp liên bang. Ở tuổi 45, hắn bị giam 5 năm trong nhà tù bang. Ngày vào xà lim, hắn được một lính canh tặng quyển kinh thánh nhỏ.
"Tôi không ăn không ngủ và lòng tràn đầy sự căm ghét. Cuối cùng tôi cũng vớ lấy quyển kinh thánh và đọc để giết thời gian. Càng đọc, tôi càng ăn ngủ tốt hơn và bình tâm hơn".
Mãn hạn tù năm 1987, Harris trở về nhà nhưng vẫn phải chịu sự giám sát của cơ quan mật vụ thêm bốn năm. Hắn tìm được việc ở một nhà máy hoá chất gần Augusta, cai rượu, đi săn hoặc câu cá lúc rảnh rỗi, siêng đi lễ và làm công quả cho các giáo đường gần nhà. Harris mất năm 2007, hưởng thọ 68 tuổi.
Quốc Huy (theo Golf Digest)