Khi tàu ngầm K-429, chiếc thứ 10 thuộc lớp Charlie đề án 670, được biên chế cho hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Liên Xô tại cảng Petropavlovsk vào tháng 9/1972, không ai nghĩ rằng nó sẽ trở thành chiếc tàu ngầm kém may mắn nhất với hai lần bị đắm, theo National Interest.
Với lượng giãn nước 4900 tấn, vận tốc 44 km/h, tàu ngầm K-429 trang bị tên lửa cận âm P-70 chứa một đầu đạn thông thường hoặc một đầu đạn hạt nhân có sức công phá 200 kiloton, tầm bắn hơn 56 km. Khả năng khai hỏa tên lửa từ dưới nước của tàu ngầm lớp Charlie luôn khiến các chiến lược gia NATO đau đầu.
Đến đầu năm 1983, tàu K-429 được đại tu tại cảng với các tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân và ngư lôi vẫn ở trên khoang, còn thủy thủ đoàn được cho nghỉ phép về thăm nhà.
Đúng lúc này, Mỹ huy động các cụm tàu sân bay chiến đấu và tàu chiến, máy bay, tàu ngầm tiến hành đợt tập trận hải quân lớn với các đối tác ở Bắc Thái Bình Dương. Căng thẳng gia tăng buộc hạm đội Thái Bình Dương Liên Xô ra lệnh đưa tàu ngầm K-429 quay trở lại trực chiến sớm hơn dự kiến, trước khi quá trình đại tu hoàn thành.
Lệnh đưa ra quá gấp khiến hạm trưởng Nikolai Suvorov không thể tập hợp được thủy thủ của tàu. Bộ chỉ huy huy động thủy thủ từ 5 tàu ngầm khác, trong đó nhiều người còn chưa quen với các hệ thống trên tàu K-429.
Họ chỉ được tập hợp đầy đủ ba giờ trước khi tàu ra khơi mà không có thời gian để kiểm tra hệ thống hay máy móc trên tàu. Chiếc tàu ngầm buộc phải khởi hành bất chấp sự phản đối của hạm trưởng Suvorov.
Hạm trưởng Suvorov không hề biết rằng hệ thống thông gió trên tàu ngầm đã để mở trong quá trình đại tu, thiết bị đo đạc trên tàu không được hiệu chỉnh chính xác, trong khi thủy thủ đoàn không có kinh nghiệm về máy móc trên tàu hay phối hợp cùng nhau.
Ngày 24/6/1983, Suvorov ra lệnh cho tàu ngầm lặn thử nghiệm ở vịnh Sarannaya khi ở độ sâu 50 m, nhưng tàu nhanh chóng bị chìm do các thủy thủ không hiểu quy tắc vận hành bể dằn. Khi hệ thống báo động khẩn cấp trên tàu được kích hoạt, Suvorov ra lệnh cho nổ các bể dằn chính để tàu nổi lên, nhưng thay vì thổi khí vào bể dằn để đẩy nước ra, thủy thủ lại đưa thêm nước vào. Ngay sau đó, mọi hệ thống điện bị ngắt, phòng điều khiển bị cô lập và nước biển tràn vào.
Công tác ứng phó sự cố trên tàu diễn ra chậm chạp do thủy thủ không có kinh nghiệm khiến 14 người thiệt mạng. Ngay sau đó, chiếc tàu ngầm chìm xuống đáy biển ở độ sâu 160 m.
Thế nhưng các thủy thủ không thả phao khẩn cấp để phát tín hiệu radio và thủy âm về đất liền để cầu cứu, vì lo sợ bị kỷ luật. Ban đầu, Suvorov hy vọng sở chỉ huy sẽ nhận ra việc tàu ngầm đang chìm dần, nhưng ông trở nên lo lắng hơn khi không nhận được tín hiệu phản hồi nào sau nhiều giờ.
Lúc này, một vài cục pin chính của tàu phát nổ, khiến nhiệt độ bên trong một số khoang tàu ngầm đã lên tới 120 độ C. Sau lời kêu gọi của các sĩ quan chỉ huy, hai thủy thủ tình nguyện thoát ra ngoài theo khoang chứa ngư lôi, bơi vào đất liền để báo cáo sự cố. Vài giờ sau, đội cứu hộ đến nơi, các thợ lặn mang theo đồ lặn vào trong tàu giúp thủy thủ thoát ra ngoài.
Ba tháng sau, Suvorov và một sĩ quan trên tàu bị bắt giữ, xét xử và kết án 10 năm tù do vi phạm các quy định của hạm đội. Có tất cả 16 thủy thủ thiệt mạng trong báo cáo về vụ tai nạn này được công khai trong thập niên 1990.
Tàu ngầm K-429 sau đó được trục vớt, sửa chữa và đưa trở lại biên chế. Tuy nhiên, tháng 9/1985, tàu lại bị chìm tại cảng làm một thủy thủ thiệt mạng. Nguyên nhân vụ chìm tàu lần hai vẫn chưa được làm rõ nhưng có vẻ khác với lần đắm trước.
Tàu K-429 sau đó tiếp tục được trục vớt nhưng không được điều ra biển nữa mà trở thành một tàu huấn luyện cho đến khi bị tháo dỡ cùng các tàu khác trong thập niên 1990.
Xem thêm: Tàu ngầm Komsomolets - nấm mồ titan khổng lồ của hải quân Nga
Duy Sơn