Từ cuối năm ngoái, cộng đồng yêu cà phê Việt đã nhắc nhiều về "Phinơi" - chiếc phin cải tiến bằng nhựa, khác biệt với phin nhôm hay inox truyền thống. Vũ Đình Tú, Q Grader - chuyên gia đánh giá cà phê do Viện chất lượng cà phê công nhận - đã tạo ra chiếc phin này với mong muốn kéo người trẻ về với kiểu cà phê truyền thống.
Với góc nghiêng đáy 164,8 độ, thiết kế bằng công nghệ in 3D, chiếc Phinơi khắc phục tình trạng nghẽn bã, đồng thời giúp chiết xuất cà phê ổn định hơn phin truyền thống. Không chỉ dừng ở hiệu suất pha chế, chiếc phin bằng nhựa thực phẩm đem lại cảm giác cầm nắm nhẹ nhàng, bền và giữ nhiệt tốt hơn phin kim loại. Để thu hút người trẻ, thay vì bộ lọc đáy hình tròn, anh chọn hình bông hoa dễ tiếp cận, đặc biệt là nữ giới.
"Mình muốn một chiếc phin mà người trẻ nhìn vào là thích ngay, muốn dùng ngay, thay vì thấy nó là một thứ xa lạ của thế hệ trước", anh Tú chia sẻ.
Theo Tú, phin sử dụng nhựa PP với khả năng chịu nhiệt tới 120 độ C. Loại nhựa này cũng được hãng sản xuất dụng cụ cà phê Hario dùng cho phễu V60 bản nhựa. Trên thế giới, nhiều hãng cũng dùng các loại nhựa khác nhau khi thiết kế dụng cụ pha như Origami, Aeropress, Melita, Brewista.

Chiếc phin kiểu mới làm từ nhựa, đáy lọc hình hoa và có góc nghiêng khác biệt. Ảnh: Giang Huy
Ngoài nâu đá, đen đá truyền thống, chiếc phin nhựa còn có thể dùng pha pour-over như nhiều dụng cụ pha cà phê thủ công phổ biến khác nhờ góc nghiêng đáy phù hợp.
Việt Nam - thủ phủ của cà phê robusta - gắn liền với hình ảnh những chiếc phin, chủ yếu bằng nhôm hoặc inox. Anh Tú lớn lên cùng chiếc phin khi được ông nội dắt lên phố Đinh Liệt uống cà phê. Sau này, khi tìm hiểu sâu về cà phê, anh nhận ra hạt robusta của Việt Nam cũng có thể pha ra những ly cà phê ngon không thua kém arabica, loại hạt phổ biến trên thế giới. Phin chính là trợ thủ đắc lực của robusta vì hạt này cho ra ly cà phê vị đậm, dày và hơi "nặng đô", đòi hỏi dụng cụ chiết xuất chậm.
"Một thứ đã tồn tại lâu đời như phin rõ ràng có lý do của nó", anh nói.
Tuy nhiên, càng hiểu về cà phê, anh lại nhận ra nhiều vấn đề từ chiếc phin truyền thống như dễ tắc, chiết xuất không ổn định, khiến thành phẩm không ngon. Phin truyền thống chủ yếu làm từ nhôm hoặc inox nên tản nhiệt rất nhanh, dễ mất kiểm soát nhiệt nước khi pha. Phin gốm cũng là lựa chọn nhưng phải làm nóng trước rất kỹ, khó đục lỗ nên cơ bản khó đem đến chất lượng đồng đều.
Khi đang đau đầu với việc nghĩ cách pha cà phê bằng phin ngon hơn, chuyên gia 34 tuổi nhận ra một vấn đề lớn khác: người trẻ đang xa dần chiếc phin. Nhiều bạn trẻ đến ứng tuyển nhân viên quán cà phê của anh Tú thậm chí không biết pha phin dù rành pha máy lẫn kỹ thuật pha cà phê thủ công khác như phễu V60, origami. Khi anh tổ chức các workshop về pha phin, hầu hết người tham gia đều chưa có kinh nghiệm sử dụng, hiểu về phin.
Theo quan sát, hầu hết quán cà phê phục vụ giới trẻ hiện nay không có cà phê phin trong thực đơn; các món như nâu, đen quen thuộc cũng được pha bằng máy. Đặc biệt với những quán cà phê phục vụ cho mục đích check in, thu hút chủ yếu người trẻ, phin gần như không tồn tại.
Ông Hoàng Tùng, chuyên gia F&B, nhận xét cà phê phin là thói quen của tệp khách hàng cũ. Người trẻ, những khách hàng mới, chuyển sang đồ uống không phải cà phê như trà sữa. Một bộ phận vẫn uống cà phê nhưng ưa kiểu pha máy, không đậm như phin, trong khi nhóm gen Z gần như không thích uống bằng phin. Mô hình cà phê kết hợp chụp ảnh, bán trải nghiệm thay vì cà phê cũng khiến cà phê truyền thống "dần vào quên lãng".
Hồ Duy Thắng, Q Arabica Grader (chuyên gia đánh giá cà phê Arabica), cũng nhận xét khách hàng phổ thông giờ có xu hướng vào quán hiện đại, chụp ảnh, chọn cà phê pha máy vì lên đồ nhanh, tiện mang đi luôn nếu cần. Gu uống cà phê của giới trẻ cũng nhẹ nhàng hơn, thiên về cà phê thủ công dễ uống cùng hương vị đa dạng. Khi chuyển sang kiểu này, họ cũng xa rời chiếc phin truyền thống mà bắt đầu tìm tòi các dụng cụ ngoại nhập như V60, Aeropress.
"Phin là một phần văn hóa Việt Nam nhưng đang mờ dần trong nhịp sống hiện đại", Thắng chia sẻ.

Anh Tú pha cà phê với chiếc phin mới. Ảnh: Giang Huy
Văn Thịnh, giáo viên, sống tại Hà Nội, cho biết vẫn có chiếc phin tại nhà nhưng cả tuần hầu như chỉ pha 1-2 lần do bận công việc. Anh ưu tiên những món phê mang đi, pha máy tiện lợi. Thịnh thích hương vị của phin nhưng áp lực công việc không cho phép anh thoải mái ngồi nhìn từng giọt cà phê chảy xuống như lúc chưa đi làm.
Anh Tú lo ngại trong tương lai người Việt sẽ uống cà phê với nhiều phong cách du nhập và trong bức tranh đó, cà phê phin sẽ không còn. Điều này thôi thúc anh tạo ra một chiếc phin mới có thể giải quyết những vấn đề của phin truyền thống và khơi gợi niềm yêu thích cà phê pha phin ở người trẻ.
Từ khi ra mắt vào cuối năm ngoái, chiếc phin trở thành từ khóa nổi bật trong cộng đồng yêu cà phê trên các mạng xã hội. Lượng khách trẻ tìm mua chiếm đa số và anh Tú cũng thấy "ấm lòng" khi nghe câu chuyện của một khách bắt đầu tập pha phin sau khi nhìn thấy chiếc phin màu hồng với cánh hoa ở đế. Theo anh, văn hóa muốn tồn tại cần phù hợp với thời đại và chiếc phin mới là cách giúp phong cách cà phê truyền thống của người Việt tiếp tục sống trong đời sống của người trẻ.
Lê Ngọc Trân, 25 tuổi, vốn chỉ thích những ly latte với lớp bọt sữa đẹp mắt, nhưng gần đây lại liên tục chuyển đổi giữa cà phê pha máy và cà phê phin. "Người trẻ thực sự không xa lạ với phin nhưng thứ họ cần là một chiếc phin đủ sức khơi dậy hứng thú", cô nói. Chiếc Phinơi màu hồng đã đưa Trân trở lại với cà phê phin vì thiết kế bắt mắt. Khả năng pha chế linh hoạt từ cà phê sánh đậm đến pour over thanh nhẹ cũng là điều Trân thích ở chiếc phin này.
Bên cạnh những khách hàng trẻ mới, chiếc phin nhựa còn gây ấn tượng với chuyên gia trong ngành. Ông Raoul de Peralta, chuyên gia cà phê người Philippines, vốn yêu thích phin Việt Nam nhờ cách pha đơn giản, hiệu quả trong việc chiết xuất hương vị đậm đà. Theo Raoul, giới cà phê quốc tế luôn nhắc về phin Việt Nam như một phương pháp lý tưởng để khai thác tối đa hương vị mạnh mẽ của robusta.

Chuyên gia Raoul pha pour over bằng chiếc phin mới. Ảnh: NVCC
Ông đánh giá chiếc phin này hướng đến sự linh hoạt - cho phép người dùng pha cả cà phê nhẹ vị lẫn loại đậm đà như kiểu Việt Nam truyền thống. Tuy nhiên, đây vẫn là sản phẩm mới, cần có sự kiểm nghiệm rộng hơn từ giới cà phê quốc tế. Với những gì đã trải nghiệm, ông cho rằng chiếc phin sẽ có một chỗ đứng trong sân chơi cà phê hiện đại.
Q Grader Duy Thắng cũng dành đánh giá tích cực về sự đa năng của Phinơi. Tốc độ chiết xuất nhanh nhưng vẫn giữ nhiệt tốt nhờ làm từ nhựa giúp chiếc phin hoàn toàn có thể cạnh tranh với dụng cụ như V60. Theo anh, Việt Nam thiếu dụng cụ pha chế cà phê như so với các quốc gia trên thế giới nên ít nhất cần phát triển chiếc phin truyền thống để dụng cụ này không bị lãng quên.
"Đó là câu chuyện dài, không chỉ hôm nay mà cả 50 năm tới", anh Tú nói, kỳ vọng có thêm nhiều sáng tạo về phin từ những người yêu cà phê để truyền thống tốt đẹp này luôn được tiếp diễn.
Tú Nguyễn