Tôi sinh ra ở thành phố nhưng điều may mắn trong cuộc đời này là được sống từ nhỏ tới lớn lên ở một vùng thôn quê yên bình, trong lành và con người đối đãi với nhau bằng tình cảm tròn đầy như trăng rằm vậy.
Những đứa trẻ quê đứa nào cũng có làn da đen nhẻm, tóc khét màu và vàng hoe vì cháy nắng, vì gió biển thổi xộc vào xóm chài mỗi buổi trưa. Những đứa trẻ quê không có những thứ đồ chơi được làm sẵn theo khuôn mẫu, được sơn phết màu sắc sặc sỡ. Đồ chơi của những đứa trẻ quê được ra đời qua trí tưởng tượng và khả năng thiết kế của những nhà sáng tạo đại tài tương lai. Tất cả đều được tự làm, đẹp được tới đâu là nhờ vào khả năng sáng tạo của mỗi đứa. Khi mùa trung thu tới, cả xóm con nít lại túm tụm họp bàn coi năm nay chơi trung thu ra sao và năm nào cũng phải có tiết mục thi làm lồng đèn. Con nít trong xóm có đứa lớn đứa nhỏ, mấy đứa con trai lớn thì đi chặt tre, vót tre, mấy đứa con gái lớn đi mua giấy màu, keo, hồ còn mấy đứa nhỏ hơn đi xin vỏ lon bia. Ai cũng có việc làm, ai cũng hăng hái nhiệt tình với công việc được giao. Những đứa trẻ quê sáng đi học, trưa về ăn cơm xong lại lén trốn ngủ trưa tụ tập dưới gốc cây xoài lớn rồi làm lồng đèn.
Mấy cây tre được vót mỏng, mỏng tới độ có thể uốn cong được rồi ghép thành hình ngôi sao, lấy dây thun buộc những đầu thanh tre lại, 2 cái hình ngôi sao ghép lại với nhau, chặt 5 cái cây ngắn ngắn chống lên là thành cái khung lồng đèn hình ngôi sao. Trên cái cây ngắn cột sợi dây kẽm rồi lấy chiếc đũa (thường được chôm của bà mẹ nhà một đứa nào đó) quấn sợi kẽm vài vòng hình lò xo để làm chỗ cắm đèn cầy. Đứa con nít dù lớn hay nhỏ thì cũng làm được mấy chuyện trên, nên hơn thua nhau, thi thố với nhau là ở phần trang trí, dán giấy màu lên lồng đèn. Mỗi đứa mỗi góc, không đứa nào muốn mấy đứa còn lại thấy lồng đèn của mình. Làm sao để dán giấy màu thiệt căng, thiệt đẹp, cắt bông gì, dán chỗ nào không phải dễ. Làm lồng đèn thi xong tới lồng đèn trang trí "tiệc trung thu", cả đám xúm vô làm mấy cái lồng đèn ngôi sao nhỏ nhỏ, hay cắt mấy cái vỏ lon bia ra rồi cắm đèn cầy vô. Làm lồng đèn bằng vỏ lon bia là cực nhất vì phải ngồi mài cái miệng lon để gỡ cái nắp ra, sau đó lấy thước kẻ những đường thẳng lên thân lon bia rồi lấy dao chọt thủng một lỗ nhỏ để cho mũi kéo vô cắt. Cực nhưng thành phẩm bao giờ cũng đẹp lung linh và chơi được lâu, không dễ bị cháy hay bị rách như lồng đèn giấy nên đứa con nít nào cũng thích làm.
Trước trung thu vài ngày, mỗi đứa con nít góp hai ba nghìn gì đó đưa cho mấy đứa con gái đi chợ mua bánh kẹo, rồi nhà đứa nào có trái cây gì đem ra góp. Đêm 14, thường thì mấy đứa con nít trong xóm sẽ được ba mẹ chở đi coi múa lân. Múa lân ở quê không giống ở thành phố, lân sẽ lần lượt vô từng nhà từng nhà, tới trước mỗi nhà trống lân được đánh rộn ràng, ông địa bụng bự chạy vô trước xin phép chủ nhà, rồi ra dắt lân vô. Đầu tiên lân sẽ lạy bàn thờ tổ tiên nhà gia chủ, sau đó nhảy múa xung quanh nhà. Chủ nhà sẽ giấu tiền thưởng cho lân ở một chỗ nào đó, lân múa tới khi nào tìm ra thì mới ngừng. Mấy đội múa lân ở quê thường là mấy lò võ hoặc đội lân của chùa, nhà thờ. Đầu tháng 8 âm lịch là đã nghe văng vẳng tiếng trống thùng thình tập luyện của những đội lân. Con nít quê đứa nào cũng thích coi múa lân, hình ảnh con lân có cái sừng trên đầu hai con mắt chớp chớp với màu sắc sặc sỡ đã trở thành một phần trong ký ức tuổi thơ.
Ngày 15, là ngày thi lồng đèn và "tiệc trung thu" của mấy đứa trẻ trong xóm. Buổi chiều cả đám con nít sẽ tập trung sửa soạn để tối chơi trung thu, địa điểm thường là một bãi đất trống của nhà đứa nào đó trong xóm. Dĩ nhiên không người lớn nào la rầy hay ngăn cản sự tụ tập này của đám con nít. Buổi tiệc trung thu sẽ bắt đầu bằng tiết mục văn nghệ, hát hò gì đó, rồi tới phần thi lồng đèn, mỗi đứa tự nói về sản phẩm của mình (cái này mấy chục năm sau đi học đại học người ta kêu là thuyết trình). Không có giám khảo gì hết, cả đám chấm qua chấm lại cho nhau, lồng đèn được treo lên sợi dây dài, tới lồng đèn đứa nào đứa đó trình bày, mấy đứa còn lại nghe rồi chấm điểm. Cuối cùng cộng lại đứa nào cao điểm hơn thì được giải nhất. Mà giải nhất thì cũng là bánh kẹo và thường lãnh xong thì được cả đám phanh phui rồi xử lý luôn tại chỗ.
Bao nhiêu mùa trung thu của con nít quê đi qua như thế, mỗi mùa trung thu tay mấy đứa con nít lại chi chít vết xước do tre cứa, lại phồng rộp lên do mài miệng lon bia. Duy chỉ có khuôn mặt mỗi đứa là rạng ngời lên qua ánh nến giấy màu hồng hào, ấm áp.
Năm lên cấp 3, mấy đứa con nít ở xóm cũng hết thành con nít, tụi nó đã lớn, một số đứa đi bộ đội, một vài đứa con gái lấy chồng, một vài đứa đi học xa nhà. Vậy là hết thi lồng đèn, hết tiệc trung thu từ đó. Bây giờ không đứa con nít nào chịu làm lồng đèn chơi nữa thì phải, tụi nó thích mấy cái lồng đèn điện tử có đèn chớp nhá, có nhạc ò, í, e mà sao tôi nhìn vô thấy trống rỗng.
Trung thu Sài Gòn, không nghe văng vẳng tiếng trống múa lân, những đứa con nít thì đi học chính, học thêm, không thì bị giữ sau những cánh cổng sắt, những tấm lưới thép. Mà cũng chẳng có tre để mà chặt, để mà vót mà làm lồng đèn giấy. Còn những cái vỏ lon bia thì có chăng mấy bà mua ve chai thích.
Trung thu ở Sài Gòn chỉ toàn sạp bán bánh trung thu. Càng gần trung thu, mấy sạp bánh càng náo nhiệt, mua một tặng hai, mua hai tặng ba... May mắn thay, ở một con đường quận 5 còn có con phố gọi là phố lồng đèn, cả con đường tràn đầy màu sắc của lồng đèn, đủ kiểu, đủ loại. Người trẻ nô nức tìm tới để trầm trồ, để chụp hình, để mua lồng đèn. Riêng tôi, mỗi năm tìm đến phố lồng đèn, đi dọc con phố lồng đèn trong biển người để nhớ về những buổi tiệc trung thu, những cái lồng đèn hình ông sao trong tuổi thơ. Để nhìn ngắm những gương mặt người hồng hào, rạng rỡ qua ánh đèn cầy và giấy màu. Để nhớ về cái làng chài miền Trung với những cơn gió mang theo vị biển thổi hắt vào những buổi trưa, nhớ về thằng Tí, con Phụng, con bé Bầu, con bé Lủng…
Lê Nguyên Bảo Ngân