SDF chiến đấu chống IS ở Raqqa. Video: SDF.
Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), tập hợp các nhóm nổi dậy chống chính phủ và dân quân người Kurd được Mỹ hậu thuẫn, đã gần hình thành thế bao vây quanh Raqqa, sào huyệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở miền bắc Syria, theo NYTimes.
Dưới sự yểm trợ đắc lực của chiến đấu cơ liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu, chiến dịch vây hãm Raqqa của SDF đã biến sào huyệt của IS thành một chiếc "bẫy tử thần", nơi khoảng 2.500 tay súng phiến quân đang cố thủ. Chiến đấu cơ Mỹ đã dội bom đánh sập hai cây cầu trên sông Euphrates ở phía nam Raqqa, đồng thời giúp SDF kiểm soát hai con đập ở gần đó.
"Chúng tôi bắn vào bất cứ con thuyền nào bị phát hiện di chuyển trên sông Euphrates", trung tướng Stephen J. Townsend, chỉ huy liên quân chống IS, cho biết. "Nếu bạn muốn ra khỏi Raqqa lúc này, bạn chỉ có thể vượt sông bằng phao tự chế".
Với việc quân đội Iraq đang tấn công mãnh liệt vào các cứ điểm cuối cùng của IS ở thành phố Mosul, trận chiến Raqqa là cơ hội để liên quân do Mỹ đứng đầu cũng như chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tung đòn quyết định giáng vào IS bằng cách đánh chiếm nơi được coi là "thủ đô" của cái gọi là "đế chế Hồi giáo" mà IS lập ra.
Nằm ở miền bắc Syria, Raqqa được coi là một vị trí có ý nghĩa quan trọng về chiến lược và mang tính biểu tượng với IS. Thành phố này nằm bên bờ sông Euphrates, có các tuyến cao tốc nối liền với Aleppo cũng như những tuyến đường quan trọng tới Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Từ đây, IS có thể nhanh chóng điều lực lượng tiếp viện cho các cứ điểm khác ở Syria và Iraq, cũng như tiếp nhận các chiến binh nước ngoài vượt biên qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, vùng đệm giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây đã bị dân quân người Kurd phong tỏa. Trong lúc các tuyến đường nối với miền đông Syria đang bị quân đội chính phủ nước này kiểm soát, IS phải hứng chịu áp lực ngày càng lớn từ lực lượng nổi dậy tấn công từ phía tây. Các tay súng phiến quân hồi đầu tuần đã phải rút chạy hoàn toàn khỏi tỉnh Aleppo sau 4 năm chiếm giữ, khiến Raqqa giờ đây gần như bị rơi vào thế cô lập.
Các quan chức liên quân cho hay Raqqa hiện nay gần như đã bị vây kín ba mặt, chỉ còn lại lỗ hổng duy nhất nằm dọc sông Euphrates, nơi mọi hoạt động đều có thể dễ dàng bị phát hiện từ trên không. Liên quân ước tính hơn 1.100 tay súng IS đã bị tiêu diệt trong các cuộc giao tranh hồi tháng trước. Trong số những kẻ đang cố thủ tại Raqqa, có khoảng 1/3 là những chiến binh nước ngoài được IS tuyển mộ.
Mỹ cũng đã triển khai đến khu vực những khí tài hiện đại như pháo hạng nặng, pháo phản lực dẫn đường chính xác HIMARS, trực thăng tấn công Apache, máy bay vũ trang không người lái và nhiều loại chiến đấu cơ để yểm trợ hỏa lực cho lực lượng tấn công Raqqa.
Thách thức
Trận chiến giành lại Raqqa được dự đoán là sẽ rất khốc liệt và đẫm máu, bởi những tay súng được lựa chọn để cố thủ tại thành phố đều là những kẻ cuồng tín không chấp nhận đầu hàng. Trong khi đó, các thủ lĩnh cấp cao của IS đều đã rời khỏi Raqqa, chuyển tới thị trấn miền đông Mayadin, theo các nguồn tin tình báo của liên quân.
IS cũng đang kiểm soát một loạt cứ điểm tại các thị trấn dọc bờ sông Euphrates, trải dài từ tỉnh Deir al-Zour của Syria tới Rawah ở Iraq. Tuy nhiên, tướng Townsend và các chỉ huy SDF đều xác định Raqqa là trọng tâm của giai đoạn tiếp theo trong chiến dịch tấn công.
Liên quân cũng cho rằng có khoảng 50.000 thường dân đang mắc kẹt trong thành phố và họ lo ngại IS có thể biến số thường dân này thành những lá chắn sống ngăn cản đà tiến công của SDF.
Một thử thách khác khiến các chỉ huy liên quân đau đầu chính là vai trò của dân quân người Kurd trong chiến dịch vây hãm khốc liệt này. Đây được coi là lực lượng có khả năng chiến đấu đáng tin cậy nhất trong số những nhóm vũ trang được Mỹ hậu thuẫn trên chiến trường Syria. Tuy nhiên, việc dân quân người Kurd đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc chiến chống IS đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh lớn của Mỹ trong khu vực, nổi giận.
Ankara từ lâu đã coi dân quân người Kurd là một mối đe dọa, cho rằng lực lượng này muốn thành lập một quốc gia tự trị ngay sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Phản ứng từ Ankara đã khiến Washington phải đảm bảo rằng chưa đến 1/4 trong số 6.000 tay súng đang bao vây Raqqa là dân quân người Kurd.
Nhưng ngay cả tướng Townsend cũng phải thừa nhận tầm quan trọng của các chiến binh người Kurd trong cuộc chiến chống IS ở Raqqa. "Vai trò của họ là tăng cường sức mạnh và thực hiện những nhiệm vụ khó khăn nhất", Townsend nói.
Thử thách tiếp theo mà các tay súng SDF phải đối mặt khi tiến vào Raqqa là hỏa lực bắn tỉa từ những khu nhà cao tầng ở phía bắc thành phố, nơi các tay súng IS có thể di chuyển dễ dàng giữa các tòa nhà, trong khi liên quân rất khó để "dọn dẹp" khu vực này.
"Ở Mosul cũng có vài tòa nhà cao tầng, nhưng chúng nằm rải rác khắp thành phố", tướng Townsend cho biết. "Nhưng ở Raqqa, các tòa nhà lớn, cao tầng được xây thành cụm, trở thành mục tiêu khó nhằn cho bất cứ đội quân nào trên thế giới".
SDF giao tranh với IS ở Raqqa. Video: YPG.
Nguy cơ lớn nhất mà các tay súng SDF đối mặt chính là một cuộc xung đột quy mô lớn châm ngòi từ những trận đụng độ giữa họ với quân đội chính phủ Syria và lực lượng ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad trong các trận chiến gần Raqqa.
Tuy nhiên, tướng Townsend cho biết vấn đề này đến nay gần như đã được giải quyết ổn thỏa, khi ông liên lạc với người đồng cấp Nga, tướng Sergei Surovikin, để đạt được thỏa thuận phân chia địa bàn hoạt động của các lực lượng trên chiến trường Syria.
Thỏa thuận này vạch ra đường ranh giới chạy dọc bờ nam hồ Assad tới một thị trấn nhỏ ở phía đông Raqqa. Ranh giới này tạo ra một vùng đệm rộng gần 20 km giữa Raqqa và địa bàn hoạt động của quân đội Syria, cho phép máy bay Mỹ có thể tiếp tục dội bom yểm trợ SDF mà không phải lo ngại bị quân đội Nga ở Syria coi là "mục tiêu" trên bầu trời.
Trí Dũng