Ngày xưa khi còn bé tôi chưa bao giờ phải gói bánh chưng vì nhà có anh chị hoăc bố gói. Mỗi lần gói thường hơn 15 kg gạo, tương đương 32 chiếc bánh, để ăn đến ra Giêng. Khi lớn lên khoảng 17, 18 tuổi thì mẹ bảo: "Giờ đủ chất rồi không ai thèm bánh như ngày xưa, hai đến bốn cái là còn thừa đến ra Giêng cho nên mẹ mua thôi". Lúc đó tôi nghĩ mẹ làm sao cũng được miễn là đỡ phải làm nhiều.
Rồi tôi đi xa nhà, đi đến một nơi cũng có Tết nhưng không giống như ở Việt Nam. Những năm đầu không được đón Tết cũng thấy buồn nhưng nỗi buồn hình như không da diết?! Có lẽ là vì xa quê hương chưa lâu.
Những năm sau tôi bắt đầu khóc khi Tết đến, nhưng bận rộn với ba con nhỏ nên nỗi buồn cũng thoảng qua rất nhanh. Rồi lại đến những năm sau khi các con lớn một chút, tôi quay trở lại trường để học nốt những năm còn lại, những năm này sự cảm nhận nỗi nhớ mỗi khi xuân về không còn là thoáng qua nữa mà dày vò trong trái tim! Nỗi nhớ không chỉ là khi tôi nghĩ đến gia đình đoàn tụ trong ngày Tết hay ẩm thực ngày Tết, mà nỗi nhờ tràn về qua quá khứ với những kỷ niệm về tuổi thơ...
Năm nay thì các con đã lớn hơn, tôi cũng đã đi làm , những Tết tha hương không đếm đủ bằng 10 đầu ngón tay nữa! Tôi đã quyết định lấp một phần nỗi nhớ quê hưong trong những ngày Tết bằng một số công việc trong đó có việc gói bánh chưng.
Khi mà tự gói ra nhưng chiếc bánh hình vuông bằng lá dong xanh thì tôi đã nhận ra một kinh nghiệm thật tuyệt vời cho bản thân: tôi không chỉ vui khi tự tay gói được những chiếc bánh xanh, vuông xinh xắn mà còn hết sức tự hào khi bản thân bằng những hành động nhỏ lại giới thiệu được với chồng và các con về cả một truyền thống ẩm thực Tết “hoành tráng” của Việt Nam.
Không chỉ có thế, tôi còn nhận ra rằng người ta không chỉ thưởng thức bánh chưng khi đã bóc ra, cho vào miệng rồi cảm nhận hết vị ngon và riêng biệt của bánh, mà một người gói bánh còn được thưởng thức bánh từ giai đoạn chuẩn bị. Mùi gạo nếp, mùi thịt ướp, mùi lá dong..., rồi khi nồi bánh chưng sôi trên bếp thì tất cả hòa quyện vào nhau tạo ra một mùi vị thật khó kiềm chế dạ dày không nổi loạn.
Trong lúc chờ đợi lâu lâu tôi lại "dí mũi" vào nồi bánh để hít hơi bánh, trên nhà chồng và con gọi í ới "mẹ ơi thơm quá!".Bây giờ thì tôi lại càng thấm thía thế nào là "không khí ngày Tết". Có lẽ lời tâm sự trên của tôi chính là một phần trả lời của câu hỏi "mua được, rẻ, ngon và đỡ tốn thời gian thì tại sao phải làm?".
Bánh đã chín, chồng con thưởng thức và khen ngon, còn tôi thì cảm giác như đang ngồi ở Việt Nam quây quần bên gia đình. Có thể sự xa xôi, nơi đất khách, sự đầy đủ sẽ làm không khí Tết bớt đi sự nồng nhiệt, nhưng bản thân tôi tự nghĩ rằng những năm sau nữa tôi sẽ cố gắng giữ gìn truyền thống văn hóa không chỉ cho bản thân mà còn là cho các con yêu.
Xuân Việt Nam đang về trên Vương quốc Bỉ thân yêu, quê hương chồng tôi và đã ghé qua thành phố Roeselare. Có cành đào, có bánh chưng là có không khí Tết Việt.
Trần Thị Kim Liên
Cuộc thi "Xuân Bốn phương" do VnExpress phối hợp với nhà tài trợ Lenovo tổ chức từ ngày 9/2 đến 8/3/2015. Các độc giả đang sinh sống ở nước ngoài có thể gửi bài dự thi để chia sẻ cảm xúc về mùa xuân, cảm nhận Tết Việt xa quê hương và cách đón Tết của cộng đồng ở các nước khác nhau. Bài dự thi được thể hiện dưới dạng bài viết, thơ, nhạc, ảnh, video, kèm chú thích bằng tiếng Việt có dấu. Có 4 giải tuần dành cho 4 bài dự thi nhận được lượng "Like" Facebook nhiều nhất trong từng tuần. Hai giải chung cuộc dành cho bài dự thi nhận được lượng "Like" Facebook nhiều nhất sau 4 tuần và bài dự thi xuất sắc do Ban giám khảo lựa chọn. Chi tiết thể lệ và giải thưởng. Gửi bài dự thi tại đây. |