Trả lời:
Sau khi HBV (siêu vi gây bệnh viêm gan B) xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ tạo kháng thể cho từng kháng nguyên của HBV. Một tuần hay một tháng sau khi nhiễm HBV, HBsAg xuất hiện trong máu, tiếp theo là HBeAg, kháng thể IgM và IgG cho HBcAg (anti-HBc). Khi HBsAg biến mất, thì kháng thể anti-HBs mới xuất hiện.
Một khi anti-HBs xuất hiện, người bệnh được coi như hồi phục, trở thành miễn nhiễm đối với HBV và không lây bệnh qua người khác được. Một số bệnh nhân không tạo được kháng thể này và tiếp tục mang mầm bệnh HBsAg, có thể lây cho người khác.
Kháng thể anti-HBc có hai loại là IgM trong thời kỳ bị nhiễm cấp tính và IgG trong thời kỳ chuyển tiếp. Nếu anti-HBc IgG không hạ xuống và có HBsAg, nghĩa là bệnh nhân đang bị dạng viêm gan mạn tính. Nếu HBeAg dương tính thì cần điều trị vì đó là dấu hiệu cho thấy virus đang nhân lên mạnh mẽ, bệnh nhân có khả năng lây cao. Khi thử nghiệm thấy anti-HBe thì tiên lượng tốt hơn và khả năng lây không nhiều.
Có kháng thể viêm gan siêu vi B có nghĩa là bạn đã tiếp xúc với HBV trên một tuần hoặc một tháng. Bạn không cần chích ngừa, nhưng nên đi khám và xét nghiệm thêm để biết tình trạng nhiễm HBV đang ở giai đoạn nào như đang phát triển, đang giai đoạn lây lan, hay giai đoạn phục hồi... để có hướng xử trí và theo dõi tiếp theo. Cần khuyên những người thân trong gia đình đi xét nghiệm và chích ngừa nếu chưa nhiễm.
BS CKI Nguyễn Ngọc Lan Hương
Trung tâm Truyền thông- Giáo dục Sức khỏe TP HCM