Tôi đã không nghĩ đến các bệnh về đường hô hấp và vào thời điểm đó, tôi cũng chưa biết tới nCoV. Sau một năm, thế giới đã thay đổi, đứng trước thách thức về đại dịch lớn chưa từng có trong cuộc đời của chúng ta. Trong quá khứ, châu Á đã phải đối mặt với SARS còn châu Phi đã phải đối mặt với Ebola, nhưng bây giờ cả thế giới phải đối mặt với Covid-19.
Vào thời điểm tôi chắp bút cho bài viết này, đã được vài tuần kể từ ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng gần nhất tại Việt Nam. Truyền thông thế giới đang đưa tin về cách Việt Nam kiểm soát dịch bệnh, giữ số ca xác nhận nhiễm dưới 300 trong tổng dân số hơn 97 triệu người. Tôi mong muốn chia sẻ cảm nghĩ của mình về cách tiếp cận của Việt Nam, cũng như cách mà Việt Nam và Vương quốc Anh có thể hợp tác để kiểm soát tình hình trên toàn cầu; và xây dựng lại nền kinh tế và xã hội tốt hơn trên một trạng thái bình thường mới.
Trong một khoảng thời gian ngắn, Covid-19 đã trở thành nhân tố chính trong cuộc sống và công việc của tất cả chúng ta. Tôi cùng đội ngũ của mình đã và đang hỗ trợ những công dân Anh tại Việt Nam bị nhiễm virus, giúp hàng ngàn du khách Anh trở về nhà. Sự chăm sóc tận tâm và lòng trắc ẩn của các y bác sĩ Việt Nam, những người đã giúp cứu sống các công dân Anh bị ảnh hưởng, làm tôi thật sự xúc động. Họ đã hỗ trợ công việc của chúng tôi rất nhiều.
Trong giai đoạn mới này, chúng ta đều phải học các thuật ngữ y tế mới; thích nghi với những phương thức làm việc mới; học những kỹ năng số mới khi con chúng ta phải học trên mạng, không đến được trường. Hơn cả, nhiều người trong chúng ta cũng phải đưa ra những quyết định khó khăn khi phải rời xa gia đình và bạn bè trong bối cảnh giãn cách xã hội và hạn chế đi lại giữa các nước.
Việt Nam đã ứng phó với cuộc bùng phát Covid-19 rất sớm và mạnh mẽ, đóng cửa các trường học ngay từ đầu, truy tìm và cách ly những trường hợp trở về từ nước ngoài. Thành công của phương pháp này dựa trên sự kết hợp của việc giám sát chặt chẽ tất cả những ai nhập cảnh vào Việt Nam; tăng cường xét nghiệm và truy vết; giao tiếp tích cực với các cộng đồng; và điều trị hiệu quả những ca nhiễm bệnh.
Kinh nghiệm gần đây của Việt Nam với SARS cũng như các bệnh truyền nhiễm cũng đóng vai trò quan trọng giúp phản ứng kịp thời và để cộng đồng chuẩn bị tâm lý tuân thủ những khuyến cáo y tế. Trong nhiều năm qua, Việt Nam cũng đã chủ động làm việc với các đối tác quốc tế trong kiểm soát dịch bệnh, đơn cử như Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford (OUCRU) – nơi thực hiện các nghiên cứu hàng đầu thế giới về dịch tễ học có văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Trên phạm vi toàn cầu, chúng ta phải đối mặt với một thách thức đang tiếp diễn và thay đổi từng ngày. Chúng ta không thể chủ quan và loại trừ khả năng những làn sóng lây nhiễm mới sẽ diễn ra. Việt Nam, cùng với thế giới, đang đứng trước những quyết định khó khăn trong cân bằng lợi ích sức khỏe cộng đồng và tổn thất kinh tế. Nhiều câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp: làm thế nào để mở lại biên giới một cách an toàn, làm thế nào để điều trị cho những người bệnh một cách hiệu quả nhất, hay làm sao để đẩy nhanh quá trình phát triển và triển khai vắc-xin. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là trừ khi đại dịch kết thúc ở mọi nơi, số người tử vong sẽ còn tiếp tục tăng; sự phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục bị trì hoãn, và nguy cơ lây nhiễm sẽ vẫn còn.
Chỉ khi đoàn kết cùng nhau, chúng ta mới có thể phát triển các phương pháp điều trị và vắc-xin ở mức giá phải chăng và phân phối được nhanh nhất cho những người cần chúng. Đại học Oxford và AstraZeneca, một công ty dược phẩm hàng đầu của Vương quốc Anh, đang có những sải bước mới, với cam kết phát triển và phân phối ứng viên vắc-xin Covid-19 của Đại học Oxford mang tên ChAdOx1 nCoV-19, hiện đang được thử nghiệm trên người ở Anh. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ cùng ASEAN để thúc đẩy hợp tác thương mại sâu sắc hơn và bảo vệ lợi ích chung của thương mại tự do – chìa khoá để phục hồi kinh tế và tăng trưởng trong tương lai. Không một quốc gia hay tổ chức đơn lẻ nào có thể đưa ra lời giải, và vì vậy, hợp tác toàn cầu ở quy mô chưa từng thấy trước đây sẽ là chìa khóa để chống lại đại dịch này.
Vương quốc Anh đã cam kết hỗ trợ tài chính và viện trợ hơn 6,5 tỷ Bảng Anh thông qua Liên Hợp Quốc và các cơ quan khác để đẩy lùi đại dịch và hỗ trợ những người yếu thế nhất trên thế giới. Với tư cách là một trong những quốc gia viện trợ lớn nhất, chúng tôi coi việc hợp tác quốc tế về các vấn đề y tế là một phần trách nhiệm của mình. Đó là lí do gần đây, chúng tôi đã đồng tổ chức Hội nghị Cam kết Quốc tế về Phản ứng Toàn cầu chống nCoV, với kết quả là một cam kết trị giá 8 tỷ đô la Mỹ của các nhà lãnh đạo thế giới để chống lại COVID-19. Tháng Sáu này, Vương quốc Anh cũng sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Toàn cầu trực tuyến về Vắc-xin để nâng cao tham vọng trong việc tìm ra giải pháp.
Tôi tự hào về công tác nghiên cứu và các đổi mới sáng tạo đang được thực hiện tại Việt Nam kết hợp cùng các tổ chức của Anh. Một ví dụ có thể kể đến là việc phát triển vắc-xin được thực hiện bởi công ty Vabiotech của Việt Nam, sử dụng công nghệ được chia sẻ bởi Đại học Bristol của Anh. Các công ty y tế và chuyên gia chăm sóc sức khỏe của Anh mong muốn được đóng góp ý nghĩa và lâu dài cho xã hội Việt Nam.
Tác động của đại dịch đã nhắc chúng ta rằng, trong khi các Chính phủ và các tổ chức quốc tế đề ra hướng hành động và cơ cấu tài trợ, chính các y bác sĩ, nhà nghiên cứu và nhân viên chủ chốt ở tuyến đầu mới là những người đánh cược tính mạng biến những chiến lược đó thành hành động thiết thực để cứu sống mạng người.
Tôi hy vọng rằng trong giai đoạn chúng ta đang dần xác lập một trạng thái bình thường mới, chúng ta sẽ ghi nhớ những bài học về sức khỏe cộng đồng, sự gắn kết xã hội, cũng như những gì ta có thể đạt được khi hợp tác cùng nhau. Đại dịch này đang tác động tới tất cả chúng ta, nhưng những cộng đồng nghèo khó và yếu thế sẽ là nhóm phải chịu ảnh hưởng lâu dài nhất từ những tác động về sức khoẻ cũng như kinh tế. Đây là cơ hội để chúng ta xây dựng lại những tổ chức hoà nhập và bền vững hơn, và tôi hy vọng rằng mối quan hệ hợp tác giữa Vương quốc Anh và Việt Nam sẽ là một tấm gương tốt.
Gareth Ward