Theo báo cáo mới công bố của Goldman Sachs, trong khi hầu hết công ty may mặc và điện thoại thông minh đã chuyển đi, có kế hoạch chuyển đi hoặc đang xem xét di dời ít nhất một phần hoạt động khỏi Trung Quốc, có ít công ty ngành khác hành động tương tự.
Báo cáo cho biết, phần lớn công ty trong lĩnh vực thiết bị và vật liệu bán dẫn, chăm sóc sức khỏe, đang thực sự mở rộng sản xuất. Trong lĩnh vực máy móc công nghiệp và ôtô, việc di dời và mở rộng hoạt động tại nước này đang diễn ra đồng thời.
"Mặc dù thuế quan đã định hướng lại thương mại hàng hóa và chuyển hoạt động sản xuất điện tử tiêu dùng từ Trung Quốc sang các nước ASEAN, nhưng chúng tôi thấy ít bằng chứng về việc thu hút hoạt động sản xuất trở lại Mỹ trên diện rộng", báo cáo của Goldman Sachs nhận xét.
Bất chấp các áp lực chính trị, cuộc chiến thương mại và đại dịch, sự thay đổi chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc vẫn đang diễn ra theo hướng kết hợp giữa rời đi và tăng cường đầu tư, cũng như khác biệt ở từng ngành cụ thể.
Tesla - công ty ôtô giá trị nhất thế giới - có kế hoạch xuất khẩu mẫu Model 3 sản xuất tại Trung Quốc sang các thị trường khác ở châu Á và châu Âu, theo công bố cuối tuần trước. CEO Tesla Elon Musk nói với các nhà phân tích vào tháng 7 rằng "các nhà cung cấp ở Trung Quốc đã rất cạnh tranh, và có thể là cạnh tranh nhất thế giới".
"Nhà máy ở Thượng Hải là một nhà máy khá lớn. Nó đang tiếp tục hoạt động ngày càng nhiều hơn", Musk nói. Điều thực sự hữu ích là nguồn cung ứng linh kiện tại chỗ đã tăng lên, theo Musk, tạo ra sự khác biệt lớn đối với giá thành của chiếc xe.
Các sản phẩm như quần áo và đồ gia dụng có thể dễ dàng được sản xuất ở nơi khác. Nhưng sản xuất các mặt hàng đòi hỏi thành phần phức tạp thì không có nhiều địa điểm để lựa chọn. Chính vì thế, Tesla không hề đơn độc trong việc tiếp tục cam kết đầu tư tại Trung Quốc.
Trong số hơn 200 đơn vị được hỏi, đang sở hữu hoặc thuê ngoài các hoạt động sản xuất ở Trung Quốc, 70,6% cho biết không có ý định chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi nước này, theo cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải công bố tuần qua.
Chỉ 3,7% đang chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc về Mỹ hoặc các vùng lãnh thổ thuộc Mỹ. Và trong số các công ty đang chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, chỉ 18,2% có ý định chuyển hơn 30% quy mô.
Theo nghiên cứu của Goldman Sachs, ngay cả đối với các công ty chuyển ra khỏi Trung Quốc, nguyên nhân thường là chi phí lao động tăng cao, một xu hướng có trước chiến tranh thương mại. Đến nay, dù nước này không còn đủ cạnh tranh như nhiều nền kinh tế mới nổi khác với các ngành thâm dụng lao động, nhưng lợi thế tổng thể của họ trong lĩnh vực sản xuất vẫn còn nguyên vẹn.
"Thị trường nội địa khổng lồ, chuỗi cung ứng công nghiệp hoàn chỉnh và cơ sở hạ tầng tốt là những điểm hấp dẫn nhất đối với các khoản đầu tư sản xuất nước ngoài", báo cáo nhận xét về thế mạnh của Trung Quốc.
Khi được hỏi về các địa điểm hàng đầu để chuyển ra khỏi Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ là những điểm đến được đề cập nhiều nhất. Trong khi đó, sự miễn cưỡng quay về Mỹ cho thấy mong muốn đưa sản xuất trở về của Trump là không dễ.
Đường lối cứng rắn của ông cũng không làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Các số liệu thống kê của Mỹ cho biết, thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ quý II với Trung Quốc ở mức 75,8 tỷ USD, tăng từ mức 74 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2016, vài tháng trước khi ông nhậm chức.
Phiên An (theo Nikkei Asian Review)