Những bình luận của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc "tách rời" kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc đang vấp phải hiện thực khá thách thức. Đó là hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ ngày càng tăng, các công ty Mỹ ngày càng đầu tư nhiều vào Trung Quốc, và thị trường sẽ chao đảo nếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tách rời.
Hôm qua, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Peter Navarro khiến các thị trường châu Á lo lắng khi trả lời trên Fox rằng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc "đã chấm dứt". Các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ đi xuống, đồng đôla mạnh lên và các chỉ số theo dõi biến động cũng tăng vọt.
Navarro sau đó nhanh chóng đính chính, rằng ông chỉ đang đề cập đến niềm tin giữa Mỹ và Trung Quốc qua vấn đề đại dịch. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khẳng định trên trang cá nhân rằng thỏa thuận không bị ảnh hưởng.
Hôm qua, cố vấn kinh tế Larry Kudlow còn khen ngợi Bắc Kinh. Trên Fox Business Network, ông cho biết "họ thực sự đã có cải thiện" khi đề cập đến thỏa thuận thương mại.
Chính quyền Trump đang nỗ lực kiểm soát thiệt hại sau khi Tổng thống Mỹ tuần trước tuyên bố sẽ cân nhắc "tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc". Trước đó, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã nói với các nghị sĩ Mỹ rằng việc này không thực tế.
Chiến dịch tái tranh cử của Trump đang được thực hiện theo phương châm "cứng rắn với Trung Quốc". Nhà Trắng đã đổ lỗi cho Bắc Kinh khiến đại dịch lây lan và 120.000 người Mỹ tử vong.
Tuy nhiên, một phần thông điệp này - rằng Mỹ có thể độc lập khỏi nhà cung cấp lớn nhất cho họ hiện tại - sẽ gặp rất nhiều thách thức. Trên thực tế, thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang tăng lên, dù đại dịch khiến hoạt động này đi xuống trong thời gian ngắn. Hàng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đạt 8,6 tỷ USD hồi tháng 4, tăng so với đáy 10 năm hồi tháng 2 (6,8 tỷ USD). Nhập khẩu từ Trung Quốc cũng lên 31,1 tỷ USD, từ 19,8 tỷ USD tháng 3.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng cho thấy xuất khẩu đậu tương sang Trung Quốc đạt gần 424.000 tấn trong tháng 4, hơn gấp đôi tháng 3. Các quan chức Mỹ, gồm Lighthizer, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin gần đây xác nhận lại cam kết của Trung Quốc rằng sẽ tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận giai đoạn một. Theo đó, Trung Quốc sẽ mua thêm 200 tỷ USD nông sản, sản phẩm công nghiệp, năng lượng và dịch vụ Mỹ trong 2 năm.
Hôm qua, khi được hỏi trên một chương trình radio về viễn cảnh chiến tranh lạnh mới, Pompeo cho biết kinh tế Mỹ gắn chặt với Trung Quốc hơn nhiều so với Liên Xô cũ. "Chúng ta phải nghĩ về việc này theo hướng là các thách thức với tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng của Mỹ ngày nay đang gắn bó sâu sắc với kinh tế Trung Quốc", ông nói. Pompeo cũng khẳng định Trump sẽ bảo vệ lợi ích của nước Mỹ.
Còn với Mnuchin, khi được hỏi về việc tách rời tại một diễn đàn của Bloomberg-Invesco, ông cho biết việc này sẽ xảy ra nếu các công ty Mỹ không được tạo điều kiện cạnh tranh công bằng tại Trung Quốc.
Reuters trích lời một nguồn tin thân cận với cả Trung Quốc và Mỹ cho biết bình luận hôm thứ Hai của Navarro chỉ là "lỡ lời", cho thấy quan điểm cá nhân cứng rắn của ông với Trung Quốc, chứ đây không phải chính sách của Mỹ. Người này nói rằng giới chức Trung Quốc đã ra tín hiệu nhập khẩu tháng 6 của nước này với hàng Mỹ sẽ tăng mạnh sau nhiều tháng đi xuống vì đại dịch.
Rhodium Group cho biết trong một báo cáo gần đây rằng quý đầu năm, doanh nghiệp Mỹ đã công bố các dự án đầu tư mới trị giá 2,3 tỷ USD vào Trung Quốc. Bất chấp Covid-19, con số này chỉ giảm nhẹ so với trung bình quý năm ngoái. Điều này cho thấy rất ít công ty Mỹ muốn giảm hiện diện tại Trung Quốc.
Bill Reinsch – một cố vấn cấp cao tại Trung tâm Quốc tế học và Chiến lược cho biết kinh tế Mỹ và Trung Quốc đã mất hơn 20 năm để phát triển cùng nhau. Vì thế, việc tách rời sẽ không dễ dàng.
Một số công ty sẽ rời đi, nhưng không phải vì lời đe dọa của ông Trump, mà vì lương nhân công tại Trung Quốc tăng và các chính sách của Bắc Kinh gây bất lợi cho doanh nghiệp nước ngoài. "Nếu ở Trung Quốc để phục vụ thị trường này, bạn sẽ chẳng đi đâu, vì không thể phục vụ họ từ nước ngoài được", ông nói, "Tổng thống không thể chỉ đơn giản là yêu cầu mọi người quay về được. Các doanh nghiệp phải đưa ra quyết định hợp lý và mang tính kinh tế".
Hà Thu (theo Reuters)