Sau khi đọc các bài viết nói về vấn đề thạc sĩ ra trường thất nghiệp hoặc phải đi bán sim điện thoại, làm trái nghề, thậm chí có bài viết nói 'Một nhân viên nước ngoài làm việc bằng 10 thạc sĩ Việt'... khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về chuyện đào tạo thạc sĩ tràn lan như hiện nay.
Thạc sĩ cũng có năm, bảy loại
Thạc sĩ cũng có năm, bảy loại, không hẳn cứ ai có bằng thạc sĩ đều giỏi hết, không hẳn ai tốt nghiệp trung cấp đều dốt và không hẳn cứ người nước ngoài nào cũng làm việc tốt hơn 10 thạc sĩ Việt. Tôi nghĩ mọi người nên có cái nhìn khách quan, đừng đánh đồng tất cả mọi việc. Bằng cấp bây giờ không phản ánh được hết năng lực của một người mà quan trọng là anh ta có làm được công việc mà cấp trên giao phó hay không?
Vấn đề nằm ở việc tuyển chọn đầu vào không nghiêm ngặt nên mới xảy ra cớ sự thạc sĩ thất nghiệp và phải làm đủ nghề để kiếm sống. Từ “thạc sĩ” dịch theo tiếng Anh là “Master”, nghĩa của nó là "chuyên sâu" vào một mảng nào đấy, mà muốn chuyên sâu thi phải qua bước cơ bản, vững chắc.
Theo tôi biết, các bạn muốn học lên thạc sĩ thì phải trải qua thời gian công tác (kinh nghiệm) ít nhất 5 năm. Như vậy, qua 5 năm làm việc, bạn thấy cần bổ sung thêm kiến thức chuyên sâu phục vụ cho chuyên môn của mình thì mới cần phải học lên thạc sĩ.
Nếu theo các bước như trên thì làm gì có chuyện một thạc sĩ vào làm việc không thể soạn thảo được văn bản. Còn đằng này thạc sĩ đa phần (không phải toàn bộ) đều tốt nghiệp đại học chưa có tí kinh nghiệm nào, thậm chí nhiều bạn không xin được việc làm nên đành lao vào học tiếp để lấy được bằng thạc sĩ. Thử hỏi những trường hợp này ra trường có nơi nào muốn nhận? Bởi lẽ những trường hợp này thuộc dạng “nửa thầy, nửa thợ”.
Nếu họ tuyển những thạc sĩ này làm thợ, nhà tuyển dụng sẽ rất vất vả vì họ chưa có một tí kinh nghiệm nào, thậm chí còn thua một anh thợ lành nghề chỉ với tấm bằng trung cấp nghề. Còn để tuyển làm thầy thì chẳng doanh nghiệp, cơ quan nào dại mà tuyển các anh bởi thợ còn chưa làm ra hồn thì lấy đâu kinh nghiệm để làm thầy.
Còn nếu bạn đúng là người đã tốt nghiệp Đại học, sau đó ra trường và làm việc trong cơ quan nào đấy sau thời gian 5 năm, nay thấy cần nâng cao nghiệp vụ chuyên môn nên mới học thạc sĩ chuyên sâu bổ sung vào chuyên môn của mình. Tôi đố bạn nào tốt nghiệp thạc sĩ trong trường hợp này mà lại thất nghiệp. Còn nếu bạn nào rơi vào trường hợp trên mà tốt nghiệp loại giỏi thì dư khả năng xin học bổng nước ngoài, làm gì có chuyện thất nghiệp.
Bằng Đại học tại chức vẫn thành công
Bản thân tôi chỉ tốt nghiệp Đại học tại chức, ngoài ra không có thêm bất cứ một văn bằng nào khác. Tôi phải trang trải mọi chi phí trong thời sinh viên nên hầu như tôi không có thời gian để vui chơi như các bạn cùng trang lứa. Gia đình tôi lúc ấy rất nghèo, việc học vào ban đêm giúp tôi có cơ hội đi làm ban ngày và có thu nhập để sinh sống, học tập...
Thời còn học Đại học tại chức, tôi làm họa viên cho một công ty xây dựng. Ngay sau khi tốt nghiệp tôi xin vào làm một công ty nước ngoài và công tác tại đó 4 năm. Sau đó tôi chuyển sang một công ty thi công lớn của nước ngoài với mức lương mà bạn bè cùng lứa học chính quy vẫn ao ước và mong muốn.
Giờ đây tôi đã 30 tuổi, tuy vẫn độc thân nhưng tôi đã là chủ doanh nghiệp nhỏ, có xe hơi, có nhà riêng và bằng cấp không còn là vấn đề với tôi. Tôi chưa bao giờ hối hận vì mình chỉ học Đại học tại chức. Có thể nói tôi thuận lợi hơn một số bạn học chính quy ở chỗ tôi vừa đi học, vừa đi làm nên tích lũy được một số kinh nghiệm cơ bản, bởi vậy tôi dễ dàng xin được việc khi ra trường.
Do vậy, tôi nghĩ bằng cấp chỉ là vé thông hành còn năng lực và nỗ lực mới đáng quý và đáng trân trọng.
>> Xem thêm: Tốt nghiệp Thạc sĩ làm lương 1,5 triệu đồng