Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số thí sinh dự thi THPT quốc gia năm nay hơn 887.000, giảm gần 40.000 so với năm 2018. Trong đó, hơn 653.000 em đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng.
Dù vậy, chỉ tiêu tuyển sinh vào các đại học tăng gần 7,6%, tương đương gần 490.000. Trong đó, chỉ tiêu sư phạm là 46.285, tăng hơn 30% so với năm ngoái.
Trao đổi với báo chí ngày 11/5 tại Ninh Bình, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) giải thích chỉ tiêu tuyển sinh năm nay tăng vì nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, chỉ tiêu được xác định trên năng lực đảm bảo chất lượng của các trường, những năm gần đây điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường tăng. Ví dụ, số giảng viên đã tăng từ 72.000 lên 79.000 trong năm vừa qua.
Thứ hai, theo quy chế trước đây, các trường chưa kiểm định, kể cả năng lực có tăng, số giảng viên có tăng cũng không được tăng chỉ tiêu so với năm trước liền kề. Gần đây các trường đã kiểm định, đạt kết quả nên được đưa ra mức chỉ tiêu đúng với năng lực của mình.
Bà Phụng cho biết hiện có hơn 120 trường đạt kiểm định. Số này được tăng chỉ tiêu do kết quả kiểm định ngày càng tốt hơn.
Thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu tính đến việc bù đắp chỉ tiêu cho một số trường có tỷ lệ sàng lọc đầu ra đáng kể. Số lượng thí sinh ra trường thấp hơn lúc nhập học cho thấy quá trình đào tạo, chuẩn đầu ra của trường tốt hơn và trường đã tạo ra được sự cạnh tranh trong quá trình học. "Với những trường có sàng lọc giữa đầu vào và đầu ra, chúng tôi sẽ tính tỷ lệ hợp lý để cộng chỉ tiêu tuyển sinh", bà Phụng nói.
Dù tổng chỉ tiêu năm 2019 tăng nhẹ, Vụ trưởng Giáo dục đại học lưu ý tổng đó chỉ là số chỉ tiêu tối đa các trường có thể tuyển. Thực tế những năm qua, hầu hết trường tuyển chỉ 80-85% là tối đa. Vì vậy, chỉ tiêu tăng thì chưa chắc số lượng tuyển được sẽ tăng vì còn phụ thuộc vào nguyện vọng của người học.
Đối với chỉ tiêu sư phạm, bà Phụng thông tin từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo Cục Nhà giáo phối hợp với các địa phương khảo sát nhu cầu đào tạo giáo viên từ năm 2018 đến 2025. Theo đó, tất cả tỉnh thành phải cân đối nhu cầu đào tạo giáo viên mà tỉnh mình cần bổ sung trong giai đoạn đó. So với năm ngoái, nhu cầu đào tạo giáo viên các tỉnh đưa lên tăng so với năm trước cho nên chỉ tiêu đào tạo sư phạm của năm nay tăng.
Theo bà Phụng, nếu như tính đúng, các tỉnh sẽ phải tính số giáo viên đang sử dụng, độ tuổi của họ ra sao, bao nhiêu người sẽ về hưu, cần bổ sung bao nhiêu vì những lý do như chuyển ngang..., từ đó tính ra số giáo viên cần tuyển rồi đề xuất lên. Bộ sẽ dựa theo đó để đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh.
Bên cạnh đó, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm cũng dựa trên cơ sở năng lực của các trường.
Mùa tuyển sinh năm 2017, ngành sư phạm gây lo lắng cho xã hội khi điểm đầu vào của nhiều đại học, cao đẳng thấp. Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) có 6/14 ngành đào tạo lấy điểm chuẩn là 15,5, bằng mức sàn. Đại học Sư phạm Huế 10/15 mã ngành lấy bằng điểm sàn quy đổi. Đặc biệt khối cao đẳng sư phạm, có trường chấp nhận thí sinh được 3 điểm mỗi môn.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (tháng 8/2017) đã gấp rút yêu cầu giải quyết chất lượng đầu vào ngành sư phạm thấp. Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ sau đó chỉ đạo giao chỉ tiêu cho các trường, theo đơn đặt hàng của địa phương và trên đà giảm. Từ năm 2018, Bộ bỏ điểm sàn đại học, trừ nhóm ngành sư phạm.
Năm 2018, ngành sư phạm giảm 33% chỉ tiêu tuyển sinh, còn 35.000, giảm 17.000 so với năm trước.