Con số này cao hơn 10,7 tỷ USD so với năm trước đó, tương đương mức tăng 13%, theo báo cáo thường niên do Tổ chức Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN), trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, công bố ngày hôm nay.
Chi tiêu toàn cầu về vũ khí nguyên tử đạt mức cao kỷ lục chủ yếu do Mỹ tăng mạnh ngân sách quốc phòng, trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới đang bất ổn do ảnh hưởng của chiến sự tại Ukraine và Dải Gaza.
Theo ICAN, tất cả 9 quốc gia hạt nhân đều chi mạnh hơn cho vũ khí nguyên tử trong năm nay, trong đó Mỹ đứng đầu với ngân sách 51,5 tỷ USD, thứ hai là Trung Quốc với 11,9 tỷ USD. Nga là quốc gia chi nhiều thứ ba ở mức 8,3 tỷ USD, tiếp đến là Anh (8,1 tỷ USD) và Pháp (6,1 tỷ USD). Các vị trí còn lại lần lượt thuộc về Ấn Độ, Israel, Triều Tiên và Pakistan.
Susy Snyder, một trong các tác giả của báo cáo, cảnh báo các quốc gia hạt nhân
"đang hướng đến mốc chi tiêu 100 tỷ USD mỗi năm cho vũ khí nguyên tử" và kêu gọi sử dụng số tiền này cho các chương trình về môi trường và xã hội, thay vì mục đích quân sự.
So với 5 năm trước, thời điểm ICAN bắt đầu công bố báo cáo, chi tiêu toàn cầu cho vũ khí hạt nhân đã tăng 34%, tương đương 23,2 tỷ USD, trong đó ngân sách của Mỹ và Anh tăng lần lượt 45% và 43%. Con số này dự kiến vượt mức 100 tỷ USD trong năm 2024.
Báo cáo công bố ngày 17/6 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy trong năm 2023, trên thế giới có tổng cộng 9.585 đầu đạn hạt nhân, nhiều hơn một chút so với năm trước đó, chủ yếu do Trung Quốc đã mở rộng kho vũ khí nguyên tử từ mức 410 lên 500 đầu đạn.
Dù vậy, Mỹ và Nga vẫn là các quốc gia hạt nhân lớn nhất, vị thế mà hai nước duy trì từ những năm 1950, khi sở hữu 90% số đầu đạn hạt nhân trên thế giới. Moskva có 4.380 đầu đạn trong trạng thái triển khai hoặc cất trong kho, còn Mỹ là 3.708.
Các nhà nghiên cứu của SIPRI nhận định "Nga đã triển khai thêm khoảng 36 đầu đạn hạt nhân kèm lực lượng tác chiến so với tháng 1/2023", song cho biết chưa có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy Moskva đã triển khai tên lửa hạt nhân ở Belarus như tuyên bố của lãnh đạo hai nước.
Vũ khí hạt nhân gần đây là chủ đề nóng, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây đang leo thang liên quan tới chiến sự tại Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần đề cập đến kho vũ khí nguyên tử của Moskva khi cảnh báo về hậu quả của việc phương Tây can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột.
Hồi tháng 5, nước này đã bắt đầu loạt cuộc tập trận mô phỏng kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật gần biên giới với Ukraine, nhằm đáp trả các tuyên bố "khiêu khích" của Anh, Pháp.
"Chưa bao giờ vũ khí hạt nhân lại đóng vai trò nổi bật như vậy trong quan hệ quốc tế kể từ thời Chiến tranh Lạnh", Wilfred Wan, giám đốc chương trình nghiên cứu về vũ khí hủy diệt hàng loạt của SIPRI, nhận định.
Phạm Giang (Theo Guardian)