Anh Thành, nhân viên văn phòng 34 tuổi, cho biết đã mua sạc dự phòng hiệu Sharge với giá 5,5 triệu đồng, hub chuyển đổi cổng cho MacBook hiệu WiWu giá 1,5 triệu đồng, củ sạc Pisen cho iPhone giá 500.000 đồng, tai nghe "nhái" có thiết kế giống AirPods giá một triệu đồng và một bàn phím cơ khoảng hai triệu đồng. Tất cả đều được thiết kế có thể nhìn xuyên thấu linh kiện bên trong.
"Ấn tượng đầu tiên là sự độc lạ, tạo cho tôi hứng thú khi đặt trên bàn làm việc hay khi mang ra dùng ở quán cà phê", anh Thành nói.
Trong khi đó, Hoàng An, lập trình viên tự do 27 tuổi, cho biết cũng đã chi vài triệu đồng cho các món đồ như sạc dự phòng Shargeek, cáp Wekome... Với đặc thù làm việc không cố định và thường ngồi quán cà phê, cục sạc gần 30.000 mAh có hỗ trợ sạc nhanh và sạc đa thiết bị giúp đáp ứng các nhu cầu của anh mà không phải phụ thuộc ổ điện. "Việc nhìn vào các linh kiện bên trong hay hiệu ứng đèn LED giúp giảm căng thẳng khá tốt", anh An chia sẻ.
Trên các hội nhóm Facebook về đồ công nghệ, phụ kiện trong suốt cũng là chủ đề được quan tâm. Tuấn Việt, quản trị viên một nhóm có hơn 40.000 thành viên, cho biết nội dung về phụ kiện xuyên thấu tăng mạnh so với cách đây vài tháng. Đa số bài viết là về việc tìm mua phụ kiện, như nơi mua, thương hiệu nào uy tín, cách mua, cũng như kinh nghiệm sử dụng, bảo quản thiết bị, bên cạnh các bài "khoe" những sản phẩm độc lạ đã mua được. "Trong khoảng hai tháng qua, các bài về phụ kiện này tăng hơn 200%, hầu như ngày nào cũng có thảo luận về nó", người này nói.
Anh Thành Lực, chuyên kinh doanh phụ kiện tại TP HCM, cho biết phụ kiện trong suốt từng được quan tâm trước đây nhưng chủ yếu là ốp lưng, hình nền điện thoại, case máy tính... Tuy nhiên, sau sự xuất hiện của các mẫu điện thoại lộ linh kiện từ Xiaomi hay gần đây là điện thoại Nothing Phone, trào lưu linh kiện trong suốt quay lại.
Theo anh Lực, so với những năm trước, phụ kiện trong suốt hiện được đón nhận nhiều hơn do được nhà sản xuất hoàn thiện về ngoại hình, sử dụng chất liệu bền đẹp hơn. Do lộ vi mạch, họ cũng cố gắng làm chỉn chu để nhìn đẹp nhất, tạo hiệu ứng hấp dẫn nhất có thể. Bên cạnh đó, việc đưa vào nhiều công nghệ về sạc hay truyền dữ liệu cũng là ưu điểm của sản phẩm. Ngoài công năng chính, nhiều thiết bị có hiệu ứng đẹp mắt hay thậm chí cả các game nhỏ, có thể "xả stress" ngay trên phụ kiện..
Một đại diện chuỗi phụ kiện di động tại TP HCM cho biết trong hai tháng qua, doanh số phụ kiện trong suốt đạt mức tăng trưởng 100%. "Mỗi ngày, chúng tôi vẫn bán được vài chục sản phẩm trong suốt trên các kênh cả online và tại cửa hàng, chiếm 1/3 so với các loại phụ kiện khác trong tất cả danh mục", người này tiết lộ.
Các thiết bị này thường có phần vỏ nhựa hoặc kim loại, có một phần hoặc gần như toàn bộ bọc bằng nhựa để lộ thành phần linh kiện bên trong. Một số trang bị đèn LED để tạo hiệu ứng, hoặc kèm màn hình hiển thị thông số. Các thương hiệu phổ biến là Sharge (Xiaomi), Shargeek, WiWu... Dải giá bán cũng khá rộng, chẳng hạn sạc dự phòng có mẫu chỉ từ 150.000 đồng, nhưng cũng có model gần 10 triệu đồng tùy thiết kế, công suất, độ hoàn thiện, chức năng đi kèm....
Bên cạnh mua hàng có sẵn, số khác trao đổi kinh nghiệm tự chế sản phẩm theo sở thích, hay cách tách linh kiện từ sản phẩm chính hãng, sau đó gắn chúng vào bản thiết kế mới được in 3D hoặc tạo hình thủ công. "Cách làm này giúp thỏa tính sáng tạo, nhưng yêu cầu người làm cần hiểu biết về lắp ráp thiết bị điện tử", Nguyên Khánh, người chuyên "độ chế" sạc dự phòng trong suốt, cho biết.
Theo anh Khánh, sạc dự phòng là phụ kiện dễ "chế" nhất vì chỉ cần các tấm mica cùng linh kiện mua sẵn. Bên cạnh đó, chi phícũng rẻ hơn là mua mới. "Người dùng chỉ cần bỏ ra chưa tới một triệu đồng là đã có thể tự tạo cho mình một chiếc theo sở thích cá nhân", anh Khánh cho biết. "Tuy nhiên, các công đoạn đòi hỏi độ tỉ mỉ, chính xác cùng cảm quan thẩm mỹ của mỗi người. Việc mua linh kiện cũng quan trọng, bởi nếu kém chất lượng, chúng là nguồn nguy cơ cháy nổ hoặc các tai nạn khác".
Thực tế, loại thiết bị trong suốt tồn tại nhiều nhược điểm. Theo anh Thành, sau khoảng một tháng sử dụng, những sản phẩm sử dụng thường xuyên như sạc dự phòng, củ sạc hay hub bị trầy xước, không còn giữ vẻ đẹp ban đầu dù đã đựng trong túi riêng. Một số nhanh gặp lỗi khi sử dụng, như tai nghe, trong khi bộ hub không đạt tốc độ truyền tải dữ liệu như quảng cáo, khiến anh phải mua thiết bị khác từ nhà cung cấp uy tín.
Anh Nhật Hiền, một người từng kinh doanh các phụ kiện công nghệ, nhận đinhh nhiều thiết bị trong suốt chỉ mang hình thức "bắt trend" nên giá cao, trong khi tính năng hạn chế hơn nhiều so với các sản phẩm ngang tầm tiền có chức năng tương tự. Ngoài ra, chúng dễ gặp lỗi vặt trong quá trình sử dụng và nhanh xuống cấp về ngoại hình sau một thời gian sử dụng. Đối với sản phẩm rẻ tiền, chúng còn có thể gây dị ứng do dùng vật liệu kém chất lượng, thậm chí cháy nổ.
"Nếu mua, nên xác định trước tâm lý và mục đích là trải nghiệm, sưu tầm hay sẽ bỏ chúng sau một thời gian", anh Hiền khuyên.
Bảo Lâm