Khảo sát này do Ngân hàng HSBC phối hợp cùng Markit Economics - một đơn vị chuyên về dịch vụ thông tin tài chính độc lập trên thế giới, thực hiện, công bố lần đầu tiên vào sáng 8/5.
PMI được đưa ra dựa vào 5 chỉ số riêng biệt: đơn đặt hàng mới, sản lượng, việc làm, thời gian giao hàng của nhà cung cấp và tồn kho các mặt hàng đã mua. Dữ liệu khảo sát được thu thập từ tháng 4/2011 đến nay.
Bà Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam giảm nhẹ trong tháng 4. Ảnh: LC |
Chỉ số PMI xây dựng trên dữ liệu thu thập hàng tháng từ các nhà quản trị mua hàng tại khoảng 400 doanh nghiệp sản xuất Việt Nam. Nếu chỉ số trên 50 điểm cho thấy các điều kiện kinh doanh đang được cải thiện so với tháng trước, ngược lại kết quả dưới 50 điểm chỉ sự giảm sút.
Theo đó, kết quả tháng 4 cho thấy, chỉ số PMI Việt Nam còn 49,5 điểm so với mức 50 điểm vào tháng 3. Đây là dấu hiệu cho thấy điều kiện kinh doanh tổng thể của ngành sản xuất trong tháng đã xấu đi. Nguyên nhân được cho là do sản lượng sản xuất yếu kém đã triệt tiêu sự gia tăng của lượng đơn đặt hàng mới.
"Các nhà sản xuất Việt Nam vẫn thận trọng trong chính sách quản lý hàng tồn kho tháng 4, với hoạt động mua hàng hóa đầu vào và tồn kho hàng hóa trước sản xuất đều giảm đi kể từ tháng 3", báo cáo này nhận định.
Bà Trinh Nguyễn, chuyên gia kinh tế châu Á của HSBC nhận định, sản lượng ngành sản xuất giảm nhẹ trong tháng 4 phản ánh quan điểm thận trọng của các doanh nghiệp Việt Nam. Theo bà, trong thời gian tới, sự kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu sẽ mạnh lên nhờ quá trình dần phục hồi của nhu cầu từ các thị trường quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ, cho dù nhu cầu nội địa vẫn yếu kém.
Bà Nguyễn nói: "Với nhận định như vậy, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong các quý tới để hỗ trợ tiêu dùng".
Ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, dữ liệu cuộc khảo sát trong ngành sản xuất mang lại những thông tin kịp thời cho sự phát triển của các doanh nghiệp sản xuất. Các chuyên gia kinh tế và các nhà dự báo cũng sẽ đánh giá cao chỉ số này vì khả năng cung cấp sớm cho thị trường một bức tranh chính xác về tình hình hoạt động trong ngành sản xuất.
Khối nghiên cứu HSBC cho biết, PMI là cơ sở dữ liệu cần thiết cung cấp những chỉ báo sớm về sự thay đổi của thị trường cho các nhà phân tích kinh tế, người tham gia thị trường tài chính và những tổ chức đóng vai trò quyết định để thiết lập các mức lãi suất phù hợp.
Khảo sát chỉ số PMI đã được thực hiện tại 36 quốc gia và các khu vực chủ chốt kể cả khu vực đồng tiền chung châu Âu. Đây là những cuộc khảo sát kinh doanh được theo dõi nhiều nhất trên thế giới, được sự ủng hộ của các ngân hàng trung ương, thị trường tài chính và các nhà hoạch định chính sách kinh doanh, theo HSBC. |
Lệ Chi