Công văn, đóng dấu sở của một tỉnh phía Bắc, gửi cho các quận huyện đề nghị lập danh sách doanh nghiệp kêu gọi tài trợ. Khoản kêu gọi này không phải phục vụ vấn đề từ thiện, dân sinh gì mà… để bù lại phần thất thoát của một dự án ngân sách lớn của địa phương.
Dự án công lãng phí này bị dừng lại sau khi ngân sách tiêu ra ngót nghét gần 90 tỷ đồng, nhiều lãnh đạo đã bị kỷ luật, địa phương loay hoay bù lại ngân sách bằng cách vận động các doanh nghiệp khác hỗ trợ. Mang công văn này đến gặp, lãnh đạo quận đề nghị anh hợp tác. Anh bảo, từ chối cũng khó ăn nói với địa phương, nhận lời thì việc chi ra hàng chục triệu đồng là một khoản quá lớn với một doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn như doanh nghiệp anh.
Doanh nghiệp anh, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, hiện không chỉ phải lo kinh doanh, lo cạnh tranh, lo đơn hàng hay thu xếp vốn. Họ đang phải đối phó với những dạng chi phí như trên, đang thường xuyên đổ xuống doanh nghiệp. Có doanh nhân kể với tôi rằng ngay đầu hè anh nhận được điện thoại của lãnh đạo phường đề nghị hỗ trợ địa phương một xe ôtô 45 chỗ trong vài ngày, để cán bộ phường đi biển nghỉ mát.
Thật khó lắc đầu trước đề nghị này, khi an toàn an ninh của cơ sở kinh doanh hay bãi đậu xe… đều đang phụ thuộc lớn vào cấp chính quyền cơ sở. Đành phải tặc lưỡi. Nó lại là một khoản không tên được đưa vào chi phí kinh doanh. Không chỉ cấp phường, dường như bất cứ cơ quan nào, nhà nước hay tổ chức đoàn thể, từ thiện, cơ quan báo chí… đều tìm đến doanh nghiệp để vận động, kêu gọi. Nếu gần dịp lễ tết, gọi điện cho các doanh nghiệp thường thấy tắt máy, chúng tôi phải rất hiểu và thông cảm.
Trong hội nghị, báo cáo của VCCI và phát biểu của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cũng nói nhiều về gánh nặng chi phí đối với doanh nghiệp. Chi phí vốn của doanh nghiệp rất cao vì lãi suất ngân hàng bình quân Việt Nam là 7-9%, trong khi các nước khác như Trung Quốc chỉ là 4,3%; Malaysia 4,6%; Hàn Quốc 2-3%; Nhật Bản 0,95%. Chi phí nhân công đang cao và tăng nhanh, cũng là một gánh nặng khác và làm lợi nhuận của doanh nghiệp teo tóp đi.
Nếu là doanh nghiệp xuất khẩu, các chi phí vận tải, logistic tại Việt Nam cũng không hề dễ chịu. Một lô hàng rời bến đi các nước hay từ bến tàu về nhà máy đang cõng trên mình các chi phí vận tải, BOT, hạ tầng cảng biển, thủ tục hành chính, phí lưu kho bãi… Ngay cả các hãng tàu quốc tế cũng lạm thu các doanh nghiệp Việt Nam, theo thống kê đang có gần 70 khoản thu khác nhau trong đó rất nhiều phụ phí vô lý.
Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp ước tính, chi phí vận chuyển một container từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp ba lần chi phí vận chuyển từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam.
Các khoản chi phí không chỉ là gánh nặng lớn mà còn là nỗi ám ảnh với nhiều doanh nghiệp, như chi phí cho tham nhũng. Nhiều doanh nghiệp dùng các khoản chi phí này để có hợp đồng, tạo ra lợi thế cạnh tranh, rồi lâu dần thành con tin của “thực tế này”.
Tôi từng biết một câu chuyện cười ra nước mắt ở một tỉnh miền núi phía Bắc. Một doanh nghiệp chạy vạy vay nợ khắp nơi để có một khoản lớn hòng mong nhận được một hợp đồng giá trị. Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, thật không may phi vụ đổ bể vì lãnh đạo không giữ lời hứa. Không cách nào đòi lại, trong tuyệt vọng, doanh nghiệp thuê cả thầy cúng, mở đàn cúng mấy ngày để… “đòi tiền”.
Một nghiên cứu về “chi phí ngầm” cho thấy từ năm 2009 đến 2011, doanh nghiệp muốn tạo ra một đồng lợi nhuận thì cần phải trả 0,7 - 1 đồng tiền chi phí không chính thức. Đáng lo ngại là các doanh nghiệp nhỏ thường có tỷ lệ chi phí không chính thức trên thu nhập cao hơn, họ thường bị thiệt hại nhiều từ tham nhũng. Hệ quả tiêu cực thì lớn, tham nhũng hạn chế đổi mới sáng tạo, làm tổn hại đến khả năng chiến lược và cản trở sự lớn mạnh của doanh nghiệp…
Nét rất tích cực là sau Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp năm nay, người đứng đầu Chính phủ đã chọn chủ đề năm là giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Đây có lẽ là thông điệp giản dị mà sẽ có hiệu ứng thiết thực nhất cho các doanh nghiệp. Nhưng đây cũng không phải là lần đầu tiên tinh thần này được nêu lên. Để lời khẳng định có thực chất, giải pháp cụ thể giảm được chi phí cần được ưu tiên đưa ngay vào dự thảo Chỉ thị đang được hoàn thiện, và ban hành sớm.
Một số tờ báo đã ví Hội nghị giữa Thủ tướng với doanh nghiệp năm nay là “Hội nghị Diên Hồng”. Mong rằng nó đúng là thế. Ở hội Diên Hồng, chỉ một tuyên bố, là làm ngay - bằng bất cứ giá nào.
Đậu Anh Tuấn