Sự cố bỏ quên khiến học sinh tử vong là một thảm họa đau lòng đối với gia đình và xã hội. Đồng thời, một lần nữa nó gián tiếp hướng sự chú ý của cộng đồng vào hoạt động đưa đón học sinh vốn ngày càng mở rộng.
Tại Việt Nam, hình thức đưa đón học sinh bằng xe chuyên chở chung đã bắt đầu từ đầu thập niên 90. Đi liền với việc hình thành các trường bán công, tư thục và liên kết quốc tế là việc hình thành loại hình đưa đón bằng xe ô tô của nhà trường.
Trái với hoạt động của trường công lập, trường tư thục ít bị giới hạn bởi tuyển sinh theo tuyến. Tuy nhiên, các trường tư thục thường gặp khó khăn tập trung nhiều nguồn lực ở khâu tuyển sinh. Việc trang bị xe đưa đón chính là một giải pháp phù hợp để giải quyết nhu cầu đi lại của các học sinh ở xa trường và gián tiếp hỗ trợ cho nhiều gia đình và học sinh quyết định nhập học.
Hơn 30 năm qua, số lượng nhà trường tư thục đã đạt đến con số hàng trăm ở hai đô thị lớn là Hà Nội và TP HCM. Hầu hết các nhà trường đều có hệ thống xe để phục vụ việc đi lại của học sinh. Việc chuẩn bị và vận hành cũng khá tương đồng.
Nhà trường thiết kế dịch vụ theo nhu cầu của phụ huynh đầu năm. Họ kết hợp với đối tác vận tải để cùng vận hành xe đưa đón. Đối với các trường trong địa bàn nội đô, số học sinh nhà trường đi xe thường chiếm từ 1/3 cho đến 1/2 tổng số học sinh toàn trường. Khác biệt với các trường có địa bàn ở xa trung tâm, tỷ lệ học sinh đi xe còn lớn hơn.
Ngoài vấn đề khoảng cách, các yếu tố để phụ huynh cân nhắc sử dụng xe tuyến nhà trường phổ biến nhất là thời gian di chuyển, mức phí, giờ đưa đón, nhu cầu tại nhà riêng hay điểm chung thuận tiện, mức độ an toàn...
Có khá nhiều vấn đề phụ huynh cần cân nhắc trước khi thực sự cho con em mình sử dụng xe tuyến của nhà trường. Riêng về yếu tố lo lắng về các nguy cơ và rủi ro, bên cạnh các sự cố rất nghiêm trọng như bỏ quên trên xe trong thời gian dài, dưới đây là các vấn đề khác mà dịch vụ xe tuyến có thể gặp phải.
Thời gian di chuyển kéo dài
Phụ huynh thông thường mong muốn tổng thời gian chuẩn bị, ngồi chờ và di chuyển trên xe không nên quá kéo dài. Lý tưởng nhất là thời lượng này chỉ nên tương đương với việc sử dụng phương tiện cá nhân của gia đình để đưa đón.
Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề đau đầu của nhà trường. Các yếu tố ảnh hưởng đến thời gian di chuyển của từng học sinh có thể là quy mô học sinh đi xe của nhà trường, phân bố học sinh không đều. Điều này dẫn đến khó xếp xe. Mặt khác, một số trường đông học sinh thì lại gặp vấn đề về xếp xe và sắp tuyến chưa được tối ưu. Tình hình giao thông đầu giờ sáng ở các đô thị phức tạp cũng dẫn đến lộ trình di chuyển bị ảnh hưởng và thêm thời gian.
Hệ quả của việc chờ và di chuyển dài dẫn tới học sinh thường phải dậy sớm, ảnh hưởng đến sức khỏe và mức độ minh mẫn vào đầu giờ học. Rất nhiều phụ huynh sau khi cho con đi xe đầu năm đã dừng sử dụng xe tuyến vì vấn đề này.
Lịch trình đưa đón có thay đổi
Kể cả khi đã để con em sử dụng xe nhà trường, phụ huynh bố mẹ vẫn cần để ý và trông coi thêm vào khung thời gian chờ. Trên thực tế, phụ huynh cũng sẽ cân nhắc kết hợp đưa đón con tới điểm xe tuyến trên cùng cung đường đi làm. Đối với nhóm phụ huynh - học sinh này, giờ giấc đưa đón rất quan trọng.
Tuy nhiên, trên thực tế, do các vấn đề phức tạp về tình huống giao thông, cả nhà xe và nhà trường cũng gặp không ít tình huống sai lệch về lịch trình. Nếu xe chờ quá lâu, lại có thể ảnh hưởng đến các bạn đón trả kế tiếp. Nếu tình huống bỏ qua và báo phụ huynh, lại đưa phụ huynh vào tình huống khó xử trong ngày.
Chi phí xe tuyến cao và xu hướng tăng giá
Chi phí bình quân cho dịch vụ xe tuyến tại các đô thị vào khoảng từ 1,5 triệu cho đến 2,5 triệu đồng cho một học sinh hàng tháng, còn mức chi phí cho học sinh ở tỉnh có thể thấp hơn.
Bình quân, mức phí ở TP HCM cao hơn ở Hà Nội một phần do đặc thù quãng đường di chuyển hai vùng khác nhau. Nhà trường hầu hết chỉ tính một mức phí vừa đủ để cân đối thu chi và duy trì được hoạt động.
Dẫu sao, các phát sinh hàng năm mới như biến động số lượng học sinh đi xe, thay đổi nhà cung cấp, biến động xăng dầu, giá cả thay đổi, các giấy phép quy định đã làm nhà trường thêm phần việc và cũng chuẩn bị ứng phó với các vấn đề này. Điều đáng lo ngại là mức phí đi xe nếu không giữ nguyên thì thường có xu hướng tăng nhẹ hoặc một vài năm tăng rõ rệt một lần.
Mức phí xe tuyến thực sự là một vấn đề đáng kể đối với phụ huynh, đặc biệt nếu so sánh với tương quan học phí và các khoản phí khác. Nhiều phụ huynh sẽ cân nhắc so với chi phí áng chừng nếu sử dụng các phương tiện thay thế và có thể ở trong tình trạng cân nhắc vài lần trong học kỳ.
Vấn đề chi phí - số lượng học sinh lại trở thành bài toán "con gà - quả trứng" đối với nhiều trường học. Nhiều trường học còn có xu hướng cắt giảm phụ phí như giảm thuê ngoài cô giám sinh mà sử dụng kiêm giáo viên của nhà trường với mức chi trả thấp hơn.
Ghép thêm học sinh từ một vài tuyến lẻ thành một xe lớn. Điều này trực tiếp làm giảm độ tối ưu lộ trình và tăng sự bất tiện của một số nhóm học sinh. Thậm chí, việc nhà trường từ chối các học sinh không nằm trong lộ trình thuận tiện sẽ cũng không phải hiếm gặp.
Nguy cơ mất an toàn
Ngoài những người trực tiếp quản lý vận hành xe tuyến và những phụ huynh từng gặp vấn đề sự cố, không phải ai cũng tường tận các nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra trên xe, trên lộ trình và các yếu tố xung quanh.
Việc sử dụng cô giám sinh là cần thiết nếu biết rằng trẻ em là đối tượng nhỏ tuổi, chưa trưởng thành đầy đủ và luôn cần sự quan tâm chăm sóc. Học sinh đi xe có thể gặp các vấn đề về sức khỏe, ảnh hưởng giấc ngủ. Các cháu đi xe thường ở lứa tuổi đa dạng, có cả con trai và con gái.
Các cháu có thể gây ra các đùa nghịch, lời qua tiếng lại. Nặng hơn có thể là xúc phạm, khiêu khích, xâm hại tình dục. Tình huống có thể phát sinh nhiều hơn nếu trên xe còn có các học sinh nước ngoài không rành về ngôn ngữ tiếng Việt, lộ trình giao tiếp.
Những yếu tố thiếu chính xác về lộ trình, về chất lượng nhà xe, tuyến xe, tài xế và người giám sát cũng gây ra các nguy cơ khác có thể tiên đoán được. Bản chất của hoạt động xe tuyến học sinh là liên tục nhiều sự kiện liên quan đến nhiều người. Do vậy, cần luôn dõi theo và xử lý kịp thời các phát sinh này.
Hoạt động trẻ em
Như đã xảy ra, trẻ em là đối tượng cần giám sát và quan tâm đặc biệt. Ở lứa tuổi từ mầm non tới thiếu niên, các cháu chưa thể biết nhiều thứ, nhận biết còn tò mò hiếu động. Tai nạn thương tâm xảy ra không chỉ trên xe tuyến mà còn là đuối nước, điện giật... Nói thế để thấy việc chăm lo trẻ em không thể chểnh mảng vì chính đặc tính của chúng.
Sai sót của những người vận hành
Cộng đồng cần nhìn nhận đặc điểm của người tham gia vận hành xe tuyến. Nhà trường cố gắng cũng chỉ thu xếp được tối đa 1-2 người đảm nhận, đôi khi còn kiêm nhiệm công tác khác.
Đội ngũ cô giám sinh có nhiều người lớn tuổi. Vì thế, thao tác và xử lý sẽ có lúc chậm chạm, thiếu chính xác. Các bác lái xe, ngoài đặc thù nghề nghiệp, có thể vẫn còn kiêm nhiệm ca chạy dịch vụ khác... Với thực trạng như vậy, khó có thể nói một dịch vụ sẽ có thể duy trì mức độ chính xác xuyên suốt thời gian hoạt động.
Ý thức con người
Nếu bỏ qua các vấn đề thuộc về hành vi con người, chắc chắn trong toàn bộ việc vận hành xe nhà trường ở đô thị sẽ có một số ít người thiếu trách nhiệm, cẩu thả. Thông thường, ban quản lý trường học đều rất nghiêm khắc và không chấp nhận hành vi gian dối.
Rất nhiều trường có chế tài xử phạt từ đầu năm học, xử lý và thậm chí cho nghỉ ngay lập tức với cá nhân sai phạm. Đề cập như vậy để thấy tính chất phức tạp trong hiện tại đang có.
Chúng tôi muốn điểm lại đây các vấn đề thường trực của hoạt động xe tuyến nhà trường, ít nhất cũng mong muốn cộng đồng có cái nhìn đầy đủ, khách quan, quan tâm trong tâm thế đồng lòng giải quyết.
Vì phần lớn mỗi người trong gia đình có con trong độ tuổi đi học chưa hoặc đã từng sử dụng xe nhà trường, họ cũng mong muốn được gửi gắm con em mình vào một hoạt động cần làm bền vững, an toàn và luôn trở nên tốt đẹp hơn.
Hoàng Long - Lan Khanh