Thứ sáu, 3/8/2018, 03:31 (GMT+7)

Chi phí để doanh nghiệp lên 4.0 ngày càng giảm

Không những chi phí phần cứng giảm, các giải pháp nền tảng cho chuyển đổi số để lên 4.0 cũng dần phải chăng hơn với nhiều sản phẩm nội địa.

Những công nghệ mới về điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), mạng xã hội (Social Network), di động (Mobility), phân tích dữ liệu (Data Analytics), kết nối vạn vật (IoT) và gần đây là học máy (Machine Learning), công nghệ nhận thức (Cognitive), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain)... đã tạo ra một cuộc cách mạng trong việc xử lý và khai thác nguồn dữ liệu khổng lồ đang tăng lên cấp bội số nhân mỗi ngày.

Dữ liệu đang hình thành với tốc độ lũy thừa hai con số của 10. Nguồn: IDC

Dữ liệu đang hình thành với tốc độ lũy thừa hai con số của 10. Nguồn: IDC

"Trong kỷ nguyên số thì dữ liệu số chính là tài sản của doanh nghiệp. Dữ liệu số cũng chính là mấu chốt của hành trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo", ông Lâm Nguyễn Hải Long - Chủ tịch Hội Tin học TP HCM (HCA) nhận xét.

Nghiên cứu mới nhất của IDC cho biết, chuyển đổi số sẽ đóng góp khoảng 1,16 nghìn tỷ USD vào GDP của châu Á - Thái Bình Dương, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 0,8%. Năm 2017, khoảng 6% GDP của châu Á – Thái Bình Dương đến từ các sản phẩm và dịch vụ số, thông qua việc sử dụng các công nghệ số. IDC dự báo con số này sẽ tăng lên 60% GDP khu vực vào năm 2021. 

Cũng theo số liệu của IDC, khoảng 84% các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực đã và đang trong hành trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, chỉ khoảng 7% là các doanh nghiệp tiên phong, có chiến lược chuyển đổi số hoàn thiện. Một khảo sát khác từ nguồn IDG lại cho biết, 86% giám đốc điều hành doanh nghiệp khi được hỏi cho rằng chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh trong công ty mình.

Tại Việt Nam, chưa có số liệu chính thức về sự sẵn sàng chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Nhưng theo ghi nhận của HCA, trong những ngành có tỉ trọng xuất khẩu cao (ngành sợi, ngành gỗ, ngành may...), hay các ngành liên quan trực tiếp đến người tiêu dùng như bán lẻ, dược phẩm..., hầu hết các doanh nghiệp lcó nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin để cải thiện kinh doanh, lợi nhuận. 

Bảng giá trung bình  thiết bị phục vụ chuyển đổi số giảm dần qua thời gian. Nguồn: WEF

Bảng giá trung bình  thiết bị phục vụ chuyển đổi số giảm dần qua thời gian. Nguồn: WEF

Trong sự kiện VIO 2018 mới diễn ra gần đây, nhiều chuyên gia nhận xét, giá của các thiết bị thu thập dữ liệu và chấp hành đang giảm nhanh, tạo cơ hội đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Ví dụ, trước đây việc sử dụng cảm biến (sensor) đo lường dữ liệu vận hành của thiết bị trong dây chuyền sản xuất, phục vụ điều khiển và cung cấp thông tin cho hệ thống quản lý, có thể tốn hàng trăm nghìn đến triệu USD. Nhưng nay, việc đầu tư hệ thống tương tự chỉ tốn vài chục nghìn USD.

Không chỉ thế, các nền tảng, giải pháp và ứng dụng để phục vụ chuyển đổi số trong doanh nghiệp hiện khá phong phú, ngay cả với "hàng nội địa". Một số cái tên như VNPT, Sao Bắc Đẩu, Lạc Việt, MISA... là ví dụ. 

"Chúng tôi đã cung cấp ra thị trường nhiều giải pháp dịch vụ áp dụng các xu hướng công nghệ mới, trong đó hệ sinh thái hạ tầng số gồm 4 trụ cột: Hạ tầng kết nối số, Trung tâm dữ liệu và hạ tầng dịch vụ CNTT, Hạ tầng dữ liệu và Hạ tầng ứng dụng số”, ông Phạm Thế Trung - Phó giám đốc Trung tâm VNPT- IT khu vực 2 cho biết.

Trong khi đó, Sao Bắc Đẩu chọn hướng đi dùng thế mạnh vốn có là các nền tảng quản trị các nguồn lực doanh nghiệp kết hợp thêm với những nền tảng về thương mại điện tử, mang đến giải pháp tổng thể từ nguồn lực nội bộ doanh nghiệp đến những nền tảng tiếp cận khách hàng. 

[Caption]Giải pháp thiết 

Giải pháp robot giúp tự động hóa việc giao tiếp khách hàng của doanh nghiệp Việt.

Hai công nghệ "hot" là máy học và trí tuệ nhân tạo cũng được doanh nghiệp Việt tận dụng để phát triển sản phẩm mới. Nếu như Lạc Việt đã phát triển được các ứng dụng hỏi đáp tự động về pháp luật và sức khỏe thì MISA phát triển các phần mềm quản lý nhà hàng, cửa hàng, tài chính cá nhân. 

Năm ngoái, MISA đạt tổng doanh thu gần 678 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 60% so với năm 2016. Trong đó, các sản phẩm ứng dụng AI cũng góp động lực quan trọng, nhất là khi phần mềm quản lý nhà hàng của hãng đang rộng đường xuất khẩu. Đại diện Lạc Việt cũng tỏ ra lạc quan. "Các doanh nghiệp ICT khác đã sẵn sàng cung cấp giải pháp chuyển đổi số", Giám đốc Phát triển kinh doanh - Nguyễn Văn Thạnh tự tin nói.

Chuyên gia tư vấn về giải pháp công nghệ Phí Anh Tuấn cho biết, để chuyển đổi số (Digital Transformation) thì doanh nghiệp cần tiến hành chuyển đổi dữ liệu sang dạng số (Digitization) và chuyển đổi nghiệp vụ sang dạng số (Digitalization). 

"Digital Transformation là hiệu quả xuất hiện khi thực hiện Digitization và Digitalization. Không có Digitization thì không có Digitalization và dĩ nhiên là Digital Transformation nào cả", chuyên gia này nhận xét.

Viễn Thông

 

Chia sẻ bài viết qua email