Trong thập niên 1980, Bùi Cường vào miền Nam để tham gia loạt phim nức tiếng Biệt động Sài Gòn, kể về các chiến sĩ hoạt động bí mật trong lòng địch. Ông thủ vai Năm Hòa, một chiến sĩ mưu trí, gan dạ hoạt động dưới quyền Tư Chung - tư lệnh trưởng biệt đội Sài Gòn. Nhân vật được xây dựng theo hình ảnh chiến sĩ Năm Nè - người đi theo để cố vấn về quân sự cho đoàn phim. Bùi Cường lúc đầu cứ tưởng những lính biệt động ngoài đời trông rất lạnh lùng, dữ tợn. Tuy nhiên, khi tiếp xúc, nghệ sĩ thấy họ hỏm hỉnh, dễ gần và đậm chất Nam Bộ.
Ông từng chia sẻ nhiều kỷ niệm vui trong quá trình quay phim kéo dài đến bốn năm. Những lúc chưa quay, anh em trong đoàn thường đi nhậu nhưng không được để quá mập. Trên màn ảnh, nghệ sĩ diễn cảnh lái xe thành thạo nhưng thực ra điều khiển xe là một tài xế. Cảnh ông nhớ nhất là khi Năm Hòa leo cầu thang ở tòa đại sứ Mỹ rồi ném lựu đạn vào phòng. Lúc đấy, khói rất nhiều, cay mắt nhưng nam diễn viên vẫn cố chịu để có đúp quay trọn vẹn do đoàn phim không đủ điều kiện quay lại. "Lúc đó, tôi thấy mình như một chiến sĩ biệt động thực sự", ông nói.
Vai Quân trong Kẻ giết người (đạo diễn Hoài Linh) mang đến một chân dung khác của Bùi Cường. Nhân vật của ông là một trí thức Tây học, vừa về nhà sau chuyến công tác nước ngoài dài ngày. Biết tin chú mình - một giáo sư - sắp cưới một phụ nữ trẻ tuổi hơn, Quân tìm cách phản đối mối quan hệ này. Tạo hình bảnh bao và lối thoại nhẹ nhàng, mềm mỏng đúng kiểu trí thức giúp Bùi Cường thể hiện thành công vai diễn.
Tội lỗi cuối cùng (1980) là phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Trần Phương, kể về hành trình hoàn lương của cô gái giang hồ Hiền Cá Sấu (Phương Thanh đóng). Tác phẩm giành giải Bông Sen Bạc ở Liên hoan phim Việt Nam lần 5 năm 1980. Bùi Cường thủ vai giang hồ, nhận nhiệm vụ của tướng cướp Lê Vân (Trần Quang đóng) để sát hại Hiền khi cô muốn dứt bỏ băng đảng. Lúc này, nghệ sĩ 35 tuổi và xuất hiện với bộ dạng bặm trợn cùng mái tóc dài.
* Bùi Cường hóa thân cầu thủ trong "Phút 89"
Phút 89 do Quốc Long đạo diễn, là phim đầu tiên của Việt Nam về đề tài bóng đá, quy tụ diễn viên Trần Tiến, Thanh Quý, Bùi Cường cùng các cầu thủ của đội CNHNN (Công nghiệp Hà Nam Ninh) nổi danh một thời. Những hình ảnh của Nam Định 30 năm trước như Cầu Treo, sân Chùa Cuối, khách sạn Vị Hoàng được tái hiện chân thực. Bùi Cường hóa thân một cầu thủ bóng đá tên Trần Tuấn, có nhiều cảnh thi đấu trên sân. Ở phút 89 trận chung kết, nhân vật có đường chuyền giúp đồng đội ghi bàn quyết định, đem về danh hiệu cho đội nhà.
Không có đường chân trời (1986) là phim chiến tranh của đạo diễn Nguyễn Khánh Dư, dựa theo truyện ngắn Trại bảy chú lùn của Bảo Ninh. Câu chuyện xoay quanh hành trình của một nữ thanh niên xung phong tên Nga (Thanh Quý đóng) lạc vào rừng sâu và may mắn gặp một tiểu đội đang tăng gia. Bảy chiến sĩ này được giao nhiệm vụ bảo vệ kho lương thực ở mé rừng để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công miền nam. Họ có tính cách khác nhau nhưng đồng lòng vì cách mạng, bất chấp kẻ thù tuyên truyền ra đầu hàng. Nhân vật của Bùi Cường là một người lính giàu nội tâm, trầm lắng, có phong cách khác với lối diễn giàu năng lượng ở Làng Vũ Đại ngày ấy.
* Bùi Cường trong "Không có đường chân trời".
Ân Nguyễn