Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley hôm 17/9 nói rằng chiến dịch phản công quy mô lớn của Ukraine đang diễn ra chậm hơn nhiều so với dự kiến, thừa nhận hoạt động này đang tập trung vào những mục tiêu chiến thuật và chiến dịch hạn chế, khó tạo ra thay đổi lớn với cục diện chiến sự.
Một số quan chức Mỹ cũng từng chỉ trích quân đội Ukraine không làm chủ được phương thức tác chiến hiện đại, trong đó đề cao khả năng hiệp đồng giữa bộ binh cơ giới, pháo binh và phòng không, đồng thời đánh giá chiến thuật của Kiev hiện nay quá cẩn trọng và "ngại mạo hiểm".
Trong khi đó, các sĩ quan và chỉ huy chiến trường Ukraine cho rằng quân đội Mỹ chưa bao giờ trải qua những chiến dịch trong điều kiện như họ hiện nay, khi đối mặt với đối phương áp đảo về vũ khí và công nghệ mà không chiếm được ưu thế trên bầu trời.
"Hãy chỉ ra ít nhất một sĩ quan hoặc hạ sĩ quan lục quân Mỹ từng bắn ít nhất 5.000-7.000 phát đạn pháo M777", Viktor, chỉ huy một khẩu đội pháo binh Ukraine ở mặt trận miền đông, nói.
Dù vậy, nhiều quan chức Ukraine cũng thừa nhận thực tế rằng chiến dịch phản công sẽ diễn ra chậm chạp, khó giành lại lượng lớn lãnh thổ trong thời gian ngắn như các trận đánh tại tỉnh Kharkov và Kherson hồi cuối năm ngoái.
Ukraine hồi đầu tháng 6 phát động chiến dịch phản công quy mô lớn theo chiến thuật xung kích của NATO, trong đó mũi tiến công chính được triển khai từ thành phố Orikhiv thuộc tỉnh Zaporizhzhia. Tuy nhiên, Kiev hứng chịu tổn thất nặng trong tuần đầu, mất gần 20% xe thiết giáp do phương Tây viện trợ, khiến họ quyết định chuyển sang chiến thuật truyền thống, tổ chức các trận đánh nhỏ "chậm mà chắc" để hạn chế thương vong.
Động lực chính trong cuộc phản công của Ukraine hiện nay là các nhóm xung kích 8-10 người, được giao đánh chiếm từng chiến hào, vạt rừng và ngôi nhà. Phương án này giúp hạn chế thiệt hại do bãi mìn và không quân đối phương, nhưng khiến tốc độ tiến quân trở nên rất chậm chạp. Trong vòng 11 tuần chiến đấu ác liệt, các đơn vị Ukraine tiến được chưa đầy 15 km trên ba trục tác chiến thành công nhất.
"Phương thức đánh tiêu hao như vậy không tạo nên những dòng tít giật gân trên truyền thông, nhưng phù hợp với năng lực của Ukraine hiện nay", nhà phân tích quân sự Machael Kofman và Rob Lee nhận định.
Điều kiện chiến trường khó khăn khiến binh sĩ Ukraine không thể ứng dụng học thuyết tác chiến hiệp đồng binh chủng của NATO.
"Chúng tôi sẽ mất mạng nếu làm theo những gì được học ở phương Tây. Tôi từng huấn luyện với quân nhân Mỹ, Anh và Ba Lan. Họ có những lời khuyên tốt, nhưng cũng đưa ra nhiều hướng dẫn tồi tệ, trong đó có phương thức càn quét chiến hào. Tôi phải thốt lên rằng 'điều này sẽ làm tất cả chết chắc'", Suleman, chỉ huy đơn vị đặc nhiệm thuộc Trung đoàn Xung kích đường không số 78 Ukraine, cho hay.
Kofman và Lee chỉ ra rằng quân đội Ukraine thường chật vật với những trận đánh từ cấp trung đội trở lên, dù đây là một trong những điều kiện nhằm tận dụng lỗ hổng trong phòng tuyến Nga.
Giới phân tích cho rằng bài học rút ra từ chiến dịch phản công là các khóa huấn luyện binh sĩ Ukraine tại phương Tây, thường kéo dài khoảng 5 tuần, là quá ngắn. Chương trình đào tạo không phù hợp với năng lực của quân đội Ukraine, không tính đến mạng lưới công sự và bãi mìn dày đặc, cũng như sự hiện diện thường trực của máy bay không người lái (UAV) đối phương tại tiền tuyến.
Jack Watling và Nick Reynolds, chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định quân đội Ukraine cần được đào tạo chuyên sâu hơn, nhằm bảo đảm năng lực xây dựng kế hoạch tác chiến từ cấp trung đội đến lữ đoàn.
Một số chuyên gia phương Tây cũng đặt dấu hỏi về cách Ukraine triển khai những lực lượng dày dạn kinh nghiệm trong tác chiến. Nhiều quan chức Mỹ từng chỉ trích Kiev vì huy động quá nhiều đơn vị tinh nhuệ trong nỗ lực phòng thủ thành phố Bakhmut, để rồi cuối cùng phải rút khỏi khu vực này.
Công ty tư vấn Rochan Consulting có trụ sở tại Ba Lan nhận định chiến dịch phản công của Ukraine có thể đã giành được mục tiêu lớn hơn nếu sử dụng các đơn vị thiện chiến trang bị vũ khí NATO, thay vì điều động các lữ đoàn mới thành lập, với thành phần chủ yếu là tân binh được đào tạo vài tuần ở nước ngoài.
Các nhà phân tích cũng nhấn mạnh rằng quân đội Nga tiếp tục thích nghi với tình hình chiến trường và không ngừng điều chỉnh chiến thuật, trong đó bao gồm phân tán mạng lưới hậu cần, tận dụng tối đa lực lượng UAV và sử dụng nhiều biện pháp để đẩy lùi các mũi tấn công của đối phương.
Chiến lược hiện nay của Ukraine sẽ khiến nỗ lực phản công tiếp tục chậm chạp, trừ khi xảy ra đột biến như phòng tuyến Nga bất ngờ sụp đổ. Thành công của nó cũng phụ thuộc vào khả năng sản xuất, cung cấp đạn dược và khí tài từ phương Tây nhằm duy trì đà tiêu hao hiện nay.
"Sự kém hiểu biết về cách quân đội Ukraine chiến đấu và môi trường tác chiến thực tế có thể khiến các quan chức phương Tây đưa ra những kỳ vọng thái quá, lời khuyên sai lầm và chỉ trích không phù hợp", Kofman và Lee cảnh báo.
Vũ Anh (Theo Financial Times)