Ivan, chỉ huy một phi đoàn Su-35S Nga đang tham chiến tại Ukraine, cho biết ngày 12/12 rằng trong một số lần chạm trán, tiêm kích Ukraine không tấn công máy bay Nga mà tìm cách rút lui.
"Khi chứng kiến sự cơ động của chiến đấu cơ Nga, phi công đối phương từ chối thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, quay đầu và rút về căn cứ. Họ chủ động tránh mặt chúng tôi", Ivan cho biết trong video được Bộ Quốc phòng Nga công bố.
Su-35S là tiêm kích thế hệ 4++ của Nga, có khả năng cơ động cao và được sơn vật liệu giảm tiết diện phản xạ radar. Tiêm kích được trang bị nhiều thiết bị điện tử hiện đại, trong đó radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA) N035 Irbis-E cho phép bám bắt 30 mục tiêu ở khoảng cách 400 km và khai hỏa tiêu diệt 8 mục tiêu cùng lúc.
Chỉ huy Ivan trả lời phỏng vấn trong video đăng ngày 12/12. Video: Bộ Quốc phòng Nga
Không quân Nga bắt đầu biên chế dòng Su-35S từ năm 2013, đang vận hành 103 chiếc và đặt mua thêm 29 máy bay. Su-35S là một trong các tiêm kích chủ lực hiện đại nhất của quân đội Nga hiện nay, chỉ sau dòng chiến đấu cơ tàng hình Su-57.
Tư lệnh không quân Ukraine Mykola Oleshchuk hồi tháng 8 thừa nhận tiêm kích trong biên chế Ukraine có tính năng thua kém đáng kể so với Su-35S, khiến họ không thể bắn trả đối phương trong giao tranh.
"Radar trên Su-35S có tầm hoạt động 400 km, trong khi máy bay của chúng tôi chỉ quan sát được khoảng 80-90 km. Tầm bắn tên lửa của họ lên tới 200 km, trong khi MiG-29 và Su-27 Ukraine chỉ có thể chặn mục tiêu ở khoảng cách 20-40 km. Điều đó có nghĩa là chiến đấu cơ Ukraine luôn nằm trong tầm bắn của Su-35S ngay khi cất cánh", ông nói.
Báo cáo tháng 11 năm ngoái của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) cho biết chiến đấu cơ Nga duy trì được "hiệu quả và mức sát thương cao" khi đối đầu với máy bay Ukraine ở gần tiền tuyến, đặc biệt là tiêm kích Su-35S trang bị tên lửa không đối không R-77-1.
Theo Ashish Dangwal, biên tập viên của Eurasian Times, chiến đấu cơ Ukraine thường hoạt động ở độ cao rất thấp để tránh tên lửa từ tiêm kích Nga. "Khi bị nhắm mục tiêu, phi công Ukraine sẽ hủy nhiệm vụ ngay lập tức để có thể sống sót", Dangwal cho biết.
Giới chức Ukraine cho rằng chiến đấu cơ phương Tây, trong đó có tiêm kích F-16 mà Ukraine sắp được chuyển giao, có thể đối phó hiệu quả với máy bay Su-35S. Tuy nhiên, phi đoàn trưởng Ivan khẳng định F-16 sẽ không khiến phi công Nga "sợ hãi".
![Tiêm kích Su-35 tác chiến ở Ukraine tháng 6/2022. Ảnh: RIA Novosti](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/12/13/Anh-8763-1702459083.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LQVMUpYvYbivjiMuXU3-VA)
Tiêm kích Su-35 tác chiến ở Ukraine tháng 6/2022. Ảnh: RIA Novosti
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tháng trước tuyên bố quân đội Nga chỉ cần 20 ngày để hạ toàn bộ tiêm kích F-16 mà phương Tây cam kết chuyển giao cho Kiev. Chuyên gia quân sự Nga Anatoly Matviychuk hồi đầu tháng nhận định tất cả chiến đấu cơ trong biên chế nước này đều có thể chống lại tiêm kích F-16, xét cả trên khía cạnh tốc độ và vũ khí.
"Chiến đấu cơ Su-57 của Nga không những có thể đối đầu với F-16, mà còn cả F-22 và F-35", ông nói thêm.
Theo truyền thông phương Tây, phi công Ukraine "đang chạy đua với thời gian" để hoàn thành khóa huấn luyện tiêm kích F-16, trong bối cảnh một số nước chuẩn bị chuyển giao cho Kiev chiến đấu cơ này.
Đan Mạch đã cam kết cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine, lô đầu gồm 6 chiếc được bàn giao trong năm nay, 8 chiếc tiếp theo vào năm 2024 và 5 chiếc vào năm 2025. Giới chức Bỉ hồi tháng 10 cho biết nước này sẽ chuyển F-16 cho Ukraine, song không nêu số lượng cụ thể và nhận định tốc độ sẽ phụ thuộc vào quá trình Brussels thay thế mẫu máy bay này bằng tiêm kích tàng hình F-35.
Một số quan chức Mỹ nhận định tiêm kích F-16 sẽ "ít hữu ích" cho Ukraine trong chiến dịch phản công hiện tại, do thách thức từ các tổ hợp phòng không mà Nga đã triển khai. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 29/11 cũng cho rằng máy bay F-16 không phải "viên đạn bạc" và sẽ không giúp Ukraine thay đổi cục diện chiến sự.
Phạm Giang (Theo RIA Novosti, Eurasian Times)