"Chúng tôi đã hộ tống 79 tàu hàng và không phương tiện nào trong số này hư hại", chuẩn đô đốc Vasileios Gryparis, chỉ huy Chiến dịch Lực lượng Hải quân Liên minh châu Âu (EU) Aspides, ngày 16/4 cho biết. "Do lượng vận chuyển giảm hơn 50%, chúng tôi có thể hộ tống bất cứ con tàu nào yêu cầu bảo vệ".
Theo ông Gryparis, các chiến hạm của EU phải vượt qua quãng đường rất dài để tới khu vực Biển Đỏ. "Với số lượng chiến hạm hiện có, chúng tôi không thể tăng số lượng tàu được bảo vệ", chuẩn đô đốc Gryparis nhận định.
Lực lượng Houthi tại Yemen bắt đầu tập kích tàu hàng đi qua Biển Đỏ bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào tháng 11/2023. Houthi tuyên bố đây là hành động nhằm thể hiện đoàn kết với người dân ở Dải Gaza, nơi Israel mở chiến dịch quân sự đáp trả vụ tấn công hồi đầu tháng 10/2023 của Hamas.
EU ngày 19/2 thông báo mở chiến dịch hộ tống tàu hàng đi qua Biển Đỏ, lực lượng tham gia không tập kích vào lãnh thổ Yemen. Một quan chức EU khi đó cho biết sẽ có ít nhất 4 chiến hạm tham gia sứ mệnh. Bỉ, Đức, Italy và Pháp đều xác nhận đóng góp chiến hạm cho chiến dịch.
Mỹ tháng 12/2023 lập liên minh quốc tế với 20 thành viên làm nhiệm vụ chặn các đợt tập kích tàu hàng trên Biển Đỏ của Houthi. Quân đội Mỹ và Anh nhiều lần tấn công vị trí Houthi triển khai hoặc tập kết vũ khí chống hạm và UAV, song chưa ngăn được lực lượng này tập kích tàu hàng.
Bộ Quốc phòng Mỹ tháng 3 cho biết Houthi đã tấn công tàu hàng và chiến hạm ngoài khơi Yemen ít nhất 50 lần. Nhiều công ty vận tải ngừng cho tàu hàng đi qua Biển Đỏ và chuyển sang tuyến đường vòng qua Mũi Hảo Vọng ở phía nam châu Phi, với quãng đường dài hơn và chi phí cao hơn.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)