"Tôi 'chơi' khoảng 6 tháng nay. Ban đầu, thấy bạn bè có một số củ sạc và pin khá đẹp, hầm hố, có màn hình hiển thị nên bắt đầu tìm hiểu", anh Tú, làm trong lĩnh vực y tế, cho hay.
Anh ban đầu chỉ định mua một vài mẫu pin và cáp để bày tại bàn làm việc. Tuy nhiên, càng tìm hiểu, anh càng cảm thấy mê món phụ kiện này, nhất là các thiết bị có màu vàng vì "hợp phong thủy".
Anh Tú cho biết thường mua vài mẫu sạc mỗi tuần, với nhiều chủng loại từ mẫu đeo trên balo đến trạm sạc hơn 10 kg, loại có màn hình hiển thị thông số, tùy biến hình ảnh, thiết kế hoài cổ.
"Càng tìm hiểu sâu, nhất là khi tham gia một số nhóm Facebook, tôi càng bị hấp dẫn trước các món đồ độc lạ", anh kể. "Hiện tôi có khoảng 60 mẫu sạc, pin dự phòng cùng hàng chục dây nối các loại. Tôi không nhớ rõ giá, nhưng tổng cũng tương đương xe Honda SH, tức khoảng 100 triệu đồng".
Anh Nhật Vượng (Hà Nội) cũng dần bị "nghiện" khi tìm hiểu pin dự phòng trong một nhóm Facebook. "Khi lướt mạng xã hội, YouTube, tôi thấy một số video nói về pin thông số khủng, công suất lớn, có thể sạc được laptop, lại có thiết kế lạ nên bắt đầu tìm hiểu", anh nói.
Càng tìm hiểu sâu, anh cho biết càng thích sưu tầm thay vì chỉ mua để sử dụng như mục đích ban đầu. "Mỗi khi mệt mỏi, chỉ cần ngắm chúng hoặc 'vọc vạch' một chút, đầu óc thư giãn hơn rất nhiều", anh cho hay. "Tôi thậm chí cắm cho chúng tự sạc với nhau như một cách giải trí".
Hiện anh sở hữu khoảng 40 mẫu, gồm pin dự phòng và sạc cắm vào nguồn điện của các thương hiệu như Pisen, Anker, Sharge, Cuktech, Aohi, Divoom, Ugreen, Trozk cùng hàng chục sợi cáp với tổng số tiền hơn 50 triệu đồng. "Tôi bị bố mẹ mắng vì tiêu xài hoang phí. Nhưng cũng như nhiều loại hình khác như điện thoại cổ, đồng hồ, cây cảnh, chúng giúp tôi thoải mái tinh thần và làm việc tốt hơn".
Theo quản trị viên một nhóm "nghiện sạc" với hơn 50.000 thành viên Facebook, mỗi ngày có khoảng 20-30 bài viết từ người dùng, chủ yếu tham khảo các mẫu cáp sạc, chia sẻ kinh nghiệm sử dụng, trao đổi các mẫu hiếm, sản xuất giới hạn.
Hoàng Sang, chuyên kinh doanh phụ kiện tại TP HCM, cho biết so với những năm trước, sạc có dây, pin dự phòng đã đa dạng mẫu mã hơn. Không chỉ bó gọn trong kích thước chữ nhật truyền thống, sạc giờ đây có nhiều hình thù như trụ vuông, robot, trong suốt, thậm chí có thể "biến hình". Chúng cũng tích hợp màn hình hiển thị nhiều thông số sạc, có thể cả hình nền của mình lên đó.
Độ hoàn thiện của chúng cao hơn trước nhờ thân được làm bằng kim loại hoặc nhựa cao cấp, được hỗ trợ các chuẩn công nghệ sạc mới nhất. "Điểm khiến người dùng cân nhắc có lẽ chỉ là giá cao hơn mặt bằng chung", anh Sang nhận định.
Theo anh, các mẫu sạc chất lượng tốt thường trên 500.000 đồng. Chẳng hạn, một mẫu pin dự phòng 10.000 mAh công suất 100 W từ thương hiệu Cuktech giá từ 700.000 đồng, hay mẫu cao cấp của Shargeek hơn 5 triệu đồng. Các sạc cắm dây như Anker Prime 250W GaN gần 4,3 triệu đồng, hoặc cao hơn là trạm sạc từ 10 triệu đồng.
Dù giá cao, anh Sang cho biết vẫn có lượng khách hàng ổn định từ giữa năm nay, khi trào lưu "chơi pin sạc" bắt đầu phát triển. "Mỗi ngày, tôi bán được vài chục sản phẩm từ cả kênh online và offline, chủ yếu pin dự phòng có màn hình và công suất lớn, tầm giá 1-3 triệu đồng", anh tiết lộ.
Bên cạnh mua sạc cáp, một số người cũng tìm cách "chế" các loại tương tự với giá rẻ hơn. "Thay vì mua cả bộ sạc giá cao, tôi chỉ mua mạch điện và pin riêng lẻ về lắp ráp với chi phí giảm gần một nửa", Anh Đức (TP HCM) cho biết. "Việc lắp ráp không quá khó nhưng cũng cần tìm hiểu một chút về kỹ thuật, nhưng chủ yếu là niềm vui 'vọc vạch' giải trí sau một ngày làm việc".
Theo bà Juvy Nguyen, Giám đốc Pisen Việt Nam, xu hướng "chơi" pin, sạc bùng nổ vào giai đoạn hậu Covid-19. "Sau thời gian dài làm tại nhà, nhu cầu sử dụng sản phẩm sạc pin tăng cao. Người dùng dần chú ý hơn đến các mẫu cáp sạc có thiết kế đặc biệt, vừa đảm bảo thẩm mỹ vừa nâng trải nghiệm sử dụng", bà Juvy nói.
Bên cạnh chất lượng, bà Juvy đánh giá thiết kế và tính năng đặc biệt là hai điểm mấu chốt thu hút khách hàng. "Hiện nhiều thương hiệu đầu tư mạnh vào cải tiến bao bì, xây dựng hình ảnh mới lạ, nâng cấp tính năng sạc nhanh, bền bỉ, đa năng để đáp ứng thị hiếu của người dùng", bà nhấn mạnh.
Dù vậy, thú chơi này được đánh giá dễ "cả thèm chóng chán". Anh Hoàng Hải (Đà Nẵng) cho biết đã chi gần 30 triệu đồng mua pin dự phòng sau gần ba tháng. Nhưng tuần trước, anh quyết định bán toàn bộ với giá bằng một nửa, chỉ giữ lại một vài mẫu vì "không thú vị như đã tưởng".
"Theo trải nghiệm bản thân, chúng chỉ có ngoại hình khác một chút, còn tính năng na ná nhau. Những thiết bị này cũng không có giá trị sưu tầm, thay vào đó chỉ như một món đồ chơi công nghệ", anh Hải cho biết.
Anh Nhật Hiền, người từng kinh doanh phụ kiện công nghệ tại TP HCM, khuyến cáo việc bảo quản, nhất là pin dự phòng, là vấn đề cần lưu ý bởi pin có thể bị phồng gây nguy cơ cháy nổ nếu sử dụng lâu. Nếu tự "chế" thiết bị, người chơi nên mua linh kiện rõ nguồn gốc để tránh các sự cố đáng tiếc.
"Tương tự trào lưu về phụ kiện như ốp lưng, pin dự phòng trong suốt trước đây, trào lưu về pin sạc có thể là nhất thời và chóng tàn", anh Hiền nói. "Khi mua, cần xác định tâm lý, bởi phụ kiện dạng này khó bảo quản lâu dài, nhất là khi chúng chứa pin lithium-ion".
Đại diện Pisen cũng khuyến cáo về nguy cơ khi dùng sản phẩm không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, cần bảo quản cáp sạc ở nơi khô ráo, tránh nhiệt độ quá cao hoặc môi trường ẩm ướt để tăng tuổi thọ cho sản phẩm.
Bảo Lâm
- Anker thu hồi pin dự phòng vì nguy cơ cháy nổ
- Rủi ro khi tự chế sạc dự phòng
- Sạc dự phòng trong suốt giá 5,2 triệu đồng