Tôi đã nuôi chị hơn một năm nay. Chị từng xin vào làm ở một công ty mỹ phẩm, vị trí chăm sóc khách hàng, lương 10 triệu đồng, làm được một tháng là nghỉ tạm thời do dịch bùng phát hồi tháng năm năm ngoái. Đến tháng 10 năm ngoái được đi làm lại mà chị không chịu, không thích công việc đó vì bị viêm dây thanh quản. Tôi cũng không muốn chị làm công việc này.
Chị biết tiếng Anh nên muốn học thêm nghiệp vụ khác để xin ở lĩnh vực mới. Chị cũng có tuổi, lại học ngành khó xin việc, ba năm ra trường (chị học muộn) cũng không học thêm kỹ năng gì khác nên tôi khuyên chị tìm hiểu thêm về bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Tôi sẽ bỏ vốn tầm 10-15 triệu đồng để chị nhập hàng bán, còn phần bán hàng chị cần tự mày mò tìm hiểu. Chị không chịu, kêu sẽ học cho xong rồi đi kiếm việc. Trong khi chị học nửa năm rồi vẫn chưa xong, cũng chẳng chăm chỉ mấy. Tôi hỏi về công việc chị lại tự ái, mặt bí xị.
Tôi bảo chị lớn rồi, phải có trách nhiệm nuôi thân, tôi chỉ có thể giúp đỡ, tạo điều kiện chứ không có nghĩa vụ nuôi chị. Vậy mà chị vẫn cứ lười biếng, ngày càng tệ. Chị thất nghiệp, xấu hổ, không dám nói với gia đình, chỉ có tôi biết. Cũng vì vậy ba mẹ tưởng hai chị em cùng đi làm chắc dư giả chút nên hay nói tôi gửi thêm tiền. Tết tôi đã gửi 20 triệu đồng về cho ông bà tiêu, đến đầu tháng chín mẹ muốn tôi chi tiền cho ba mẹ về ngoại, dự kiến cũng phải 40-50 triệu đồng. Thật sự tôi chắt bóp từng chút một, có ít vốn sẽ tự kinh doanh, kiếm thêm. Công việc tôi cũng rất áp lực, tài chính chưa quá dư giả.
Giờ tôi phải nuôi cả chị gái, gửi tiền thường xuyên về cho ba mẹ, rất áp lực. Nếu không gửi, ba mẹ sẽ cho rằng tôi có tiền mà không nghĩ đến cha mẹ. Tôi muốn chị tự kiếm tiền nuôi thân, phải có trách nhiệm với bản thân, không thể cứ ỷ lại vào tôi được nữa. Tôi rất sợ tiếp tục như này thì mình phải nuôi chị cả đời. Bình thường chị tôi suy nghĩ tiêu cực, hay tự ái, luôn có suy nghĩ đổ lỗi cho người khác và hay ỷ lại. Tôi không tạo áp lực gì nên chị phớt lờ và lười biếng hơn nữa. Ngay cả việc họ hàng mới đi ăn cưới, tôi cũng phải bỏ tiền ra thay chị, tiền gửi tết cho ba mẹ cũng vậy, chị biết nhưng cũng làm lơ. Giờ tôi thật sự rất mệt mỏi, muốn chị tỉnh táo lên mà sống có trách nhiệm. Tôi phải làm sao đây?
Ngọc
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc