Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (Tuổi Trẻ)
- Vào WTO, VN sẽ được gì và phải đối mặt với những khó khăn nào?- Khi chưa là thành viên, mức thuế cho một mặt hàng VN xuất khẩu có thể tới 30-40%, khi là thành viên mức thuế này có thể hạ xuống còn 5%, điều này giúp hàng hóa VN có thể tiếp cận dễ dàng hơn với nhiều thị trường xuất khẩu. Khi gia nhập tổ chức này, chúng ta sẽ phải thực thi tất cả cam kết với các thành viên WTO, điều này đồng nghĩa với việc cải cách bộ máy hành chính trong nước.
Đây rõ ràng là một sân chơi mà ở đó các doanh nghiệp đều được đối xử bình đẳng. Doanh nghiệp nào, mặt hàng nào có năng lực cạnh tranh cao nhất thì có thể tiếp cận với thị trường, thúc đẩy, kích thích khả năng cạnh tranh lành mạnh. Mặt khác, việc gia nhập tổ chức này nâng cao tính pháp lý của VN trên trường quốc tế. Hiện nay do chưa là thành viên nên khi bị kiện trong các tranh chấp với nước ngoài doanh nghiệp VN vẫn phải chịu áp những luật của nước ngoài có phần thiệt thòi.
Nhưng bên cạnh cơ hội thì cũng có những thách thức. Ví dụ như, mình vào được thị trường của họ thì mình cũng phải mở cửa thị trường để họ vào thị trường của mình. Thương mại thế giới luôn luôn là con đường hai chiều. Tôi mở cửa cho anh được lợi cái này thì anh cũng phải mở để tôi được lợi cái kia. Lúc này thị trường VN không phải là thị trường chỉ của riêng các doanh nghiệp VN nữa. Những lĩnh vực mà xưa nay độc quyền sẽ phải mở ra như viễn thông, điện lực, ngân hàng..., các hệ thống bán lẻ lớn của thế giới cũng sẽ nhảy vào thị trường VN...
- Trong thời gian sắp tới trước khi chính thức gia nhập WTO, chúng ta còn nhiều việc phải làm không, thưa ông?
- Chúng ta phải tiếp tục đàm phán đa phương ở Geneva để tổ công tác WTO chấp nhận rằng VN đã thực hiện đúng mọi cam kết. Mọi việc phải tiến hành nhanh chóng và cấp bách để chuẩn bị tháng sáu này có thể ký kết với bộ trưởng thương mại Mỹ nhân Hội nghị bộ trưởng thương mại APEC tổ chức tại TP HCM.
Sau đó là việc hoàn thành các thủ tục ký kết ở tổ công tác của WTO. Hoàn tất thủ tục để trình lên hội nghị các bộ trưởng WTO. Khi đã hoàn thành các công đoạn cũng là chúng ta hoàn tất thủ tục để gia nhập WTO.
- Tiến sĩ nhận định thế nào về mức thời gian "12 năm là nền kinh tế phi thị trường"?
- Trung Quốc là nền kinh tế lớn mà Mỹ còn chấp nhận thời hạn đối xử như một nền kinh tế phi thị trường áp dụng 15 năm. VN là nền kinh tế nhỏ, cải cách chậm hơn Trung Quốc mà Mỹ chấp nhận là 12 năm, có thể coi đó là thắng lợi của VN.
Trong khoảng thời gian này VN phải hoàn thiện các thể chế kinh tế thị trường, cải cách, thường xuyên hợp tác và chứng minh với Mỹ là chúng ta thật sự là một nền kinh tế thị trường. Việc công nhận VN là nền kinh tế thị trường không phải chỉ nhìn nhận trên lĩnh vực kinh tế mà còn ở những lĩnh vực khác.
- Theo tiến sĩ, sau khi gia nhập WTO, những ngành nào sẽ gặp khó khăn?
- Theo tôi, đó là các ngành hiện nay có năng lực cạnh tranh thấp như dịch vụ, nông nghiệp, thép, ôtô... Cách tốt nhất giống như Trung Quốc đã làm là công bố tất cả điều kiện cạnh tranh cho các doanh nghiệp ngành này thật sớm để họ có thể chuẩn bị khi thị trường chính thức mở cửa.
Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, 19 ngành hàng mà các nhà nghiên cứu nước ngoài cho rằng sẽ sập tiệm như thép, ôtô, xe máy, nông nghiệp... thật sự đã không có sự sập tiệm lớn như thế.
Vì vậy doanh nghiệp VN cũng cố gắng học tập kinh nghiệm doanh nghiệp Trung Quốc, đẩy mạnh công cuộc cải cách và thật sự cầu thị. Cũng phải nói việc không thể tránh khỏi là một số doanh nghiệp năng lực cạnh tranh thấp, kém hiệu quả sẽ không tồn tại được trong quá trình này. Vì vậy Nhà nước phải có chương trình an sinh xã hội để nếu doanh nghiệp không may bị phá sản thì những người lao động có thể nhận trợ giúp tìm kiếm việc làm hoặc đào tạo lại.
- Bài học có thể học được từ Trung Quốc khi là thành viên WTO là gì?
- Trung Quốc đã thông báo rất kỹ cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh việc cải cách, cải tiến khâu tín dụng, cải cách rất nhiều kết cấu hạ tầng, tạo rất nhiều điều kiện cho doanh nghiệp, cải cách các thủ tục. Chính vì thực hiện được những điều này nên các ngành tưởng là sẽ chết đã có đầu tư chuyển mạnh sang các thị trường ngách có phần thuận lợi cho họ. Chẳng hạn ngành ôtô, họ tập trung sản xuất các chủng loại ôtô giá rẻ và cạnh tranh được với các đối thủ khác, nhường thị trường ôtô giá cao cho các hãng nước ngoài.
- Liệu sau khi gia nhập WTO các nhà đầu tư nước ngoài sẽ ồ ạt vào VN?
- Hoàn toàn không đúng. Việc hội nhập sẽ được thực hiện theo lộ trình mà chúng ta đã cam kết. Chẳng hạn với viễn thông đến khi nào sẽ mở cửa hội nhập cho họ vào đầu tư, ngân hàng, tài chính sẽ là khi nào... Điều đó cũng không có nghĩa là chúng ta sẽ bội thực các nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư sẽ trông giỏ bỏ thóc, nếu nhìn thấy làm được họ sẽ tiếp tục đầu tư.
Vào WTO là một trong những nhân tố kích thích chúng ta cải thiện môi trường và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút thêm nhà đầu tư chứ không phải là yếu tố duy nhất và quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất là chúng ta vẫn phải tiếp tục cải cách và cải thiện môi trường kinh doanh. Thời gian chuẩn bị, tập dượt vẫn còn nhưng không nhiều.
Tuy nhiên như người ta đã nói “đối với người đã bắt đầu thì không bao giờ là muộn”, chỉ sợ anh không muốn bắt đầu thôi. Với tinh thần của Đại hội X là đẩy mạnh cải cách toàn diện, nay lại có thêm thuận lợi vào WTO, tôi thấy đây là tín hiệu thuận lợi cho VN trong quá trình hội nhập và phát triển.
(Theo Tuổi Trẻ)