Sáng 9/2, đại diện CGV - đơn vị phát hành - cho biết phim đạt 101 tỷ đồng sau 16 ngày phát hành. Tác phẩm là phim Việt thứ hai cán mốc này trong năm, sau Nhà bà Nữ (Trấn Thành đạo diễn và đồng sản xuất, hiện hơn 400 tỷ đồng).
Ông Will Vũ - đại diện nhà sản xuất - nói kỳ vọng doanh thu phim tiếp tục tăng trưởng trong mùa Valentine. Sắp tới, đơn vị lên kế hoạch phát hành quốc tế, mở đầu tại Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Sau khoảng ba tháng ra rạp, phim sẽ phát hành trực tuyến.
Mùa Tết Quý Mão, Chị chị em em 2 (Vũ Ngọc Đãng đạo diễn) là một trong hai phim Việt hiếm hoi góp mặt vào đường đua. Dù vậy, hai tác phẩm chiếm doanh thu chủ đạo - hơn 88%, góp phần vực dậy phòng vé, phần còn lại là sáu phim ngoại như Mèo béo siêu đẳng (14 tỷ), M3gan (11 tỷ), Mae Nak Hồi Sinh (5 tỷ)...
Lấy bối cảnh Sài Gòn đầu thế kỷ 20, phim mượn cảm hứng giai thoại của hai mỹ nhân xưa - Ba Trà (Trần Ngọc Trà) và Tư Nhị (Marianne Nhị). Kịch bản xoáy sâu vào quá trình trở thành đệ nhất mỹ nhân của Tư Nhị (Ngọc Trinh đóng) và câu chuyện tranh quyền đoạt vị. Cô vốn là thiếu nữ xuất thân nghèo khổ. Để kiếm tiền cho mẹ chữa bệnh, cô bán thân vào nhà thổ, nung nấu mong muốn thoát cảnh cơ hàn. Tình cờ chạm mặt Ba Trà (Minh Hằng đóng), cô ngưỡng mộ và quyết tâm bước vào giới thượng lưu. Tư Nhị lên kế hoạch lừa gạt để được đàn chị dạy cách "trở thành mỹ nhân hạng nhất".
Phim mắc nhiều lỗi về kịch bản, cách triển khai tâm lý nhân vật. Ba Trà được miêu tả là nhân vật mưu trí hơn người, biết cách thao túng giới ký giả để vượt mặt nhiều mỹ nhân trẻ, từ đó giữ vững ngôi đầu. Dù vậy, cô liên tiếp bị Tư Nhị dàn cảnh, đẩy vào các tình huống ngặt nghèo rồi cứu giúp để lấy lòng tin. Thông điệp phim mờ nhạt, không nhất quán. Nhân vật Tư Nhị muốn thoát khỏi thân phận gái làng chơi, nhưng để bước vào giới thượng lưu, cô sẵn sàng sử dụng cơ thể làm công cụ tiến thân.
Chị chị em em 2 bị nhận xét lạm dụng yếu tố 18+. Đầu phim, Ngọc Trinh có cảnh tự dội nước lên cơ thể, quần áo dính chặt làm lộ vòng một. Nhiều khán giả đánh giá cảnh "nóng" này thừa thãi. Khâu trang phục cũng là điểm trừ của tác phẩm. Nhà thiết kế Nguyễn Minh Công nhận xét các bộ váy áo cách tân của hai nhân vật chính sai lệch bối cảnh đầu thế kỷ 20. Anh cho rằng thời kỳ này, giới quý tộc Sài Gòn chủ yếu chịu ảnh hưởng từ phương Tây, mặc giống Pháp nên khó thể có các bộ đầm dài, trong suốt như phim.
Mai Nhật