"Con tôi đi học thêm Toán, Ngữ văn, tiếng Anh từ lớp 6 đến lớp 9, mỗi năm tốn tới 30 triệu đồng, cao gấp nhiều lần học phí.
Tại sao gia đình tôi phải mất chi phí vô lý như thế chỉ vì mong con vượt qua được kỳ thi vào lớp 10?
Nguyên nhân xuất phát từ việc phân biệt 'trường điểm' với 'trường bình thường' một cách khó hiểu. Tại sao cùng một nguồn ngân sách nhà nước cấp, cùng một bộ máy quản lý, cùng một mức học phí mà học sinh đóng, mà lại không tìm cách chia sẻ và nâng cao chất lượng dạy - học từ trường cao sang trường thấp để tất cả học sinh cùng được hưởng chất lượng giáo dục tương đương nhau?
Đúng là có một số trường trước đây được đầu tư nhiều cơ sở vật chất, thu hút nhiều giáo viên giỏi và sàng lọc học sinh rồi giành được các giải thưởng, hay tỷ lệ đỗ đại học cao...
Tuy nhiên đã là trường công lập thì cần đặt mục tiêu đầu tiên là công bằng. Các Sở Giáo dục cần thực hiện việc điều chuyển giáo viên, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nâng cao cơ sở vật chất để những trường trước đây chưa được quan tâm thì nhận được nhiều hơn.
Có như vậy mới nâng cao chất lượng dạy học, học sinh được có cơ hội tiếp cận giáo dục tương tự nhau. Chuyện sau này thành công hay thất bại là do bản thân của mỗi người.
Chứ hiện nay với kiểu phân biệt trường điểm và trường thường như thế này, cha mẹ nào chẳng muốn cho con mình có điểm xuất phát tốt hơn con người khác?
Vậy là một cuộc chạy đua thiệt hại về kinh tế, công sức mà chỉ làm giàu cho những người dạy thêm, luyện thi vào lớp 10 mà thôi".
Độc giả Trần Huy đặt vấn đề như trên, sau khi nhận thấy phụ huynh tốn kém, học sinh áp lực thi tuyển vào lớp 10 còn hơn cả vào đại học.
*Bạn có đồng ý quan điểm trên? Gửi bài tại đây.
Thành Đô tổng hợp
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.