Người đồng nghiệp có tên Im Gwang-Soo, 40 tuổi, đang xa gia đình và hai con nhỏ, làm nghề giao hàng nhanh ở thủ đô Seoul.
"Việc xảy ra không phải vì Im Gwang-Soo sức khỏe kém", Lee Seong Wook nói. "Chúng tôi đã sống cùng nhau 6 tháng. Chỉ vài ngày trước anh ấy còn vỗ vai tôi, nói: ‘Làm việc vất vả phải không? Cố lên, chúng ta có thể làm được’, nhưng anh ấy đã ngã trước".
Trước kia, giao hàng nhanh đã được mệnh danh là công việc "vắt sức". Trong thời Covid-19, nhu cầu mua sắm trực tuyến bùng nổ đã ngốn nốt chút thời gian ít ỏi còn lại của người làm nghề này.
Liên minh chuyển phát nhanh Hàn Quốc cho biết, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, đã có 21 người giao hàng thiệt mạng do làm việc quá sức.
Từ lâu, Hàn Quốc đã đứng đầu các nước phát triển về số giờ làm việc. Nước này có thuật ngữ "Kwarosa" để chỉ hiện tượng đột tử vì làm việc quá sức. Năm 2018, Tổng thống Moon Jae-in đã giảm số giờ làm việc tối đa hàng tuần từ 68 giờ xuống 52 giờ để đảm bảo "cân bằng giữa công việc và cuộc sống" và "quyền được nghỉ ngơi", nhưng những người giao hàng bị loại khỏi thỏa thuận.
Ngành logistics phát triển đến mức người dân nước này gọi đùa đây là "cường quốc giao hàng". Những bữa ăn được giao đến mọi nơi trong vòng chưa đến một giờ, giá khởi điểm chỉ từ 8 USD.
Nhu cầu khổng lồ đã giúp Coupang, một công ty thương mại điện tử, lớn nhanh như thổi. Trong vài năm, công ty này đã vươn lên thành "Amazon của Hàn Quốc" với mạng lưới kho hàng khổng lồ, 37.000 nhân công, một đội xe và hệ thống điều phối bằng trí tuệ nhân tạo (AI).
Năm 2019, công ty này phát triển dịch vụ giao hàng qua đêm, đảm bảo giao hàng vào 7 giờ sáng cho các đơn hàng đặt từ đêm hôm trước. Một công nhân làm ca đêm tại nhà kho Daegu cho biết, số kiện hàng được giao qua đêm cho mỗi công nhân tăng từ ba lên bảy.
Danh tiếng tốt khiến Coupang tiếp tục giành được thị trường. Gần một nửa số người Hàn Quốc đã tải ứng dụng "Rocket Delivery" của Coupang. Công ty này tuyên bố 99,3% đơn đặt hàng được giao trong 24 giờ và mang lại danh tiếng "thậm chí vượt qua Amazon".
Thuật ngữ "giao hàng tên lửa" cũng ra đời từ đây. Đặc trưng của nó là sử dụng thuật toán AI để cải thiện độ chính xác thời gian giao hàng. Tuy vậy, nó được đánh đổi bằng sự hy sinh của những người giao hàng và công nhân trong kho hàng. Giống như Amazon, Coupang sử dụng chỉ số "đơn vị mỗi giờ" (UPH) để đo lường năng suất của công nhân trong thời gian làm việc. Mặc dù quy định người lao động sẽ được nghỉ ngơi một giờ cho mỗi ca làm việc (8 tiếng) nhưng hầu hết nhân viên của hãng phải tiếp tục làm việc trong thời gian nghỉ để duy trì tiến độ.
Go Geon, cựu nhân viên của Coupang, nói rằng khi còn làm việc trong lĩnh vực phân loại kho hàng, ưu tiên duy nhất của anh là đáp ứng thời hạn "giao hàng tên lửa", nơi "chúng tôi chỉ là những người máy". Tháng 5 năm ngoái, Go bị rách gân kheo chân trái khi đang chạy để kịp thời hạn và phải nghỉ vài ngày. Sau đó, anh bị sa thải.
Ngoài công việc vất vả, lương của nhân viên giao hàng cũng không cao. Kim Duk-yeon, một nhân viên khác của Coupang cho biết mỗi ngày anh phải giao 350 đơn hàng, tiền công 800 won (hơn 15.000 đồng) cho mỗi đơn.
Hầu hết người giao hàng không phải là nhân viên chính thức của công ty chuyển phát nhanh. Andrew Eungi Kim, giáo sư xã hội học tại Đại học Hàn Quốc, cho biết: "Nếu họ chết tại nơi làm việc, công ty sẽ không chịu trách nhiệm".
Tháng 10/2020, một người giao hàng của Coupang là Jang Deok-joon, 27 tuổi, đã chết sau khi kết thúc công việc, được chẩn đoán bị đau tim. Trước đó, anh làm việc trong kho chuyển phát nhanh ở Daegu hơn một năm, chịu trách nhiệm chính trong việc chuyển hàng hóa.
Khi gia đình Jang Deok-joon đến gặp Coupang để thảo luận vấn đề này, người phụ trách nói rằng cái chết của anh không liên quan gì đến công ty. Cha mẹ của Jang Deok-joon không chịu nhượng bộ. Họ đã đi khắp đất nước trên một chiếc xe tải giao hàng với khẩu hiệu "Coupang đã giết con trai tôi" và mang nỗi đau này lên quốc hội Hàn Quốc. Cha của Jang Deok-joon thậm chí còn quỳ xuống cầu xin các nhà lập pháp nhìn vào cái chết của con trai ông: "Con trai tôi đã chết, và tôi sẽ cho cả thế giới biết về nó. Tôi muốn tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra".
Cuối cùng, Jang Deok-joon được cho là đã chết vì làm việc quá sức và Tổng thống Moon Jae-in cũng bắt đầu kêu gọi cải cách triệt để điều kiện làm việc của nhân viên giao hàng.
Những cái chết kiểu này không ảnh hưởng nhiều đến Coupang. Phần lớn những người giao hàng là công nhân thời vụ, được tuyển qua ứng dụng có tên là Coupunch vào đêm hôm trước, hoặc theo hợp đồng tạm thời, thường kéo dài vài tháng. Nói cách khác, hầu hết các hợp đồng mà người lao động ký kết là với các đại lý độc lập làm trung gian, thay vì với chính công ty. Điều này khiến họ không được pháp luật bảo vệ.
Lee Seong-Wook đã không gặp con gái gần nửa năm, mỗi ngày anh làm việc gần 16 tiếng. Anh kiếm được khoảng 210.000 won (4 triệu đồng), nhưng số tiền này chưa bao gồm thuế, xăng, điện thoại và tiền phạt vì giao hàng muộn. Anh vẫn sẽ dậy sớm vào ngày mai và lặp lại tất cả những điều này. "Cứ đà này, tôi cũng sẽ kiệt sức".
Lee Seong Wook đang đấu tranh để thay đổi văn hóa làm việc chết người của Hàn Quốc. Anh là lãnh đạo của liên đoàn lao động tốc hành và làm việc chăm chỉ để tổ chức các cuộc biểu tình giúp đồng nghiệp Im Gwang-Soo. Người đàn ông này đã hôn mê trong hai tháng. Sau một ca phẫu thuật gần đây, bác sĩ nói cơ hội sống của anh đã tăng lên 20%.
"Chúng tôi hy vọng được nghỉ ngơi vào buổi tối và muốn trở thành người đàn ông tốt của gia đình. Đó là lý do tại sao chúng tôi phải chiến đấu", Lee Seong Wook nói.
Vy Trang (Theo qq)