Từ: Louis Tang
Đã gửi: 01 Tháng Sáu 2011 11:56 SA
Nghe tâm sự
Chào Thanh và mọi người!
Việc chênh lệch học vấn chắc chắn ảnh hưởng đến cuộc sống vợ chồng, câu "môn đăng hộ đối" có thể không chính xác 100% nhưng nó đa phần luôn đúng qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên khi chúng ta hiểu rõ và bình tĩnh phân tích một cách đúng đắn các vấn đề cơ bản mang tính quyết định, thì hầu hết các vấn đề phát sinh đều có thể giải quyết và dàn xếp một cách tốt đẹp. Lúc đó, chênh lệch học vấn không phải là vấn đề quyết định duy nhất cho một mối quan hệ vợ chồng.
Đối với mối quan hệ của Thanh và tất cả các mối quan hệ nói chung đều dựa trên nguyên tắc "cung cầu". Từng thời điểm, từng giai đoạn mà "cầu" khác nhau và để mối quan hệ tiếp tục tồn tại, thì "cung" phải kịp thời hoặc đừng quá muộn. Thoạt nghe thì thấy "cung cầu" không thể áp dụng cho chuyện tình cảm, nhưng suy nghĩ kỹ sẽ thấy.
Ví dụ 2 người yêu nhau thì cần sự quan tâm của nhau, thì nhu cầu ở đây là sự quan tâm. Nếu 2 bạn nào yêu nhau mà suốt một thời gian dài người này bệnh và gặp chuyện buồn mà người kia ít khi nào quan tâm tới thì mối quan hệ này ai tin được có thể tồn tại lâu? Không gặp được thì cũng phải gọi điện thoại, không gọi được thì cũng phải email, không email được thì cũng mail viết tay. Đã muốn thì kiểu gì cũng làm được, còn đã không muốn thì ở bên cạnh cũng chẳng làm.
Người đàn ông ở đâu, đa phần vẫn là người đàn ông và luôn có bản tính của phái mạnh, lòng tự hào, đôi lúc tự tôn và bản chất trụ cột. Trụ cột ở đây không phải là cái máy ATM để chi tiền cho cả gia đình mới gọi là trụ cột, mà là một điểm tựa vũng chắc khi vợ, con, gia đình có biến động sẽ là chỗ dựa cho mọi người. Là người léo lái con thuyền vượt qua sóng gió, là một người không mất bình tĩnh khi người khác không còn bình tĩnh, là niềm tin khi người khác đã hết niềm tin.
Khi Thanh còn đi học, môi trường của em chưa xuất hiện nhiều chênh lệch về vị trí xã hội, đối tượng đặc biệt, cá nhân xuất sắc. Khi em ra đi làm nhiều, môi trường mới cho em gặp nhiều đối tượng hơn, em học càng cao, vị trí của em càng cao thì đối tượng em gặp cũng càng cao, bản lĩnh hơn, giỏi hơn, tuyệt vời hơn và từ đó thước đo của em sẽ thay đối so với lúc em còn đi học.
Em đánh giá, nhìn nhận khắt khe hơn, và thời điểm thay đổi dẫn đến nhu cầu thay đổi. Người đàn ông của em có thể hoặc không thể theo kịp để đáp ứng, không phải chỉ là tiền bạc hay thu nhập. Rồi đến lúc có em bé, có 2 em bé, em bé lớn lên đi học, chồng em có chơi đùa với con, cùng đưa mẹ con đi chơi đây đó, cùng với em dạy bảo nuối nấng con cái, vậy thì Thanh sẽ có những nhu cầu nào, nhu cầu nào là đúng đắn, là hợp lý và phải được đáp ứng? Và nửa kia có đáp ứng được hay không còn tùy vào cá nhân Thanh nhìn nhận về bản thân của cả 2 bạn.
Chênh lệch học vấn, có thể chồng Thanh không thể chia sẻ với em về giải pháp cho công việc hay cùng em đi hội thảo này hay hội thảo nọ, nhưng em cần một người chồng chứ không phải một ông giám đốc tài giỏi cùng ngồi bàn luận công việc. Ngược lại chồng em cần một người vợ chứ không phải một bà giám đốc chỉ huy trăm người và suốt ngày họp hội.
Gia đình là nơi có vợ chồng con cái, chứ không phải là văn phòng làm việc có đồng nghiệp, cấp trên. Vậy thì đừng coi chồng mình là đồng nghiệp hay sếp để tranh luận nảy lửa, để đưa ra ai đúng ai sai, để ai phải là người viết kiểm điểm hay báo cáo. Phải coi chồng mình như người để mà chia sẻ, để được một vòng tay ôm mình vào lòng, thì học vấn chả liên quan gì tới cái vòng tay này cả.
Từ đó, hãy tôn trọng và lắng nghe người đàn ông, đừng chỉ bảo anh ta phải làm gì mà hãy quan tâm, chia sẻ ý kiến nhẹ nhàng về những việc anh ta làm. Anh ta có thể không có bằng tiến sỹ nhưng anh ta cho em được cái cảm giác ấm áp, sự an toàn, sức mạnh trong cuộc sống và cái mà người ta thường hay gọi là gia đình, mà rất nhiều ông tiến sỹ này tiến sỹ nọ không thể làm được.
Ngược lại, hãy cho anh ta cái mà anh ta thật sự cần, đó là một người vợ, và có thể điều đó đơn giản chỉ là bữa cơm tối ấm cúng của một gia đình nhỏ. Thanh cần phải biết cái gì là quan trọng, là cốt lõi, là phù hợp đối với cá nhân em và mối quan hệ hiện tại của em. Bình tĩnh phân tích khi có xung đột, tuyệt đối không bao giờ được chủ quan, cho dù điều đó mình có chắc tới đâu.
Không bao giờ được suy nghĩ anh ấy mãi mãi là của mình mà phải luôn cố gắng cùng nhau hoàn thiện, cùng mãi là của nhau. Người phụ nữ nhường nhịn chồng thì hiếm ai bảo là "ngu", nhưng không nhường nhịn để chồng bỏ đi theo người khác thì lúc này ai "ngu" đã rõ lắm rồi. Dĩ nhiên không phải nhường nhịn theo kiểu để chồng chà đạp, coi không ra gì, không tôn trọng.
Ai cũng có ưu và khuyết điểm, hãy hạnh phúc với những ưu điểm của nửa kia và giúp đỡ cùng nhau hoàn thiện những khuyết điểm còn lại. Hãy nhìn vào giá trị con người để quyết định, giá trị này được hình thành bởi tư cách đạo đức, bản tính, kiến thức, năng lực, tư duy, gia đình, môi trường, xã hội, mà có thể cao hay thấp, vô giá hay rẻ tiền. Giá trị càng cao thì càng quý, vì vậy đừng chủ quan để rồi vuột mất mà có khi đánh đổi bằng mọi giá vẫn không thể lấy lại được.
Chúc Thanh và mọi người luôn có những quyết định đúng đắn và hạnh phúc.