Theo quan niệm dân gian từ nghìn đời nay, đó là hai tuổi hạn lớn nhất trong đời. Tuổi 49, tương ứng với nam gặp sao Thái Bạch, nữ gặp sao Thái Âm. Sao Thái Bạch hay còn gọi là Kim Tinh, là hung tinh mạnh nhất trong hệ thống cửu diệu niên hạn. Người bị sao Thái Bạch chiếu mệnh trong năm sẽ hao tốn tiền của, ốm đau, làm ăn lận đận, thậm chí ảnh hưởng đến cả tính mạng.
Biết tôi tuổi 49, sao Thái Bạch chiếu mệnh, một số người thân lo lắng, mồng 4 Tết đã khuyên tôi nên sớm đến chùa nhờ sư thầy làm lễ dâng sao giải hạn. Có nhà tâm linh muốn đến nhà giúp tôi lập đàn lễ. Nhưng tôi đều cảm ơn và khéo léo khước từ. Thấy vậy, người nhà càng lo lắng. Họ sợ vận hạn sẽ ập đến. Nhưng tôi bước qua tuổi 49 một cách an nhiên, tự tại. Sức khỏe vẫn tốt, công việc vẫn hanh thông, nhiều dự án cho riêng mình và cộng đồng đều hoàn thành tốt đẹp.
Nhiều người lập đàn lễ, dâng sao giải hạn nhưng cuộc sống vẫn đầy sóng gió, khổ đau, vận đen vẫn ập đến. Thậm chí có người còn mất mạng. Có người không cúng bái, cầu xin mà vẫn thong dong, tự tại, an lạc, hạnh phúc.
Khoảng chục năm về trước, cũng như rất nhiều người bây giờ, tôi từng tin vào sự ảnh hưởng của các sao đến vận mệnh con người; và hàng năm, tốn khá nhiều tiền bạc, thời gian, công sức cho các đàn lễ dâng sao giải hạn. Nhưng sau này, năm 2013, khi được theo chân thiền sư Thích Nhất Hạnh trong chuyến hoằng dương đạo Phật dọc nước Mỹ, biết đến đạo Phật, hành trì theo chánh pháp, trí tuệ được khai mở, tôi đã dừng lại. Đó có thể coi là một trong những bước ngoặt lớn nhất của đời tôi. Bước ngoặt đưa tôi đến sự vững chãi, thảnh thơi, tự do, an lạc và hạnh phúc.
Khi chưa hiểu đúng Đức Phật là ai, tôi cũng nghĩ Phật là vị thần linh có phép thuật muôn màu, mỗi tháng hai lần, vào ngày rằm và mồng một, dù bận rộn đến đâu, tôi cũng phải gắng lên chùa lễ Phật. Dâng lên bàn thờ Phật chút "lễ bạc" mà "tâm thành" của tôi cầu xin Ngài đủ thứ: sức khỏe, bạc tiền, công danh, tình cảm... Sau này, khi hiểu đúng về Đức Phật - không phải là đấng thần linh tối thượng có muôn nghìn phép thuật, khi nào rảnh rỗi, thảnh thơi, tôi mới lên chùa. Dâng lên bàn thờ Tam bảo một nén hương thơm, tôi cũng dâng lên ngài hương của Niệm, hương của Định, hương của Tuệ... do tôi tự chế tác.
Khi chưa hiểu đúng về luật nhân quả của đạo Phật, cứ đầu năm tôi lại tất tả rước các thầy đến nhà làm lễ dâng sao, giải hạn. Vàng mã chất đầy sân, đốt nghi ngút khói. Tâm vẫn chưa yên, tôi còn táo tác tìm đến các ngôi chùa nổi tiếng về cúng sao giải hạn, chen lấn, xô đẩy trong biển người nườm nượp, những mong các sư thầy giải trừ hết vận đen. Sau này, khi tôi biết Tam tạng kinh điển Phật giáo không hề đề cập đến cúng sao giải hạn, Đức Phật cũng không dạy đệ tử việc này. Ngài chỉ dạy rằng: tất cả họa và phúc đều là do nhân quả mà thành. Bởi vậy, muốn biết quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn quả mà chúng ta đang có. Muốn biết tương lai ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta gieo trồng hiện tại.
Gieo nhân nào thì gặt quả đó. Thành công hay thất bại không do ai ban phát mà do chính ta tạo nên. Tất cả đều bắt nguồn từ thân, khẩu và ý. Nhân duyên xấu do chúng ta tạo tác sẽ trổ ra quả xấu. Nhân duyên lành sẽ trổ quả tốt. Từ bấy, tôi tích cực thực hành chánh niệm để mỗi lời nói, suy nghĩ, việc làm... không gây những khổ đau, tủi hờn, bạo động cho mình, cho người mà chỉ mang đến những hiểu biết và thương yêu, nhờ đó, tâm mình an, tâm mình lạc.
Ngày trước, giống như nhiều người, tôi sợ đủ thứ, kiêng kỵ đủ thứ. Nhưng sau này, khi nghiên cứu về tâm linh, hiểu đúng chánh pháp, tôi đã vượt ra ngoài tất cả những kiêng kỵ, sợ hãi ấy. Với tôi, bây giờ, ngày nào cũng tốt, giờ nào cũng tốt. Tốt hay xấu phụ thuộc vào chính mình. Nếu mình có tuệ giác, có lòng từ bi, khi đó, mình sẽ có cái nhìn đúng, nghĩ đúng, hành động đúng.
Thực sự, khi vượt thoát khỏi những sợ hãi, kiêng kỵ, tôi thấy được hạnh phúc của sự tự do. Tôi vẫn thường chia sẻ với người thân, nếu việc xem ngày giờ tốt là có thật, nếu xem việc hợp tuổi, hợp mệnh là có thật thì ai cũng giàu có, thành công, hạnh phúc hết. Đâu có cảnh 10 cửa hàng kinh doanh thì sau một năm, 7-8 cửa hàng đóng cửa. Đâu có cảnh các cặp vợ chồng trẻ ly hôn nhiều như bây giờ. Đức Phật luôn chỉ dạy phải trở về với hải đảo tự thân, phải nương tựa vào hải đảo tự thân. Hạnh phúc, thành công chỉ thực sự đến với những ai biết trở về, biết nương tựa vào chính mình.
Đời người, ai cũng ít nhiều khổ đau. Cổ nhân có câu rất hay: "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Hãy đón nhận những khổ đau như một phần tất yếu của cuộc sống một cách bình thản. Đừng khóc lóc, kêu ca, phàn nàn hay sợ hãi. Dùng năng lượng chánh niệm để ôm ấp nó, nhận diện nó; dùng tuệ giác và lòng từ bi để tìm cách chuyển hóa nó. Tôi tin, từ những vũng bùn tanh hôi của khổ đau ấy, hoa sen của hạnh phúc sẽ nở và tỏa hương.
Bây giờ là tháng Giêng - mùa của cúng bái, cầu xin, mùa của dâng sao, giải hạn. Vào cữ này hàng năm, đến chùa nào cũng thấy cảnh khói hương nghi ngút, nườm nượp dòng người chen lấn, khấn vái. Mặt ai cũng thấy căng thẳng, lo âu, sợ hãi. Thật khó tìm được chút thanh tịnh chốn thiền môn. Hai năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thực hiện chỉ thị của chính phủ, hầu hết các đình, chùa ở những thành phố lớn đều đóng cửa. Nhiều người không đến được cửa Phật để lễ bái. Nỗi sợ hãi, căng thẳng, lo âu vì thế có thể lại càng tăng. Những người sao xấu chiếu mệnh có thể lo lắng đến mất ăn mất ngủ.
Ai cũng nên có một vị Phật vững chãi trong Tâm để quay trở về "hải đảo tự thân", nương tựa vào chính mình, để không phải hớt hải, hoang mang, chen lấn, xô đẩy, giao tính mạng mình, tương lai của mình vào một thế giới huyền bí, xa xăm vô thực nào đó.
Nếu tất cả mọi người tâm luôn an, thế giới sẽ an.
Hoàng Anh Sướng