Từng có bài viết trên mục Góc nhìn về chủ đề này, cùng kinh nghiệm tham gia một số chương trình trong dịch Covid-19, tôi hiểu rõ sự vất vả và phức tạp của các hoạt động quyên góp nhân đạo.
Vài thành viên gia đình cho rằng việc thiếu minh bạch trong thu chi khiến mọi người giảm lòng tin vào hoạt động kêu gọi thiện nguyện. Theo quan sát riêng, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 93 vào tháng 10/2021 về việc vận động và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện, giới nghệ sĩ hầu như không còn kêu gọi và trực tiếp đi cứu trợ thiên tai trên quy mô lớn.
Sau khi bão Yagi quét qua, nhiều bạn bè tôi tái khởi động các hoạt động gây quỹ hỗ trợ đồng bào. Dù rất muốn ủng hộ tinh thần đồng đội, tôi rốt cuộc chọn Mặt trận Tổ quốc là nơi tiếp nhận "tấm lòng" của gia đình mình. Bởi đọc kỹ Nghị định 93, tôi tiên liệu sẽ có nhiều hoạt động gây quỹ và cứu trợ do cá nhân phát động chưa kịp và có thể không kịp tuân thủ các quy định nhà nước. Theo đó, các cá nhân phải mở tài khoản riêng để tiếp nhận đóng góp, thông báo trên phương tiện truyền thông về thời gian cam kết phân phối viện trợ, báo với chính quyền địa phương nơi cư trú về việc gây quỹ, phối hợp với chính quyền địa phương tiếp nhận để được hướng dẫn phân phối viện trợ. Thiếu vài thủ tục cần thiết có thể dẫn tới một số trở ngại trong giải ngân sau này.
"Mẹ chọn Mặt trận Tổ quốc cho lành", tôi giải thích với hai con. Nhưng tôi không ngờ sao kê được công khai.
Việc Mặt trận Tổ quốc lần đầu tiên trong lịch sử công khai sao kê hoạt động quyên góp hoàn toàn tuân thủ luật định. Sự minh bạch này là cần thiết, không chỉ riêng với hoạt động nhân đạo mà trong bất kỳ lĩnh vực nào sử dụng tiền phí, thuế của nhân dân, để đảm bảo đúng tinh thần "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra". Hành động đáng khuyến khích này hy vọng tạo chuẩn mực cho các cá nhân và tổ chức khác trong hoạt động thiện nguyện. "Góc sao kê" cũng sẽ tạo cơ hội cho người dân giám sát việc phân phối viện trợ của các tổ chức, theo quy định, có thể bắt đầu ngay khi tiếp nhận những đồng viện trợ đầu tiên, nhưng phải hoàn thành không quá 20 ngày kể từ khi đóng thời gian tiếp nhận.
Ở góc độ người đóng góp, việc cộng đồng bỏ thời gian "check VAR" (kiểm tra) từng dòng sao kê cũng nên xem là việc bình thường. Bởi công khai, minh bạch cần bắt nguồn từ hai phía, người dân và nhà nước. Công dân ngay thẳng tạo ra cán bộ tốt. Tôi tin những trường hợp thiếu chính xác về mức độ đóng góp do cộng đồng tìm ra chỉ là những trường hợp đơn lẻ.
"Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa - Tại sao cây táo lại nở hoa". Câu thơ nổi tiếng về tình đời của nhà biên kịch quá cố Lưu Quang Vũ đang được bạn bè tôi lan tỏa trong những ngày này. Quả thực, trong 12 nghìn trang sao kê đã công bố, chỉ có vài ba trường hợp "gây bão". Người Anh có câu "cơn bão trong tách trà", ám chỉ sự phóng đại vấn đề không cần thiết, có vẻ đúng trong trường hợp này.
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào sao kê rồi lan truyền các thông tin thiếu kiểm chứng, như "Liên đoàn Xiếc Việt Nam ủng hộ đồng bào bão lũ 10.000 đồng" sẽ không còn là sự việc trong tách trà. Những thông tin sai lệch, mang tính chế giễu trong hoàn cảnh tai ương không những có thể ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tổ chức mà cũng không phù hợp với văn hóa Việt Nam, mang lại cảm xúc tiêu cực cho cộng đồng, làm giảm hiệu quả của hoạt động cứu trợ.
Công khai sao kê hoạt động quyên góp là bước tiến quan trọng đảm bảo hiệu quả sử dụng các nguồn viện trợ. Điều này cần thực hiện một cách hệ thống và liên tục nhằm tạo lòng tin cho cộng đồng. Để tránh những ồn ào không đáng có, có thể cần áp dụng một số cơ chế chặt chẽ hơn nhằm tránh rủi ro lộ thông tin cá nhân, mạo danh trong chuyển khoản cũng như đáp ứng nhu cầu "đóng góp âm thầm" của một số cá nhân, tổ chức.
Để việc công khai sao kê thực sự có ý nghĩa, người dân cũng nên được trang bị cách thức và kỹ năng để có thể kiểm tra sao kê và báo cáo tài chính hữu hiệu. Phát triển các công cụ trực tuyến sẽ giúp người dân dễ dàng theo dõi các khoản đóng góp và chi tiêu, hơn là ngồi "check var". Đặc biệt, khi người dân phát hiện bất thường trong sao kê, nên có một kênh liên lạc để mọi người gửi phản hồi và giải đáp thắc mắc.
Bên cạnh việc sao kê đầu vào, điều quan trọng khác là giám sát hoạt động phân bổ nguồn lực và minh bạch đầu ra. Các tổ chức kêu gọi và tiếp nhận quyên góp có thể chủ động đưa ra kế hoạch công bố định kỳ các báo cáo tài chính và tình hình phân phối viện trợ. Song song, nên nêu cụ thể về cách phân bổ nguồn lực, khoản chi từng hoạt động, đến các khoản chi không lường trước. Các hoạt động này phải đảm bảo vận hành theo đúng Nghị định 93 của Chính phủ và được kiểm toán bởi bên thứ ba.
Bão Yagi là thảm họa thiên tai lớn đầu tiên chúng ta đối mặt sau dịch Covid-19. Ứng xử của cộng đồng và sự chuyên nghiệp của các tổ chức sẽ kiểm nghiệm hiệu quả của quy định pháp luật trong việc quản lý và phân phối nguồn lực cứu trợ. Mỗi bước tiến trong việc cải thiện tính minh bạch của hoạt động cứu trợ sẽ góp phần tạo nên một cộng đồng đoàn kết, tin tưởng lẫn nhau và sẵn sàng đối mặt với thiên tai trong tương lai.
Cẩm Hà
* "Check VAR" (Video Assistant Referee): Thuật ngữ bắt nguồn từ môn bóng đá, chỉ việc áp dụng công nghệ hỗ trợ trọng tài kiểm tra lại những tình huống không rõ ràng.
VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.