Quá trình chạy thử hệ thống (Test Run) có sự tham gia của Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB, chủ đầu tư), nhân sự của Metro Hà Nội (đơn vị vận hành khi dự án hoàn thành) gồm 15 lái tàu, quản lý và nhân viên trung tâm điều hành tại depot.
Ngày đầu tiên, vào giờ cao điểm, cả 8 đoàn tàu cùng vận hành, xuất phát cách nhau 5-7 phút; giờ thấp điểm có 3-4 đoàn.
Đoàn tàu khởi hành từ depot Nhổn đến ga S8 trước cổng Đại học Giao thông Vận tải khoảng 8,5 km và ngược lại. Tàu dừng tại mỗi ga 20 giây, chạy một chiều hết khoảng 16 phút và chạy một vòng (đi, về và quay đầu) khoảng 32 phút.
MRB cho hay, quá trình chạy thử hệ thống gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, MRB vận hành hai lịch chạy tàu: Vận hành tối đa 4 đoàn tàu theo lịch cuối tuần và 8 đoàn tàu theo lịch chạy tàu trong tuần, khung giờ 9h-19h.
Sau khi đánh giá hiệu suất an toàn, tin cậy và sẵn sàng cho vận hành thương mại, MRB sẽ cho chạy thử giai đoạn 2 với 5 kịch bản vận hành đoàn tàu ở các chế độ: Mất điện kéo trên toàn tuyến, mất điện kéo ở một đoạn, mất nguồn cấp điện phụ trợ, phát hiện cháy tại một ga và tàu cứu hộ trên tuyến chính.
Quá trình Test Run có thể kéo dài 6 tuần và kết thúc khi tất cả thử nghiệm đều đạt trên 98%, sau đó đến giai đoạn khai thác thử hệ thống (Trial Run). Các cơ quan có thẩm quyền sẽ thẩm định, đánh giá, công nhận kết quả để nghiệm thu trước khi cho phép đoạn trên cao được vận hành thương mại.
Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km ngầm. Dự kiến, sau khi vận hành, tuyến đường có tốc độ khai thác thương mại 35 km/h; 8 đoàn tàu cùng hoạt động; một đoàn tàu dự bị phục vụ giờ cao điểm; một đoàn tàu cứu hộ.
Đến hết tháng 8, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 75%, trong đó đoạn tuyến trên cao đạt 96,3%. Sau nhiều lần lùi tiến độ, Hà Nội đặt ra mốc khai thác thương mại đoạn trên cao cuối năm 2022, toàn tuyến năm 2027. Tuy nhiên, nhiều khả năng mốc này không thể đạt được.
Võ Hải