Giáo sư David A.Gantz, chuyên gia tư vấn của VN trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, cho rằng, VN gặp khó khăn trong việc đàm phán gia nhập với 21 nước còn lại do khoảng thời gian để sửa đổi, bổ sung, thông qua các luật mới rất ngắn. Trong khi đó, yêu cầu của các đối tác ngày càng cao hơn, do Trung Quốc - một nước đã vào WTO trước VN - không thực hiện tốt một số cam kết của mình.
Nhận xét về khoảng thời gian ngắn ngủi hơn một năm để xây dựng hàng loạt bộ luật, Phó bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng Lê Thanh Phong cho rằng, với tinh thần làm việc của các đại biểu như hiện nay, những bộ luật cần Quốc hội thông qua hoàn toàn có thể kịp tiến độ. Theo ông, số lượng đại biểu chuyên trách của Quốc hội hiện chiếm 20%, gấp đôi trước đây, vì thế công tác chuẩn bị, lấy ý kiến đóng góp cho các dự thảo luật thực hiện rất tốt, giúp Quốc hội dễ dàng thống nhất ý kiến hơn. Ông Phong lấy ví dụ, tại phiên họp ngày 6/5, các vấn đề lớn của Bộ Luật dân sự đều đã được thống nhất, đại biểu chỉ thảo luận xoay quanh một số nội dung như quyền nhân thân, quyền sở hữu, vấn đề giới tính... chứ không tranh luận rải rác nhiều như trước.
Quốc hội sẵn sàng làm ngày làm đêm để sửa luật. Ảnh: Anh Tuấn |
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng cũng cho rằng chỉ có Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư mới có quy mô rộng, vì vậy sẽ có nhiều ý kiến bàn thảo, còn đa số các luật và văn bản pháp luật khác chỉ cần sửa đổi. Có những văn bản chỉ cần Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định. "Chuyện có ban hành kịp các bộ luật hay không không phải là vấn đề lớn, vì đại biểu quốc hội có thể làm việc ngày đêm và có tới hơn 20% chuyên trách, tới đây dự kiến sẽ tăng lên 50%".
Vấn đề các đại biểu quan tâm nhất là làm sao để người dân và doanh nghiệp nắm bắt, thực hiện đúng theo luật. Ông Dũng dẫn chứng, Công ước Berne đã được VN ký kết từ lâu, nhưng khi có hiệu lực vẫn còn rất nhiều vi phạm. Bản thân ông muốn viết sách, dùng hình ảnh trên mạng, nhưng khi hỏi tác giả họ trả lời dùng để giảng dạy thì được chứ để in sách thì phải trả tiền bản quyền. "Nếu không tìm hiểu công ước, có khi nhuận bút chỉ được một vài triệu đồng mà tiền phạt vi phạm tới 1-2 triệu USD. Không những tác giả mà cả nhà xuất bản phải chịu", ông Dũng nói.
Còn theo ông Thanh Phong, để luật đi vào cuộc sống, trước khi ban hành, Nhà nước phải chấp nhận tốn kém để đưa dự thảo về các địa phương tuyên truyền xin ý kiến nhân dân.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đồng tình, tất cả những việc sửa đổi, huỷ bỏ hay ban hành luật mới, dù có hạn hẹp về thời gian, VN vẫn có thể làm được. Nhưng điều khó khăn hơn là việc chấp nhận thay đổi về thể chế, cách sống, chuẩn mực và cả những lợi ích không nhỏ của người dân, doanh nghiệp để đổi lấy những cơ hội do việc gia nhập WTO mang lại.
Giới luật sư lại cho rằng không nên cầu toàn. Luật sư Phạm Liêm Chính, Đoàn luật sư Hà Nội góp ý, song song với xây dựng luật trong nước, VN cần nhanh chóng tham gia các công ước quốc tế, để khi xảy ra tranh chấp, doanh nghiệp có cơ sở pháp lý quốc tế bảo vệ.
Ông Chính cũng đồng tình với quan điểm của các đại biểu Quốc hội về tầm quan trọng của việc thực thi luật. "Tập trung chuyên gia giỏi chỉ cần 3 tháng có thể đưa ra được luật mới, nhưng thực hiện được trong cuộc sống hay không lại là vấn đề khác. Mà quan trọng hơn cả là các cơ quan nhà nước cần thích nghi, ứng xử theo chuẩn mực quốc tế rồi hẵng nói đến người dân và doanh nghiệp", ông kết luận.
Bất kỳ nước nào xin gia nhập WTO cũng cần sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật của mình để tuân thủ Hiệp định của WTO cũng như cam kết khác trong Nghị định thư và các văn bản xin gia nhập của nước đó. Các nước đều phải xây dựng một chương trình hành động lập pháp để điều chỉnh hệ thống pháp luật của nước mình nhằm thực hiện nghĩa vụ thành viên của WTO. Đây là một trong những tài liệu chủ chốt trong đàm phán. Trong 15 năm đàm phán gia nhập WTO, Trung Quốc có 3.000 đại biểu Quốc hội, và có tới 400 chuyên gia làm luật hỗ trợ. Tại các kỳ họp, đại biểu Quốc hội chỉ biểu quyết một số vấn đề chưa thống nhất. (Nguồn WTO) |
Phong Lan