Tiến sĩ, bác sĩ Trương Nguyễn Hoài Linh, Khoa Ngoại Lồng ngực Tim mạch, tranh thủ trao đổi cùng đồng nghiệp về tình hình bệnh nhân, khuya 23/7. Vài phút trước, người đàn ông 51 tuổi, được cấp cứu trong tình trạng có vết thương đâm thẳng vào vị trí "tam giác" tim, tức giữa bờ trái xương ức và núm vú trái.
Người bệnh sốc mất máu, huyết áp tụt sâu, biểu hiện thiếu máu não, tri giác lơ mơ, gần như ngưng tim. Siêu âm tại giường cấp cứu ghi nhận máu ở màng tim.
"Không cần xét nghiệm gì nữa, bỏ qua mọi thủ tục hồ sơ, lập tức chuẩn bị mổ", bác sĩ Linh chỉ đạo kíp trực từ xa và kịp đến phòng mổ ngay khi bệnh nhân được gây mê.
Hai phút sau mở ngực, ê kíp tiếp cận được xoang màng tim, ghi nhận khoảng 1.000 ml máu cục và máu loãng ùa ra từ nơi này. Thông thường, khu vực này chỉ có khoảng 10-15 ml dịch để quả tim trượt lên màng tim. Kíp hồi sức duy trì bơm máu, bơm dịch truyền để giữ huyết áp ổn định, trong khi kíp phẫu thuật kiểm soát chỗ chảy máu.
Sau khi hút máu ở xoang màng tim ra ngoài, các bác sĩ thấy vết thương đâm thủng tim dài khoảng 2 cm ở vùng tâm thất. Lấy tay bịt vết thương, bác sĩ khâu khoảng 5 mũi thì cầm máu được.
"Lúc này, ê kíp thở phào nhẹ nhõm vì bệnh nhân chắc chắn sẽ sống được", bác sĩ Linh nói.
Ngày 27/7, bệnh nhân hồi phục khỏe mạnh, siêu âm không thấy máu màng tim, chuẩn bị xuất viện. Bác sĩ cho rằng ca mổ thành công do người bệnh vào viện sớm, y bác sĩ nhiều chuyên khoa phối hợp nhanh theo quy trình cấp cứu khẩn. Nhờ quy trình này, nhiều bệnh nhân thủng tim, thập tử nhất sinh, được cứu sống kịp thời.
Bác sĩ nhận định trường hợp này chỉ cần chậm khoảng 10 phút, bệnh nhân sẽ ngưng tim dẫn đến não tê liệt, mất ý thức. Dù hồi sinh tim đập lại, phẫu thuật giữ được tính mạng, bệnh nhân không thể hồi phục hoàn toàn, dễ sống thực vật.
Lê Phương