Thi thể của Mulcahy được phát hiện trong nhiều túi nylon ở thùng rác nhà trọ bên đường cao tốc đoạn qua hạt Ocean, bang New Jersey, ngày 10/7/1992.
Phần cổ tay có vết dây, có vẻ Mulcahy bị trói trước khi chết. Nồng độ cồn trong máu cao hơn nhiều so với giới hạn cho phép lái xe, chứng tỏ nạn nhân đã say xỉn khi bị giết. Mulcahy được xác minh danh tính thông qua giấy tờ tùy thân bị vứt trong túi nylon.
Mulcahy sống và làm việc tại bang Massachusetts nhưng mất tích trong chuyến đi công tác ngày 8/7/1992 tới thành phố New York. Vụ án mạng được cho là xảy ra vào sau 23h cùng ngày vì lịch sử giao dịch cho thấy thời điểm này là lần cuối Mulcahy rút tiền tại ATM. Tuy nhiên, không có chứng cứ cho thấy Mulcahy đã trở về phòng khách sạn sau khi rút tiền.
Theo nhân chứng tại quán bar dành cho người đồng tính nam gần khách sạn, Mulcahy từng xuất hiện tại đây trong bộ dạng say xỉn vào tối 8/7/1991. Tại quán, Mulcahy nói chuyện với người đàn ông da trắng, tóc nâu nhưng nhân chứng không rõ hai người có cùng rời quán hay không. Dựa trên mô tả của nhân chứng, họa sĩ tạo bản phác thảo của người đàn ông lạ mặt và chuyển cho báo chí nhưng việc này không đem lại kết quả.
Thi thể và các túi rác đều được rửa sạch trước khi đem vứt nên cảnh sát không tìm được chứng cứ như dấu vân tay hoặc ADN. Bên trong túi rác có bao bì đôi găng tay cao su, trên bao vẫn còn dán mác giá. Thông tin trên mác cho thấy nơi bán là một cửa hàng dược phẩm ở đảo Staten, bang New York. Tuy nhiên, chi tiết này cũng không giúp thu hẹp được phạm vi nghi phạm vì khu vực này có hơn 500.000 người sinh sống.
Gần một năm sau, vụ án mạng thứ hai xảy ra với nhiều tình tiết tương tự. Nạn nhân là Anthony Marrero, 44 tuổi, hành nghề mại dâm nam tại quận Manhattan, thành phố New York. Marrero mất tích vào ngày 6/5/1993, một ngày sau thi thể được phát hiện trong nhiều túi rác dọc con đường qua thị trấn Manchester, bang New Jersey. Cũng như vụ án trước, cả thi thể và túi rác đều bị rửa sạch trước khi vứt nên không để lại chứng cứ.
Quá trình giải phẫu, chuyên viên phát hiện thủ đoạn gây án đặc biệt. Sự chính xác trong từng đường cắt làm nảy sinh giả thuyết hung thủ có kiến thức về y tế hoặc giải phẫu.
Ngoài ra, một trong những chiếc túi nylon được dùng trong vụ án là hàng đặc biệt, chỉ được bán tại 9 địa điểm tại bang New York, trong đó có một siêu thị cũng tại đảo Staten. Siêu thị này rất gần với cửa hàng dược phẩm nơi bán đôi găng tay cao su trong vụ án mạng trước. Vì thế hung thủ rất có thể sống hoặc làm việc tại đảo Staten.
Từ những túi nylon trong vụ án thứ hai, chuyên viên dùng phương pháp đun keo siêu dính cho bốc hơi bám vào bề mặt túi nylon, từ đó thu được hai dấu vân tay không hoàn chỉnh và một dấu lòng bàn tay. Tuy vậy, cơ sở dữ liệu tội phạm quốc gia không có kết quả trùng khớp với hai dấu vân tay này.
Hai tháng sau đó, cuối tháng 7/1993, hung thủ tiếp tục gây án. Nạn nhân thứ ba là Mike Sakara, 56 tuổi, người đồng tính nam sống tại quận Manhattan, thành phố New York. Thi thể người này cũng bị vứt trong thùng rác của trạm dừng chân bên đường tại hạt Rockland, bang New York.
Theo nhân viên tại quán bar dành cho người đồng tính tại thành phố New York, tối ngày 29/7/1993, Sakara tới quán uống rượu với người đàn ông lạ mặt. Người này được Sakara giới thiệu là làm điều dưỡng tại Bệnh viện Saint Vincent gần đó. Hai người sau đó rời quán cùng nhau, Sakara cũng mất tích từ đó. Dựa trên mô tả của nhân chứng, họa sĩ tiếp tục tạo bản phác thảo chân dung nghi phạm nhưng cũng không đem lại kết quả.
Lúc này, ba vụ án mạng đã xảy ra với thủ đoạn gây án giống nhau. Cả ba nạn nhân đều có nhiều điểm chung như là người đồng tính nam ở vào tuổi trung niên, thường lui tới quán bar dành cho người đồng tính. Các vụ giết người không có động cơ rõ ràng, không có ai được hưởng lợi từ cái chết của nạn nhân. Hung thủ được báo chí gọi tên là "Sát thủ Chầu cuối" vì hung thủ được thường ngồi với nạn nhân tới khi quán bar gần đóng cửa.
Khi liên lạc với Bệnh viện Saint Vincent, cảnh sát tìm được Mark Slaton, 38 tuổi, nam điều dưỡng có ngoại hình giống bản phác thảo mà nhân viên quán bar trong vụ án thứ ba mô tả. Ngoài ra, Mark cũng sống tại đảo Staten, gần nơi hung thủ mua găng tay cao su và túi rác. Tuy nhiên, Mark được loại khỏi diện tình nghi vì vân tay không khớp với mẫu vật được tìm thấy trước đó.
Cho rằng hung thủ cung cấp thông tin giả để lừa nạn nhân và đánh lạc hướng điều tra, cảnh sát gửi phác thảo chân dung hung thủ tới tất cả bệnh viện trong thành phố nhưng cũng không có manh mối. Cuộc điều tra đi vào bế tắc, nhưng các vụ giết người cũng ngừng lại.
8 năm sau, vụ án có hy vọng tìm được manh mối mới khi cảnh sát hay tin đồng nghiệp tại thành phố Toronto, Canada có kỹ thuật lấy dấu vân tay mới. Phương pháp này tên là "kết bám kim loại chân không", có khả năng thu thập vân tay lưu lại trên bề mặt từ 50 năm trước.
Mỗi lần thực hiện, chuyên viên sẽ làm nóng chảy 10 mg vàng dưới nguồn nhiệt hơn 1.000 độ C, khiến vàng chuyển thành thể khí. Khí vàng sẽ bám vào bề mặt cần kiểm tra và để lại lớp màng mà mắt người không thể nhìn thấy được. Chuyên viên tiếp tục cho khí kẽm tiếp xúc với bề mặt cần kiểm tra. Khí kẽm sẽ dính vào vàng và làm dấu vân tay hiện ra.
Bằng cách này, chuyên viên thu được 16 dấu vân tay không hoàn chỉnh trong số túi nylon được dùng trong vụ án đầu tiên, và ba dấu vân tay không hoàn chỉnh trong vụ án thứ hai. Các dấu vân tay mới đều có chất lượng cao hơn so với trước.
Một lần nữa, kết quả đối chiếu trong cơ sở dữ liệu tội phạm quốc gia không cho kết quả. Không bỏ cuộc, cảnh sát New York tiếp tục gửi bản sao dấu vân tay tới cơ quan chức năng từng tiểu bang vì một số bang chưa nạp dữ liệu vào cơ sở quốc gia. Khi đối chiếu với cơ sở dữ liệu của bang Maine, dấu vân tay khả nghi cho ra kết quả 30 nghi phạm gần khớp. Tiếp tục đối chiếu bằng tay, chuyên viên thu hẹp xuống còn một nghi phạm giống hệt là Richard Rogers, 51 tuổi, cựu sinh viên ngành ngôn ngữ tại đại học Maine, người đồng tính nam.
Trước đó, năm 1973, Rogers từng bị khởi tố vì dùng búa đánh chết bạn cùng phòng nam giới, phi tang ở dọc đường. Ra tòa, Rogers khẳng định bị đối phương gạ gẫm và tấn công trước nên chỉ tự vệ. Lập luận này thuyết phục bồi thẩm đoàn, Rogers được tuyên trắng án.
Sau đó, Rogers lấy được bằng điều dưỡng và chuyển tới sống tại đảo Staten, bang New York, cách nơi mua công cụ gây án chỉ vài tòa nhà. Trong lúc các vụ án mạng xảy ra, Rogers đang làm trợ lý phẫu thuật tại bệnh viện Mount Sinai, cũng thuộc New York. Lịch làm việc cho thấy thời điểm những vụ án mạng xảy ra, người này đều không trong ca trực. Ảnh của Rogers cũng được nhân viên phục vụ trong vụ án thứ ba chọn ra trong quá trình nhận diện.
Rogers bị bắt vào cuối tháng 5/2001. Quá trình khám nhà, cảnh sát thu được ống thuốc chứa loại thuốc an thần có thể đã được dùng để khiến nạn nhân không thể phản kháng. Loại thuốc này không thuộc danh sách các chất được xét nghiệm trong các cuộc giải phẫu tử thi.
Cho tới nay, động cơ gây án của Rogers vẫn còn là điều bí ẩn. Công tố viên cáo buộc Rogers thường chọn nạn nhân đã uống khá nhiều rượu ở quán bar đồng tính, gây mê khiến mất khả năng chống cự rồi đưa về nhà, hoặc nạn nhân tự nguyện về cùng. Hắn ta sau đó dùng dao gây án và phi tang.
Cuối năm 2005, Rogers bị truy tố trong vụ án mạng của Thomas Mulcahy và Anthony Marreon do có nhiều chứng cứ pháp y nhất, lãnh án chung thân.
Quốc Đạt (Theo SiLive, Oxygen)