Ngày 22/8/1972, John Wojitowicz (27 tuổi) cầm súng đạn ghém bước vào một ngân hàng tại thành phố New York (Mỹ).
Đi cùng John là Salvatore Naturale (19 tuổi), Bobby Westenberg (22 tuổi) - hai đồng phạm quen ở quán bar dành cho người đồng giới. Chưa vào tới nơi, một người đánh rơi súng làm súng cướp cò khiến băng cướp phải vội vàng chạy trốn. Tới ngân hàng thứ hai, Bobby chạm mặt bạn của mẹ mình nên cả nhóm phải bỏ dở ý định.
Cả ba sau đó phải vào rạp xem bộ phim Bố Già để lấy cảm hứng rồi mới tiếp tục cướp chi nhánh ngân hàng Chase Manhattan tại quận Brooklyn. Khi vụ cướp vừa bắt đầu, Bobby sợ hãi nên bỏ giữa chừng. John và Salvatore phát hiện hầm trữ tiền của ngân hàng gần như trống không, chỉ có khoảng 38.000 USD tiền mặt cùng số séc trị giá 175.000 USD. Khi hai tên cướp đang loay hoay với số chiến lợi phẩm, một nhân viên ngân hàng nhấn nút báo động.
Chỉ trong ít phút, cả tòa nhà bị cảnh sát bao vây. Thẩm mỹ viện đối diện ngân hàng được nhà chức trách trưng dụng làm sở chỉ huy tạm thời. Bên cạnh lực lượng tham gia cuộc giải cứu con tin, hiện trường còn có sự góp mặt của đám đông khoảng 2.000 người hiếu kỳ trong buổi tối ngày hè nóng nực.
Bên trong ngân hàng, John và Salvatore nắm giữ 8 con tin nhưng không đối xử tệ bạc với họ. Anh ta còn chủ động yêu cầu cảnh sát mang đồ ăn thức uống cho con tin. Khi người đưa bánh pizza tới, John vứt cho người này lượng lớn tiền của ngân hàng.
Hai tiếng sau khi vụ bắt giữ con tin bắt đầu, một phóng viên địa phương đánh liều gọi điện vào số máy ngân hàng để được trò chuyện trực tiếp với thủ lĩnh băng cướp. Khi ấy, John mới tiết lộ động cơ đi cướp của mình.
John nói mình là người đồng tính, muốn cướp ngân hàng để có tiền cho "vợ" phẫu thuật chuyển giới. "Vợ" của John chán cảnh sống trong cơ thể đàn ông mà không đủ tiền làm phẫu thuật nên dần bị trầm cảm, hiện phải nằm viện vì mấy ngày trước cố tự tử. Nhân đó, John yêu cầu cảnh sát đưa "vợ" tới hiện trường để đổi lấy một con tin. Người "vợ" sau đó có mặt nhưng không chịu lại gần ngân hàng để nói chuyện với John.
Do John cho rằng nhà chức trách cố ý ngăn mình gặp "vợ", bầu không khí giữa hai bên dần trở nên căng thẳng. John tăng cường yêu sách, đòi cảnh sát chuẩn bị máy bay cho mình và đồng bọn trốn sang nước ngoài. John nói sẽ lần lượt thả hai con tin ở mỗi điểm dừng trên đường đi sân bay.
Cuối cùng, yêu sách của John được nhà chức trách chấp thuận sau khi cuộc bắt giữ con tin chạm mốc 14 tiếng. Một đặc vụ FBI được giao nhiệm vụ lái xe chở hai tên cướp nhà băng cùng con tin tới sân bay. Khi cả đoàn đang lên xe, một người con tin nhảy xuống thoát thân nhưng không bị hai tên cướp để ý.
Thực tế, FBI chỉ vờ chấp thuận yêu cầu của John để giảm căng thẳng và tìm cách giải cứu con tin. Khi hai tên cướp vừa tới sân bay, lính bắn tỉa được mai phục sẵn đã nổ súng bắn chết Salvatore, John sau đó đầu hàng. Các con tin cũng được giải cứu và không bị thương. Bobby, người bỏ dở vụ cướp giữa chừng, đầu thú vào hôm sau.
Tại phiên tòa vào tháng 4/1973, John bị tuyên phạt 20 năm tù tại trại giam liên bang nhưng sau kháng cáo được giảm còn 15 năm tù. Bobby chỉ bị kết tội Âm mưu cướp tài sản, án hai năm tù.
Động cơ cướp tiền kỳ lạ của John khiến nhiều người chú ý. Nhờ vậy mà dù ngồi tù, John vẫn có thể giúp "vợ" hoàn thành tâm nguyện bằng cách bán bản quyền chuyện đời mình cho nhà sản xuất phim tại Hollywood với giá 7.500 USD. Bộ phim Dog Day Afternoon sau đó trở thành "bom tấn" với doanh thu gấp gần 30 lần chi phí sản xuất.
Nhờ cải tạo tốt, John được tự do sau 5 năm. Sau khi ra tù, John phải quay lại nhà tù hai lần vì vi phạm pháp luật trong thời gian thử thách, lần lượt vào năm 1984 và năm 1986-1987.
Ra tù lần ba, John tới sống với mẹ ở thành phố New York và từng cố gắng ứng tuyển vào vị trí bảo vệ ngân hàng. Trong đơn xin việc, John nêu "chiến tích" và nói sẽ không ai dám cướp ngân hàng nếu mình làm bảo vệ. Sau khi bị từ chối, John sống nhờ trợ cấp thất nghiệp và chết vì ung thư vào năm 2006 ở tuổi 60.
Quốc Đạt (Theo New York Times, Los Angeles Times, BBC)