Thông tin trên được nhìn thấy trong bản dự thảo nghị quyết được lưu hành giữa các nhà ngoại giao ở Geneva, Thụy Sĩ, trong đó cảnh báo về "các vụ bạo lực cảnh sát chống lại người biểu tình ôn hòa" nhằm bảo vệ quyền của người châu Phi và gốc Phi.
Dự thảo này kêu gọi thành lập một ủy ban điều tra quốc tế độc lập về sự phân biệt chủng tộc có hệ thống, các cáo buộc vi phạm luật nhân quyền quốc tế và các vụ lạm dụng người châu Phi, người gốc Phi ở Mỹ, cũng như nhiều nơi khác trên thế giới. Cuộc điều tra dự kiến kéo dài một năm.
Dự thảo sẽ được thảo luận trong một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào ngày 17/6. Burkina Faso đã đại điện các quốc gia châu Phi yêu cầu triệu tập cuộc họp này sau cái chết của George Floyd, người đàn ông Mỹ gốc Phi ở thành phố Minneapolis cuối tháng trước.
Hơn 600 nhóm hoạt động, do Liên minh Tự do Dân sự Mỹ dẫn đầu, tuần trước đã kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc điều tra về các vụ lạm dụng ở Mỹ. Tuy nhiên, Hillel Neuer, người đứng đầu UN Watch, tổ chức phi chính phủ giám sát hoạt động của Liên Hợp Quốc, có trụ sở ở Geneva, lo ngại cuộc điều tra này sẽ trở thành trò cười khi "một số quốc gia có vấn đề bạo lực cảnh sát và phân biệt chủng tộc nghiêm trọng nhất sẽ được yêu cầu trở thành người ra phán quyết".
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc từng mở ủy ban điều tra hoặc tiến hành tìm hiểu thực tế về tình trạng vi phạm nhân quyền tại nhiều điểm nóng như Syria, Burundi, Myanmar, Nam Sudan, Venezuela và Yemen.
Bạo lực cảnh sát và phân biệt chủng tộc đang là vấn đề nhức nhối ở Mỹ, sau cái khi Floyd bị cảnh sát ghì gáy gần 9 phút dẫn tới tử vong hôm 25/5. Phẫn nộ đã thổi bùng làn sóng biểu tình trên khắp nước Mỹ suốt 3 tuần qua. Nhiều nhà hoạt động thậm chí kêu gọi "xóa sổ" lực lượng cảnh sát để chấm dứt tình trạng bạo lực với người da màu ở Mỹ.
Thanh Tâm (Theo Reuters)