Từ: Lê Trung
Đã gửi: 14 Tháng Ba 2011 5:34 SA
Cháu Châu thân mến!
Đọc tâm trạng của cháu, tôi có vài góp ý như sau:
Có lần thầy dạy toán gợi ý em thi vào ngành y, có lẽ thầy nhận thấy em vững môn toán, một môn thi quan trọng để đậu vào trường Y, vì học sinh khối B thường yếu môn toán hơn. Bố mẹ em có trong ngành y không? Nếu có thì gia đình em còn thấy lý tưởng của ngành: cống hiến, hy sinh, mà thực tế nhiều bạc bẽo lắm. Đừng nghĩ rằng vào y khoa để kiếm tiền.
Khả năng Anh ngữ của em đạt yêu cầu và dễ trúng tuyển vào ngành em yêu thích từ lớp 5. Tôi không biết em đang sinh sống ở thành phố nào và dự định thi vào trường Y nào, chỉ có một điều tôi nhắn nhủ cho em biết 3 môn toán, hóa, sinh tối thiểu mỗi môn 9 điểm (tổng là 27 điểm) thì mới chắc ăn vào y khoa.
Nếu em cảm thấy "yếu" thì đừng ra "gió" vì lỡ em rớt y khoa lần này, có còn cố gắng luyện thi lần sau nữa không? Đây là nỗi trăn trở của xã hội về đường lối giáo dục của VN. Một nghịch lý ngược đời, đầu vào phải chui qua khe hẹp còn đầu ra bình quân chủ nghĩa, trong khi đó ở các nước tiên tiến khác cửa vào ĐH rộng mở dù có xét tuyển ban đầu, nhưng chất lượng đầu ra là một sản phẩm chất lượng.
Con tôi phản đối thi vào y khoa: lý do không đúng sở thích, mà chỉ thích ngành mỹ thuật hoặc quản lý khách sạn, muốn đi học ở nước ngoài mà thôi. Môi trường xã hội, bạn bè, người thân là những yếu tố tác động mạnh mẽ đến lý tưởng của các em, điều này khó tránh khỏi. Tuy nhiên sở thích của các em thì phải xem lại vì nó mù mờ, xa xôi, ít thực tiễn cho cuộc sống. Mới lớp 5 mà thích kinh doanh giỏi là một sở thích cần "vứt đi" rồi em ạ.
Trở lại vấn đề gia đình đấu tranh tư tưởng với con trẻ về sở thích thật "trần ai". Tôi nêu một kinh nghiệm bản thân: tôi yêu cầu con tôi muốn đi học theo sở thích thì phải học giỏi và tự tìm học bổng.
Tôi không cho kinh phí vì ngành học của con tôi thấy không vừa ý nên không đầu tư. Sau giai đoạn bàn thảo bất thành, hơn 3 tháng bố con không nhìn mặt nhau. Thế mà hiện tại con tôi học rất giỏi, qua mặt các bạn đồng lứa và chuẩn bị năm sau trở thành một bác sỹ tiêu chuẩn quốc tế trong tương lai.
Em Châu thân mến, nhân dịp bài viết của em về sở thích đường vào ĐH, một vấn đề thời sự và muôn thuở của hầu hết học sinh trước mỗi mùa thi tuyển, tôi muốn nhắc nhở các em mấy điều: sở thích của các em chỉ là sở thích hiện tại, còn tương lai thì chưa rõ ràng. Giống như các em yêu ai gặp trắc trở thì buồn chán nhưng còn tương lai có hạnh phúc hay không thì chỉ có ông trời mới biết.
Thân chào em Châu và các bạn trẻ chuẩn bị vào đại học có cùng tâm trạng. Hy vọng mấy ý kiến này giúp các em khái niệm thêm thế nào là sở thích và các bậc phụ huynh tham khảo nếu thấy có hoàn cảnh liên quan với con em mình.