Theo một quan chức giấu tên, người dân châu Âu đang bị chia rẽ về nhiều vấn đề, như cách chia sẻ gánh nặng năng lượng hay cam kết tăng chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, về vấn đề cốt lõi là đối đầu Nga, quyết tâm của khu vực vẫn chưa bị lung lay.
"Không ai nói không với bất cứ đề xuất nào. Mặc dù có một số bất đồng về các chi tiết, không ai chùn bước hay đi chậm lại", ông này cho biết.
Song Mỹ vẫn là nước dẫn dắt các nỗ lực ủng hộ Ukraine, giúp châu Âu xây dựng một mặt trận thống nhất, nêu gương bằng những cam kết viện trợ khổng lồ của mình, Tocci nói.
"Bạn có thể tưởng tượng rằng nếu mặt trận ủng hộ ở Mỹ lung lay, mọi thứ sẽ sụp đổ theo", bà cho hay.
Bà viện dẫn trường hợp của Italy, nơi chính phủ liên minh gồm các đảng cực hữu vừa lên nắm quyền. Tân Thủ tướng Giorgia Meloni đã dập tắt mối lo ngại của châu Âu rằng Italy có thể trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên ngoảnh mặt với Ukraine.
"Italy do chúng tôi dẫn dắt sẽ không bao giờ là mắt xích yếu của châu Âu", bà Meloni cam kết.
Nhưng đảng Anh em Italy của bà đang điều hành đất nước trong một liên minh với hai đảng cánh hữu theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu là đảng Liên đoàn và đảng Forza Italia của cựu thủ tướng Silvio Berlusconi, người ngưỡng mộ Tổng thống Nga Putin và mới đây tuyên bố rằng Tổng thống Ukraine phải chịu trách nhiệm khi buộc Nga phát động chiến dịch quân sự.
"Một động lực vô cùng quan trọng đối với người châu Âu là Mỹ rất mạnh về cả quân sự và tài chính. Điều này thực sự thúc đẩy người châu Âu ủng hộ Ukraine. Nếu mặt trận ủng hộ ở Mỹ tan vỡ, chắc chắn tâm lý ở châu Âu, nơi cuộc khủng hoảng năng lượng và kinh tế đang được cảm nhận rệt nét hơn, sẽ bị tác động đáng kể", Tocci nhận định.
Theo giới quan sát, trong trường hợp đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong bầu cử giữa kỳ và giảm dần sự ủng hộ của Mỹ với Ukraine, các đồng minh châu Âu có có thể bù đắp khoảng trống mà Washington để lại.
Nếu tính quy mô hỗ trợ theo tỷ lệ phần trăm GDP, Mỹ đứng sau nhiều nước châu Âu. Latvia hiện dẫn đầu, với khoản hỗ trợ trị giá 0,9% GDP, trong khi giá trị viện trợ của Mỹ chỉ chiếm 0,2% GDP của họ. Dù vậy, con số đóng góp của Mỹ vẫn đủ sức làm lu mờ bất kỳ quốc gia nào khác.
Khó quốc gia phương Tây nào có thể đuổi kịp các cam kết hỗ trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine. Washington đã hứa viện trợ Kiev 27 tỷ USD, gấp hơn 7 lần so với cam kết 3,74 tỷ USD của Anh, nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai.
Khi chiến sự tiếp tục kéo dài, nhu cầu được hỗ trợ của Ukraine không ngừng tăng lên. Các cuộc tập kích gần đây của Nga nhằm vào lưới điện Ukraine khiến nhiều thành phố rơi vào cảnh mất điện, có thể khiến người dân đối mặt với một mùa đông tối tăm, lạnh lẽo. Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng Ukraine cần hàng tỷ USD viện trợ khẩn cấp để duy trì tồn tại trong năm tới.
Tại hội nghị về tái thiết Ukraine diễn ra ở Berlin, Đức, hôm 25/10, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đã thúc giục phương Tây cung cấp gói cứu trợ kinh tế tức thời trị giá 17 tỷ USD, bên cạnh khoản viện trợ trị giá 3 tỷ USD mỗi tháng từ Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
Giới phân tích đánh giá những yêu cầu của Ukraine là rất lớn và có thể tạo ra áp lực nặng nề hơn khi châu Âu bước vào mùa đông. Đó là lúc vai trò lãnh đạo của Mỹ phát huy tác dụng, nghị sĩ Anh Ellwood nhấn mạnh.
"Khi Mỹ hành động, các nước khác cũng sẽ làm theo. Quy mô hỗ trợ cả về tài chính lẫn quân sự từ Mỹ đều vượt trội so với các quốc gia khác", ông nói. "Nhưng nếu Mỹ bắt đầu phân vân, các nước khác cũng sẽ hoài nghi theo".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)