Cũng như các khu vực khác trên thế giới, châu Âu đang theo dõi sát sao vấn đề khủng hoảng ngân sách ở Washington và lo ngại nguy cơ Mỹ vỡ nợ. Nếu điều này xảy ra, khả năng phục hồi kinh tế mong manh của châu Âu, đặc biệt là các quốc gia vùng rìa, sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. "Châu Âu sẽ chẳng vui vẻ gì nếu Mỹ vỡ nợ. Dù kinh tế đã bắt đầu hồi phục, nó vẫn rất mong manh và không đồng đều", Mark Wall – Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Âu tại Deutsche Bank cho biết trên Christian Science Monitor.
Sau nhiều năm khủng hoảng kinh tế, châu Âu gần đây mới có tín hiệu hồi phục. Dù tốc độ phát triển kinh tế của 17 nước eurozone được dự đoán giảm 0,4% năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn hy vọng khối này sẽ tăng trưởng 1% năm tới.
Những số liệu này vẫn còn khá khiêm tốn, nhưng chúng thực sự đã vượt xa dự đoán ban đầu, khi niềm tin và tiêu dùng tăng lên. Cũng theo IMF, ba nền kinh tế hàng đầu châu Âu - Pháp, Đức, và Anh sẽ sớm có những chuyển biến tích cực. Pháp được dự đoán sẽ tăng trưởng nhẹ giai đoạn 2013 – 2014. GDP Đức có thể tăng 0,5% năm 2014. Còn Anh sẽ tăng trưởng 1,4% năm 2013 và 1,9% năm 2014.
Tuy nhiên, mọi dự đoán sẽ là vô nghĩa nếu Nhà Trắng và Đảng Cộng hòa không đạt được thỏa thuận chung về vấn đề nâng mức trần nợ công vào ngày 17/10 tới đây.
Kinh tế châu Âu thường chịu ảnh hưởng lớn từ Mỹ. "Mỹ là bạn hàng lớn thứ hai của châu Âu", ông Wall nhận định, "hai nền kinh tế này còn tồn tại mối tương quan mạnh mẽ về tài chính".
Mỹ vỡ nợ sẽ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục kinh tế của châu Âu qua con đường thương mại, cụ thể là hoạt động xuất khẩu sang Mỹ. USD yếu đi sẽ khiến giá cả các mặt hàng từ châu Âu trở nên đắt đỏ, làm giảm khả năng cạnh tranh của khu vực.
Ảnh hưởng cũng sẽ lan đến những nước ở phía Nam châu Âu như Tây Ban Nha, Italia, Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn với họ, khi tốc độ phục hồi kinh tế ở những quốc gia này còn chậm hơn cả Bắc Âu.
Tương tự các nước Bắc Âu, tốc độ phục hồi khu vực này cũng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Hoạt động này đang bù đắp ảnh hưởng từ tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục và nhu cầu tiêu dùng đi xuống thời gian qua. Nếu Mỹ vỡ nợ, quá trình phục hồi của các quốc gia này sẽ bị kéo lùi.
"Lực đẩy duy nhất tại châu Âu lúc này là nhu cầu từ nước ngoài. Mỹ chỉ chiếm 12% xuất khẩu của eurozone. Đây không phải là tỷ lệ lớn. Tuy nhiên, Mỹ vỡ nợ sẽ có ảnh hưởng toàn cầu và tác động gián tiếp đến hoạt động thương mại của châu Âu", Matteo Cominetta - nhà kinh tế học khu vực châu Âu tại HSBC cho biết.
Bên cạnh đó, vỡ nợ sẽ làm tăng chi phí đi vay của các ngân hàng và doanh nghiệp Mỹ. Một cú sốc tài chính sẽ ngay lập tức lan rộng trên toàn cầu, đặc biệt là ở châu Âu. Hậu quả là lãi suất khu vực này sẽ tăng vọt, nhất là các nước vùng rìa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phục hồi.
"Phần lớn các quốc gia châu Âu không thể chịu được lãi suất cao khi vừa mới hồi phục", Cominetta nhận xét. Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng có thể can thiệp vào thị trường và giải cứu các quốc gia vùng rìa. Nhưng kể cả như vậy, hậu quả cũng vẫn rất lớn. "Ngoại trừ chờ đợi thông tin thỏa hiệp từ Washington, tôi nghĩ châu Âu chẳng thể làm gì nhiều vào lúc này", ông Wall nói.
Việt Nga