Tuy nhiên, nền kinh tế số một thế giới đã bị đặt vào tình trạng "cân nhắc hạ tín nhiệm". Điều này có nghĩa khả năng tụt hạng trong tương lai gần đã cao lên.
"Dù Fitch tin rằng trần nợ sẽ được nâng, mâu thuẫn giữa các chính trị gia và độ linh hoạt tài chính suy giảm vẫn có thể làm tăng rủi ro Mỹ vỡ nợ", thông báo của hãng viết. Ngay sau văn bản này, người phát ngôn của Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố việc này "đã phản ánh sự cấp thiết rằng Quốc hội phải gỡ bỏ ngay nguy cơ vỡ nợ đang rình rập nền kinh tế".
Nếu đến hạn chót ngày mai (17/10) Mỹ không nâng trần nợ, Bộ Tài chính sẽ không được phép vay thêm tiền để chi trả tiền lãi, phúc lợi xã hội, lương quân nhân và nhiều khoản khác. Nếu không thể thanh toán các khoản nợ, Mỹ sẽ ngay lập tức bị hạ tín nhiệm xuống "RD" (vỡ nợ có giới hạn) cho đến khi việc này được giải quyết. Tuy nhiên, hãng cũng cho biết quyết định của mình còn phụ thuộc vào việc Quốc hội nâng trần nợ như thế nào và trong vòng bao lâu.
Một số nhà bình luận, trong đó có hãng xếp hạng Moody’s dự đoán Bộ Tài chính sẽ ưu tiên thanh toán lãi suất trái phiếu nếu trần nợ không được nâng, để bảo vệ tín nhiệm quốc gia. Tuy nhiên, Fitch cho biết Bộ Tài chính "có thể không ưu tiên việc này và chưa rõ liệu họ có quyền lực pháp lý để làm thế hay không".
Fitch nhận định cuộc khủng hoảng hiện tại cũng tương tự năm 2011, "làm giảm niềm tin vào đồng USD trong vai trò tiền tệ dự trữ toàn cầu và ảnh hưởng đến tín dụng của Mỹ". Năm 2011, cuộc chiến nâng trần nợ của Mỹ đã khiến nước này bị Standard & Poor's hạ một bậc xếp hạng, từ AAA xuống AA+. Còn Moody’s vẫn duy trì xếp hạng AAA.
Thùy Linh