Tại Chisinau, thủ đô Moldova, ông Tudor Popescu đang tích trữ đống củi lớn trong kho để có thể sưởi ấm ngôi nhà của mình vào mùa đông.
Trong những mùa đông trước đây, ông từng dùng khí đốt để sưởi ấm vào buổi sáng và đốt củi vào buổi tối. Tuy nhiên, Moldova, quốc gia ở Đông Âu, đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt khí đốt sau khi tập đoàn Gazprom của Nga cắt giảm 1/3 nguồn cung.
"Tôi sẽ không dùng khí đốt nữa, giờ chỉ dựa vào củi", ông nói khi vung mạnh rìu và cho củi mới chẻ vào lò sưởi. "Nhưng số củi hiện có là không đủ".
Sau nhiều tháng ráo riết nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) trên toàn cầu, tỷ lệ dự trữ khí đốt nói chung ở châu Âu đã đạt 93,6%, riêng Đức đã lấp đầy 97,5%. Giá khí đốt cũng đã giảm mạnh, hiện chỉ bằng chưa đầy một phần ba đỉnh mùa hè, nhưng giới quan sát đánh giá rủi ro vẫn còn ở phía trước, vì tình hình còn phụ thuộc lớn vào thời tiết. Nếu mùa đông năm nay khắc nghiệt hơn, nguy cơ cạn kho dự trữ khí đốt vẫn hiện hữu.
Nỗi lo đó đã khiến một số người ở châu Âu, đặc biệt là các nước nghèo, phải chuyển sang các phương pháp sưởi ấm khác như củi khi mùa đông cận kề.
Tuy nhiên, nhu cầu tăng khiến nguồn cung gỗ thiếu hụt, giá cả leo thang, làm dấy lên tình trạng trộm cắp gỗ. Các nhà quản lý và kiểm lâm buộc phải tăng cường sử dụng công nghệ để giám sát rừng, trước lo ngại về tác động môi trường và nạn chặt phá rừng không kiểm soát.
Giới chức Moldova, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu, lo ngại rằng mùa đông năm nay sẽ khắc nghiệt hơn, do chi phí điện và sưởi ấm leo thang.
Theo AP, nhu cầu củi đốt tăng cao không chỉ xảy ra ở những nước nghèo như Moldova, mà còn lan rộng ra các khu vực giàu có hơn của lục địa già.
Tại các khu rừng thuộc sở hữu nhà nước của Đức, Ba Lan, Cộng hòa Czech, nhu cầu mua củi đang cao hơn nhiều so với lượng gỗ mà giới chức được phép khai thác theo chương trình quản lý rừng bền vững.
Theo cơ quan quản lý rừng ở bang Hesse, tây nam Đức, đơn đặt hàng thường đến từ những khách hàng trước đây chưa từng mua củi và dường như không biết cần phải đặt hàng trước hai năm để gỗ có thể đạt đủ độ khô thành củi đốt.
Kiểm lâm Đức cũng ghi nhận nhiều trường hợp người dân thu gom cây gỗ gãy đổ trong rừng mà không biết đó là hành động bất hợp pháp. Trong khi đó, cơ quan quản lý rừng Cộng hòa Czech phải hạn chế lượng củi bán cho các cá nhân để ngăn chặn tình trạng đầu cơ.
Ở Ba Lan, nhu cầu mua củi từ các khu rừng quốc hữu trong tháng 8 đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng này đã xảy ra trước mùa thu, thời điểm nhu cầu củi đạt đỉnh.
"Nhu cầu mua củi tăng cao từ các khu rừng thuộc sở hữu nhà nước do đây là nguồn nhiên liệu rẻ nhất hiện nay. Củi cành có lẽ là vật liệu sưởi ấm rẻ nhất ở EU", Michal Gzowski, phát ngôn viên Cơ quan Rừng Quốc gia Ba Lan, cho biết, thêm rằng nạn trộm củi ở nước này đang gia tăng.
Nicole Fiegler, phát ngôn viên sở lâm nghiệp bang North Rhine-Westphalia, Đức, cho biết cơ quan này đang thử nghiệm phương án giấu thiết bị định vị GPS trong các khúc gỗ lớn để ngăn chặn nạn trộm cắp.
Các nhà quản lý rừng ở vùng Hessen lân cận đã áp dụng phương án gắn thiết bị GPS từ năm 2013 và tuyên bố đã giải quyết một số vụ trộm gỗ bằng phương pháp này.
Bang North Rhine-Westphalia chưa ghi nhận các vụ trộm gỗ quy mô lớn, song giá củi tăng đang khiến các chủ sở hữu những khu rừng nhỏ lo ngại về nguy cơ gỗ của họ bị đánh cắp, gây thiệt hại nặng nề.
"Lo lắng và sợ hãi bao trùm", phát ngôn viên Fiegler nói, nhấn mạnh vào tình trạng củi tăng giá ở khu vực. Theo cơ quan thống kê Đức, giá củi và viên nén gỗ trong tháng 8 tăng 85% so với cùng kỳ năm 2021.
Viện Pellet của Đức cảnh báo người tiêu dùng về tình trạng một số kẻ lừa đảo yêu cầu người mua củi chuyển tiền thanh toán trước. Cảnh sát Áo cũng cảnh báo tình trạng lừa đảo bán củi và viên nén gỗ trực tuyến, trong khi một số doanh nghiệp trên toàn quốc bị thanh tra do nghi ngờ thao túng giá các mặt hàng này trên thị trường.
Ở Đan Mạch, nhu cầu về lò sưởi tăng song song với củi đốt. Giới chức Đan Mạch cho biết lượt tìm kiếm sản phẩm viên nén gỗ tăng tới 1.300% so với năm ngoái. Chính phủ và giới bảo vệ môi trường Đan Mạch cũng cảnh báo người dân về nguy cơ ô nhiễm môi trường và sức khỏe khi đốt củi để sưởi ấm.
Egzona Shala, lãnh đạo EcoZ, tổ chức môi trường ở Cộng hòa Kosovo, cho biết nạn phá rừng ở nước này tăng đáng kể trong bối cảnh giá điện tăng vọt. EcoZ đã theo dõi các khu rừng ở những khu vực miền núi và nhiều lần phát hiện các nhóm đốn gỗ trái phép vào rạng sáng.
Số gỗ này sau đó được cưa thành củi và bán tại thủ đô. Chúng chủ yếu là những cây non, bà Shala nói, thêm rằng các khu rừng đang bị "phá hoại một cách thô bạo mà không có bất cứ tiêu chí hay sự kiểm soát nào".
Đức Trung (Theo AP)