Thứ ba, 24/12/2024
Thứ hai, 18/7/2022, 13:57 (GMT+7)

Châu Âu hứng chịu nắng nóng 'như địa ngục'

Người dân nhiều nước tây nam châu Âu vật vã với nhiệt độ cao kỷ lục khi nắng nóng tấn công, gây cháy rừng ở nhiều nơi.

Người phụ nữ sử dụng quạt giấy khi di chuyển bằng tàu điện ngầm ở London trong ngày nắng nóng 17/7.

Cơ quan khí tượng Anh hôm 15/7 lần đầu ban hành cảnh báo đỏ về nắng nóng, khi nhiệt độ ở một số khu vực tại nước này được dự báo lần đầu tiên chạm mức 40 độ C, phá vỡ kỷ lục nắng nóng từng ghi nhận là 38,7 độ C năm 2019.

Biển báo đường bộ hiển thị cảnh báo "Nắng nóng cực độ, hãy chuẩn bị chu đáo cho hành trình, mang theo nước", trên đường cao tốc M11 ở phía bắc London ngày 17/7.

Người dân đổ xô tới bãi biển tránh nóng ở Vịnh Joss, đông nam nước Anh, ngày 17/7.

Các bệnh viện ở Anh cảnh báo số người nhập viện do nắng nóng gia tăng. Một số công ty vận hành đường sắt ở nước này đã thông báo hủy chuyến.

Nước Pháp cũng đang đối mặt đợt nắng nóng cao điểm từ Địa Trung Hải tới Brittany ở tây bắc. 15 khu vực đang được đặt trong tình trạng cảnh báo cao nhất vì nhiệt độ cao. Nhiệt độ ở miền tây nước Pháp dự kiến từ 38 đến 40 độ C.

Nhiệt độ ở khu vực rừng Landes, vùng Aquitaine, tây nam Pháp, dự kiến vượt 42 độ C, còn tại Brittany, nhiệt độ lên tới 40 độ C, cao nhất từ trước tới nay.

Trong ảnh, người dân nhảy hồ nhân tạo ở Lavau-sur-Loire, miền tây nước Pháp, để giải nhiệt trong ngày nắng nóng 17/7.

Người dân địa phương đi ngang qua một hiệu thuốc có bảng hiển thị nhiệt độ ngoài trời 42,5 độ C ở Toulouse, miền nam nước Pháp, ngày 17/7. Một nghị sĩ Pháp đã mô tả thời tiết nắng nóng ở nước này hiện nay không khác gì "địa ngục".

Đội cứu hỏa vùng Gironde chữa cháy rừng gần Landiras, tây nam nước Pháp, ngày 16/7.

Cuối ngày 17/7, đám cháy ở Gironde bùng phát từ tuần trước đã phá hủy diện tích 13.000 hecta và lan nhanh do gió lớn, buộc hơn 16.000 người đi nghỉ mát trong khu vực phải sơ tán.

Nắng nóng gay gắt gây ra loạt vụ cháy rừng ở Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Italy và Croatia.

Trực thăng chữa cháy rừng ở dãy núi Sierra de Mijas thuộc tỉnh Malaga, phía nam Tây Ban Nha, ngày 15/7.

Đây là đợt sóng nhiệt thứ hai tấn công khu vực tây nam châu Âu trong vòng vài tuần. Giới khoa học nhận định biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây sóng nhiệt cực đoan và dự đoán các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng hay hạn hán sẽ xảy ra thường xuyên hơn.

Xe buýt chở khách du lịch đi ngang qua nhiệt kế ngoài trời hiển thị 49 độ C ở Gran Via, trung tâm thành phố Madrid, Tây Ban Nha, ngày 15/7.

"Biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra đợt nắng nóng lần này, cũng như các đợt nắng nóng đang và sắp diễn ra", Friederike Otto, giảng viên khoa học khí hậu tại viện Grantham, Đại học Hoàng gia London, nói. "Khí nhà kính từ nhiên liệu hóa thạch như than đá, khí đốt và dầu mỏ khiến các đợt sóng nhiệt nóng hơn, dài hơn và thường xuyên hơn".

Đoạn sông Po khô cạn tại Carmagnola, gần Turin, Italy, ngày 15/7. Miền bắc Italy đang trải qua cảnh hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 70 năm qua.

Lính cứu hỏa đối phó đám cháy rừng gần làng Eiriz in Baiao, miền bắc Bồ Đào Nha, hôm 15/7.

Người dân đổ nước dập tàn lửa trên gốc cây ôliu ở Moinhos Joao da Serra, huyện Ourem, tỉnh Santarem, miền trung Bồ Đào Nha, ngày 13/7. Nhiều đám cháy bùng lên ở Santarem tuần trước do nắng nóng, khi nhiệt độ trong khu vực lên tới 46 độ C, cao nhất toàn quốc.

Ảnh: AFP/Reuters/AP