Ủy ban châu Âu (EC) ngày 22/4 ra khuyến nghị rằng các công ty châu Âu có thể hoàn thành nghĩa vụ thanh toán hợp đồng khí đốt với Nga bằng cách chuyển USD hoặc EUR cho ngân hàng Gazprombank của Nga, để ngân hàng này chuyển đổi sang đồng ruble.
Đây là điều kiện được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra trong sắc lệnh hồi cuối tháng 3, trong đó quy định tất cả khoản thanh toán sẽ được xử lý bởi ngân hàng Gazprombank, công ty con của tập đoàn năng lượng nhà nước Gazprom. Bên mua sẽ chuyển các khoản thanh toán vào tài khoản Gazprombank bằng ngoại tệ, sau đó ngân hàng sẽ chuyển đổi thành ruble và chuyển vào tài khoản ruble của người mua.
EC hồi đầu tháng 4 cho rằng quy trình thanh toán bằng đồng ruble này có thể vi phạm các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Tuy nhiên, trong khuyến nghị mới nhất, cơ quan này thay đổi quan điểm, đánh giá phương thức trên "không vi phạm lệnh cấm vận".
EC khuyến cáo các công ty cần yêu cầu phía Nga xác nhận quy trình này có thể được áp dụng theo quy định của sắc lệnh mà Tổng thống Putin ban hành. Cơ quan này lưu ý các công ty EU cần tuyên bố rõ rằng họ đã hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng sau khi chuyển ngoại tệ cho ngân hàng Nga.
Khuyến cáo của EC không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý, song được nhận định thể hiện mức độ phức tạp từ các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt với Nga.
Nga đe dọa cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu nếu các công ty đối tác không thanh toán bằng đồng ruble. Điện Kremlin yêu cầu khách hàng từ các nước "không thân thiện", chủ yếu là Mỹ và các nước châu Âu, phải mở tài khoản đồng ruble tại ngân hàng Nga để tiếp tục mua khí đốt.
Một số quốc gia phương Tây như Mỹ và Anh đã tuyên bố ngừng nhập dầu khí của Nga. Tuy nhiên, các nước châu Âu như Đức gặp khó khăn khi cắt giảm lượng dầu khí nhập khẩu từ Nga, vốn là nguồn cung năng lượng chính của họ.
Sắc lệnh của Tổng thống Putin có hiệu lực từ ngày 1/4, nhưng sau thời hạn này, khí đốt Nga vẫn tiếp tục chảy tới châu Âu. Điện Kremlin giải thích rằng quy định thanh toán bằng đồng ruble có thể được thực hiện vào nửa cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5.
EU từ chối cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga ngay lập tức, do lo ngại ảnh hưởng tới kinh tế và sản xuất. Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Khoảng 25% nguồn dầu mỏ cho châu Âu cũng đến từ Nga.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters, Fox News)