Dòng chảy phương Nam, hay South Stream, là một dự án khổng lồ nhằm xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga, qua Biển Đen, Bulgaria và Serbia, đưa gas đến phía nam châu Âu. Khả năng xây dựng đường ống dẫn khí đốt có chi phí ít nhất 30 tỷ USD này vẫn đang là một vấn đề chính trị đang gây tranh cãi trong vài tháng gần đây. Nhưng các đối tác của dự án, bao gồm cả tập đoàn năng lượng khổng lồ của Italy là Eni, đã không giấu được ngạc nhiên trước quyết định của Putin. Họ chỉ được biết thông tin qua báo chí, sau khi Tổng thống Nga đã công bố trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ.
Bất chấp quyết định hủy bỏ của ông Putin, các quan chức của Liên minh châu Âu, vốn là bên muốn ngăn chặn việc xây dựng đường ống để trừng phạt Nga, cho biết một cuộc họp giữa EU với các nước có liên quan vẫn sẽ diễn ra vào tuần tới.
![south-stream-map-en-4239-1417880088.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2014/12/06/south-stream-map-en-4239-1417880088.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WAj2-oU2WixIlR6re0czqQ)
Đường đi dự kiến của South Stream. Đồ họa: Gazprom.
Việc từ bỏ xây dựng đường ống dẫn khí đốt South Stream là một đòn giáng mạnh vào các nước Đông Âu nghèo như Bulgaria và Serbia, những nước mà đường ống này sẽ đi qua. Nếu đường ống được xây dựng và hoạt động, các nước này sẽ được thu phí trung chuyển.
Chỉ một ngày sau tuyên bố của Putin, một công ty cho biết đã chịu thiệt hại nặng nề và rõ ràng. Côn ty Italy mang tên Saipem thông báo mất hợp đồng xây dựng đường ống South Stream trị giá 2,4 tỷ euro, tương đương với 3 tỷ USD. Giá cổ phiếu của Saipem giảm hơn 10% trong một ngày. Công ty cho hay họ không hề nhận được bất cứ một thông báo nào về việc hủy bỏ dự án từ South Stream Transport - hãng có trụ sở ở Hà Lan chịu trách nhiệm xây dựng 928 km đường ống dẫn từ Nga qua Biển Đen đến Bulgaria, một phần quan trọng của toàn dự án.
Đường ống vận chuyển khí đốt South Stream thuộc sở hữu 50% của công ty dầu khí lớn nhất của Nga là Gazprom, trong khi các công ty năng lượng ENI, EDF của Pháp và Wintershall của Đức chiếm 50% còn lại. Gazprom, tập đoàn dầu khí, năng lượng thuộc sự kiểm soát của nhà nước Nga là lực lượng chính thúc đẩy dự án South Stream.
Alexei Miller, giám đốc điều hành Gazprom, người tháp tùng Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết vào hôm thứ hai ông đã ký một bản thỏa thuận sơ bộ với công ty dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ Botas Pipeline để xây dựng một đường ống dẫn khí đốt có cùng kích cỡ như đường ống South Stream dưới biển Đen sang Thổ Nhĩ Kỳ. Khoảng một phần năm lượng khí chuyển qua của Nga sẽ được dành cho Ankara, trong khi phần còn lại sẽ được vận chuyển đến một điểm tại biên giới với Hy Lạp, Gazprom cho biết.
Hiện châu Âu nhập 30% nhu cầu của mình từ Nga, và một nửa trong lượng này chuyển qua đường ống ở Ukraine. Cuộc khủng hoảng Ukraine khiến châu Âu ngày càng mong muốn giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga.
Ý niệm cho rằng ông Putin đang yếu thế trước áp lực trừng phạt kinh tế từ phương Tây khiến nền kinh tế Nga, vốn đang suuy giảm, thêm ảm đạm. Bộ Kinh tế Nga mới cho biết nước này sẽ sa vào suy thoái từ năm sau, khiến đồng ruble giảm sâu thêm so với đô la Mỹ. Trong một năm qua, tỷ giá ruble giảm 35% so với USD.
Một số nhà phân tích đưa ra câu hỏi rằng liệu ông Putin có đang làm căng để ép buộc Liên minh Châu Âu và Mỹ thôi phản đối đường ống South Stream. Tuy nhiên những người khác cho rằng việc hủy bỏ dự án, hoặc ít nhất là đình hoãn, là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh bế tắc chính trị giữa phương Tây và Moscow.
"Đây là một chiến thắng, xét trên các góc độ thông thường", Jonathan Stern, chủ tịch Chương trình khí đốt tại Viên Nghiên cứu năng lượng Oxford cho biết. Stern cho rằng kế hoạch của Nga nhằm sử dụng một đường ống không đi qua Ukraine mà vẫn đưa khí đốt đến châu Âu nay đã bị hủy bỏ hoặc gặp khó khăn nghiêm trọng.
Moscow giới thiệu dự án này đã lâu, từ năm 2007, rằng nó có lợi về mặt kinh doanh bởi tạo nên một đường cấp khí đốt cho châu Âu. Nhưng Âu và Mỹ phản đối vì đường ống này sẽ cho phép Nga tăng cường phạm vi ảnh hưởng ở Nam Âu, nhưng cũng cân nhắc việc nó bỏ qua Ukraine, nước từng khiến châu Âu bị ngắt nguồn cung hai lần trong vài năm qua do tranh chấp giá giữa Kiev và Moscow.
Phát biểu ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông Putin đổ lỗi cho châu Âu đã không khoan nhượng và cho biết ông sẽ chuyển đường ống đến Thổ. Các nhà phân tích, kể cả ông Stern, đánh giá kế hoạch này cũng hợp lý. Thổ Nhĩ Kỳ là một nước lớn trong khu vực mà có nhu cầu về khí đốt ngày càng tăng - không giống như một số nước châu Âu nơi nhu cầu khí đốt đã giảm dần - và là một đất nước có tham vọng lớn trở thành một nơi giao dịch và trung chuyển nhiên liệu.
Tổng thống Putin trong cuộc họp báo ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters
Mặt khác, ông Stern cho biết, phải mất thời gian đáng kể để xây dựng đường ống mới đến Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, các luật lệ của Liên minh châu Âu không áp dụng ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng sẽ áp dụng được đối với gas của Nga một khi đường ống vào đến một thành viên Liên minh châu Âu như Hy Lạp.
Ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng tại Ukraina nổ ra vào tháng hai vừa qua, Ủy ban châu Âu đã gây sức ép với Nga để thực hiện theo luật lệ về cạnh tranh năng lượng như một điều kiện để cho phép khí đốt của Nga chảy sang châu Âu qua South Stream. Các quy tắc của châu Âu nhằm loại bỏ nguy cơ độc quyền về giá và nguồn cung năng lượng.
Nếu như đường ống South Stream không được xây dựng, châu Âu vẫn sẽ phải phụ thuộc vào dòng khí di chuyển từ Nga qua Ukraina. Đó có thể là nguyên nhân khiến các quan chức châu Âu cố gắng giữ một cánh cửa cho dự án này, và vào tuần tới sẽ có một cuộc họp tại Brussels với sự tham gia của quan chức phụ trách vấn đề năng lượng cấp cao của khối EU này là Maros Sefcovic.
Trong một thông báo được gửi cho khách hàng, các nhà phân tích tại Sanford C.Bernstein tại London cho rằng nếu như dự án này bị hủy bỏ, lợi nhuận trước thuế của Saipem có thế giảm 10 đến 15% trong năm 2015, hoặc ít nhất là sẽ giảm khoảng 130 triệu euro
Saipem là một trong một số ít các công ty sở hữu các loại tàu chuyên dụng có thể lắp đặt đường ống ở vùng nước sâu. Công ty có ba hợp đồng cho giai đoạn đầu tiên của hệ thống ống vượt Biển Đen với tổng trị giá 2,4 tỷ euro. Công ty dự kiến nhận được khoảng 1,25 tỷ eurro doanh thu từ South Stream ngay trong năm 2015.
Các nhà phân tích nói rằng việc loại bỏ dự án khiến tình hình thêm khó khăn cho ngành công nghiệp dầu mỏ, khi mà giá dầu giảm mạnh đang khiến các công ty lớn cắt giảm chi tiêu và giảm đầu tư. Nicholas Green, một nhà phân tích tại Bernstein ở London, nói rằng số lượng các dự án ngoài khơi được chấp thuận bởi các công ty đã giảm xuống còn ít hơn 40 dự án năm nay, so với 86 dự án trong năm 2012. "Với giá 80 USD mỗi thùng dầu," ông nói, "chúng tôi không biết con số của năm sau sẽ còn được bao nhiêu”.
Ông Green nói rằng Saipem là công ty bị hưởng nặng nề nhất bởi việc hủy bỏ dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt South Stream. Ngoài ra, các công ty thép châu Âu và Nga cũng có thể bị khốn đốn với số lượng vật liệu không thể sử dụng được, ông nói.
Với việc bị hủy hợp đồng, các công ty như Saipem có thể đòi được bồi thường từ Gazprom và các đối tác chủ dự án, nhưng các khoản này không thể bù đắp mất mát từ việc mất việc làm ăn.
Bà Itkonen, phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu, cho biết rằng ủy ban không có nghĩa vụ bồi thường cho các nước thành viên Liên minh châu Âu về việc mất đi cơ hội kinh doanh.
Trevor Sikorski, một nhà phân tích tại Energy Aspects, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại London, đánh giá về tuyên bố hủy dự án South Stream. "Chuyện này giống như một ván bài của tay chơi cỡ bự là Nga. Thông điệp của Nga là 'OK, nếu anh không muốn chơi, tôi sẽ mang bài về và biến'".
Trọng Nghĩa (theo New York Times)